Viết báo phải HAY & ĐÚNG

07:06, 20/06/2013
.

 


Trong lịch sử báo chí nước ta, tờ “Thanh niên” được Bác sáng lập ra số đầu tiên vào ngày 21/6/1925.  Kể từ đó, báo chí cách mạng VN đã không ngừng lớn mạnh và cũng đã từng tồn phải tại trong những hoàn cảnh ngặt nghèo. Cho đến nay, báo chí đã thực sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, có tác dụng lan tỏa rộng rãi và gắn kết xã hội vì sự nghiệp chung. Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, những người làm báo có thể tự hào nói rằng: chúng ta đã có một nền báo chí thực sự mạnh mẽ, nền báo chí ấy đã trưởng thành, vượt qua những thử thách lớn.

 

Bác Hồ đọc báo ở chiến khu Việt Bắc, năm 1951. Ảnh TL
Bác Hồ đọc báo ở chiến khu Việt Bắc, năm 1951. Ảnh TL


Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ  là người dạy lý thuyết viết báo, mà còn thực hành viết báo như một bài học sinh động cho những người làm báo cách mạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ của cách mạng Việt Nam đồng thời cũng là một nhà báo lớn. Quan điểm nhất quán của Bác khi đề cập đến báo chí cách mạng là phải xác định được mục đích, tôn chỉ và nhiệm vụ. Bác từng nói: Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề cần phải chú ý đến cùng, phải coi quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Báo chí vừa là bộ phận cấu thành của văn hóa vừa là phương tiện cổ vũ, truyền bá thực thi văn hóa. Nó là đội quân đi đầu trong công tác tư tưởng. Trong lớp học viết báo đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng), Bác đề ra 6 điểm chính của báo chí:

1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung.

2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc.

3. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công thì tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc.

4. Vì vậy, đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo.

5. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là của mình, thì nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát.

6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa.

Bác luôn coi báo chí là vũ khí của Đảng, của chính quyền trên mặt trận tư tưởng và vũ khí ấy là để phục vụ nhân dân, phục vụ những nhiệm vụ cách mạng. Có nghĩa là, báo chí trước hết phải là cơ quan tuyên truyền cổ động, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng, là diễn đàn của quần chúng nhân dân về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Người từng chỉ ra khuyết điểm mà báo chí ta thường gặp đó là “Tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều. Không biết giữ bí mật. Đôi khi đăng tin vịt...”. Bác nhắc nhở báo chí của ta không nên dùng chữ nước ngoài khi không cần thiết và phải thật sự tôn trọng sự kiện bởi nhà báo là người có khả năng tạo ra dư luận để ủng hộ hoặc phê phán một hiện tượng xã hội, vì thế mà phải công tâm, phải trung thực.

Là một nhà báo lớn, Người đưa ra những nguyên tắc báo chí thật dễ hiểu, dễ thấm. Đó là: Viết cho ai? Viết để làm gì? và viết như thế nào? Tới nay, 3 “nguyên tắc vàng” của Người đưa ra đã trở thành quy chuẩn cho những người làm báo. Theo Người, viết là viết cho nhân dân. Viết là để phục vụ cách mạng, phục vụ sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Và viết như thế nào có nghĩa là phải viết rõ ràng, văn phong giản dị, trong sáng để người đọc dễ hiểu. Những bài học về báo chí Người dạy đã đi cùng đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam theo năm tháng.

Báo chí cách mạng Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn, nhưng có thể nói là 3 giai đoạn chính: Báo chí vận động, tổ chức quần chúng nhân dân làm cách mạng, đánh đổ phong kiến, giành độc lập dân tộc từ tay thực dân; Báo chí trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại: chống Pháp và chống Mỹ, với mục tiêu cao cả là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Báo chí trong công cuộc xây dựng đất nước thời bình.

Trong thời chiến, những tấm gương cao cả của các nhà báo - chiến sĩ đã là niềm tự hào của báo giới cả nước. Kháng chiến chống Pháp, nhà in mang vào rừng, các nhà báo mặc áo lính theo bộ đội đi đánh trận. Trong kháng chiến chống Mỹ, lớp lớp nhà báo vượt Trường Sơn vào các chiến trường ác liệt nhất. Họ không chỉ có cây bút, mà còn có cả cây súng trên vai. Trong những năm tháng ấy, không ít nhà báo đã anh dũng hy sinh. Họ không chỉ làm công việc được giao, mà còn hoàn thành trọn vẹn nghĩa vụ công dân đối với Tổ quốc. Đó là những tấm gương sáng mãi mãi được các thế hệ làm báo tiếp theo các anh, các chị khắc ghi.

Thời bình, báo chí được tác nghiệp trong môi trường “dễ thở” hơn. Nhưng không vì thế mà sự việc đơn giản, dễ dãi. Nó có những cái khó của nó, những cái khó đó đôi lúc chưa có tiền lệ, buộc các nhà báo phải tự tìm một lối đi, một chỗ đứng để không sa ngã, biến chất, không làm xấu đi hình ảnh nền báo chí đã được các thế hệ đi trước xây đắp bằng cả máu xương của mình. Nhà báo luôn cố gắng mang đến cho bạn đọc những bài viết HAY và ĐÚNG

Nhà báo hôm nay cần bản lĩnh vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, “Tâm có sáng thì bút mới sắc”, và đặc biệt đòi hỏi ở họ trình độ và khả năng tác nghiệp hiện đại trong khi công nghệ đang phát triển như vũ bão. Khái niệm “thế giới phẳng” rất rõ với truyền thông, báo chí. Một thông tin hấp dẫn nào đó dù ở bất cứ địa điểm nào trên thế giới khi gần như ngay sau đó người ở rất xa cũng đã biết. Báo điện tử, truyền hình... đang nổi lên như một “vũ khí xã hội” trong thời đại hiện đại.

Trong khi đó, vì chạy theo lợi ích trước mắt, không ít cơ quan báo chí (kể cả báo in, báo hình, báo điện tử) đã dần rời xa tôn chỉ, mục đích, khai thác quá nhiều hiện tượng vụn vặt, tầm thường. Điều đó đã phần nào làm biến dạng hình ảnh báo chí cách mạng nước nhà. Nhu cầu thông tin của xã hội ngày một lớn, nhưng thông tin cái gì, nhằm mục đích gì, hay là thông tin hy sinh mục đích xây dựng xã hội - đó mới là điều đáng nói.

Gần đây, không ít cơ quan báo chí tỏ ra thích thú với việc khai thác triệt để yếu tố sex, yếu tố bạo lực, thổi phồng quá đáng những câu chuyện tầm phào. Chuyện “lộ hàng” của ca sĩ này, người mẫu kia được tung lên với những cái tít giật gân quá mức, khiến cho thông tin đã không còn là phê phán một hiện tượng xấu mà lại trở thành cổ súy cho nó. Từ đó mới có chuyện xuất hiện hàng loạt “hot boy, hot girl” ra đời, như một trào lưu buồn trong xã hội. Chuyện đời tư khai thác quá mức, trở thành lạm dụng là lợi bất cập hại.

Báo chí là để phục vụ nhân dân, xây dựng một đời sống tinh thần cho xã hội thật sự lành mạnh, trong sáng. Với nội lực tích tụ trong suốt nhiều  năm qua, chắc chắn nền báo chí ấy sẽ nhanh chóng vượt qua những thử thách, những cạm bẫy. Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về hệ thống báo chí của đất nước ngày một vững vàng, mạnh mẽ.
 

Bác Hồ nói về điểm quan trọng khi viết báo:

1. Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực.

2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người.

3. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần,  sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu.

4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ.2      

 

                           
 

Theo Dương Văn (GD&TĐ)


.