Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn nhiều vấn đề xã hội

07:06, 14/06/2013
.

Chiều nay (14/6), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội một cách thẳng thắn, không né tránh đối với các vấn đề lớn của đất nước được đại biểu đặt ra, cử tri quan tâm.
 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh VGP/Nhật Bắc



Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị), Nguyễn Thái Học (Phú Yên) về công tác phòng chống tham nhũng, xử lý các vụ khiếu nại tố cáo, tình trạng một bộ phận cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, sự vô cảm, nhũng nhiễu tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay đang gây bức xúc trong nhân dân, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng và cá nhân Phó Thủ tướng luôn đẩy mạnh chỉ đạo việc tập trung xây dựng thể chế, công tác phòng ngừa, thanh kiểm tra chặt chẽ với nhiều biện pháp quyết liệt và đã có những chuyển biến.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhân dân vẫn còn chưa hài lòng như phát hiện tham nhũng còn chậm, pháp luật còn sơ hở, lĩnh vực xảy ra phức tạp như tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản. Do đó, phải tăng cường kiểm tra, xử lý các vụ án tham nhũng một cách nghiêm minh, quá trình điều tra phải triệt để thu hồi các tài sản do tham nhũng mà có và xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ án này.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, để hạn chế tình trạng vô cảm, cửa quyền, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức cần thực hiện tốt Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020 với các đề án quan trọng như cải tiến chế độ công vụ công chức, thúc đẩy thực hiện “một cửa liên thông” trong việc tiếp nhận và xử lý văn bản thủ tục hành chính cho nhân dân, xây dựng bộ chỉ số đánh giá về cải cách hành chính của các cơ quan, tổ chức nhà nước trong việc xử lý đơn thư cho người dân. Đặc biệt, đang nỗ lực triển khai đề án tổng thể đơn giản hóa giấy tờ công dân bằng thẻ định danh cá nhân.

Xử lý nghiêm thói vô cảm, cửa quyền, nhũng nhiễu, tiêu cực của một bộ phận cán công chức dẫn đến thực thi công vụ yếu, làm suy giảm hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước. Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị như thực hiện nghiêm Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, công khai thủ tục hành chính, cải cách chế độ công vụ công chức, minh bạch hóa nền hành chính công vụ quốc gia để nhân dân giám sát, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, cương quyết đưa ra khỏi hệ thống những người không hoàn thành nhiệm vụ, phẩm chất đạo đức yếu kém, gây phiền hà cho nhân dân, lấy sự hài lòng của dân làm thước đo đánh giá với cán bộ công chức.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, thời gian qua các cấp, các ngành đã tập trung xử lý một số vụ việc nổi cộm, phức tạp như giải quyết cơ bản xong 528 vụ khiếu kiện kéo dài, có vụ việc thời gian đến 20 năm, trong đó đã xử lý dứt điểm 462 vụ việc được đồng tình. Bài học rút ra là sự tâm huyết, trách nhiệm trong giải quyết các vụ việc một cách thấu tình đạt lý khi xem xét các vụ việc của nhân dân.


Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về tình trạng băng nhóm tội phạm nổi lên tại một số địa phương nhưng chính quyền và công an sở tại lại không biết, chỉ khi đơn vị của Bộ Công an phá án thì công an và chính quyền địa  phương mới biết?

Phó Thủ tướng khẳng định, để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và Trưởng công an sở tại trong việc buông lỏng quản lý, không loại trừ có sự tiếp tay, bao che của lực lượng thực thi công vụ. Để chấn chỉnh hiện tượng này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị triển khai Chỉ thị 48/CT-TW của Bộ Chính trị và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Cụ thể, ở đâu có tình trạng tội phạm lộng hành thì trách nhiệm thuộc về cấp ủy, chính quyền và  trách nhiệm đầu tiên thuộc trưởng công an địa bàn đó. Bên cạnh đó, cần trang bị công cụ, phương tiện cho công tác phòng chống tội phạm, nhân rộng mô hình tốt trong công tác này cũng như tiến hành mở các đợt tấn công truy quét tội phạm một cách liên tục, đánh trúng, có hiệu quả, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Ngay như việc rút ruột xăng dầu được báo chí phản ánh vừa qua, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo trực tiếp địa phương vào cuộc điều tra, bắt giam 5 đối tượng liên quan đến sự việc. Cần đề cao cảnh giác tất cả các khâu từ vận chuyển, phân phối với sự vào cuộc của người dân và báo chí để chấm dứt tình trạng này.

Đề cập đến thực trạng các luật chậm đi vào cuộc sống do thiếu văn bản hướng dẫn như chất vấn của đại biểu Hồ Trọng Ngũ, Phó Thủ tướng cho biết hiện tượng này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và các Bộ, ngành.

Do đó, Chính phủ luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành đất nước. Trong năm 2012 và 4 tháng đầu năm 2013 đã ban hành 940 văn bản quy phạm pháp luật với 12.000 điều khoản thi hành. Phần lớn các văn bản đều đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng. Tuy nhiên cũng có một số văn bản thiếu thực tiễn nên bị dư luận phản ứng đã được cấp có thẩm quyền chỉ đạo sửa đổi, bổ sung kịp thời như ghi tên cha mẹ vào chứng minh nhân dân...



Theo Lê Sơn/Chinhphu.vn


.