Mở rộng phạm vi áp dụng bảo hiểm thất nghiệp

08:06, 08/06/2013
.

Tiếp theo Kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XIII, chiều 8-6, QH thảo luận tại tổ về hai Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Dự án Luật Việc làm. Mở rộng phạm vi áp dụng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và hiện thực hóa chính sách thi đua khen thưởng là hai vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm, đóng góp ý kiến.
 
Khen thưởng kịp thời, giảm truy tặng

Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, Luật Thi đua, Khen thưởng được QH khóa XI (kỳ họp thứ 4) thông qua ngày 26-11-2003, có hiệu lực từ ngày 1-7-2004. Sau 8 năm thực hiện, Luật Thi đua, Khen thưởng đã được các tầng lớp nhân dân đồng tỉnh, ủng hộ. Từ khi có Luật Thi đua, công tác khen thưởng có tiến bộ hơn và dần đi vào nề nếp, chất lượng được nâng lên, việc thẩm định hồ sơ khen thưởng và đề nghị khen thưởng của các cấp, các ngành được thực hiện theo quy định. Các bộ, ngành, địa phương đã chú trọng khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân, người lao động có thành tích, góp phần động viên, giáo dục, nêu gương trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các loại hình khen thưởng như: thường xuyên, đột xuất, khen thưởng theo niên hạn, khen thưởng tổng kết các giai đoạn và khen thưởng đối ngoại đã được các cấp, ngành thực hiện kịp thời và thiết thực.
 

 Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.



Song theo đánh giá của các ĐBQH, Luật thi đua, khen thưởng trên thực tế cũng bộc lộ nhiều bất cập. Tại một số bộ, ngành, địa phương hoạt động thi đua, khen thưởng còn diễn ra một cách hình thức, chưa khuyến khích người dân thi đua đóng góp có ích cho xã hội. Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội), việc khen thưởng nên thực hiện kịp thời và quan tâm hơn nữa tới người lao động. Việc truy tặng nên giảm bớt đi để hoạt động khen thưởng trở nên thực chất. Tránh để tình trạng những người có những đóng góp cho xã hội lúc còn sống thì không ai để ý, lúc sắp qua đời hoặc đã qua đời lại liên tiếp được truy tặng. ĐB cũng kiến nghị bỏ quy định khen thưởng theo niên hạn vì quy định như vậy lao động nữ, đặc biệt những người hoạt động trong giới khoa học sẽ bị thiệt thòi.

Thu hút thêm đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban các vấn đề xã hội của QH cho thấy, hiện mới có khoảng 33% lao động làm công ăn lương. Vẫn còn khoảng 67% lao động không có quan hệ lao động trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, việc ban hành Luật việc làm là cần thiết nhằm góp phần phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động. Nhóm không có quan hệ lao động chủ yếu điều chỉnh bởi Luật việc làm thông qua các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, dạy nghề và nâng cao kỹ năng nghề, việc làm tạm thời, thông tin thị trường lao động và tư vấn việc làm, BHTN...

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, lượng DN phá sản, ngừng hoạt động tăng cao, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội. Đóng góp về dự án Luật Việc làm, ĐB Đinh Xuân Thảo (Đoàn Hà Nội) đã bày tỏ sự đồng tình về việc đưa quy định về chính sách BHTN vào Luật Việc làm. Theo ĐB, BHTN là chính sách bảo hiểm ngắn hạn, được quy định trong Luật bảo hiểm xã hội, thực hiện từ ngày 1-1-2009 nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội, bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Trên cơ sở tạo sự kết nối tốt hơn giữa chính sách việc làm và chính sách BHTN, các quy định về BHTN trong Luật bảo hiểm xã hội được chuyển về dự án Luật việc làm là phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, nhiều ĐB cũng nêu ý kiến về việc mở rộng phạm vi áp dụng BHTN đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động. Đa số các ý kiến ĐB đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia BHTN. Bởi trên thị trường lao động hiện nay có khoảng 67% lực lượng lao động không có quan hệ lao động, do vậy, cần có những biện pháp để thu hút số lao động thuộc nhóm này tham gia loại hình BHTN nhằm tăng tính bền vững cho việc làm của họ.

Tuy nhiên, một số ĐB cũng khuyến cáo, việc mở rộng và quản lý các đối tượng không có quan hệ lao động tham gia BHTN khá phức tạp bởi quỹ BHTN dễ bị lạm dụng do những khó khăn trong việc xác định tình trạng thất nghiệp, công tác thu-chi còn nhiều bất cập và khả năng quản lý đối tượng thụ hưởng chính sách còn hạn chế... Do đó, dự thảo Luật chỉ nên mở rộng phạm vi áp dụng đối với nhóm lao động có hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng. Đối với nhóm lao động còn lại, do chưa có kinh nghiệm, dự thảo Luật nên quy định nguyên tắc, giao cho Chính phủ trong từng giai đoạn quy định điều kiện để tổ chức thực hiện phù hợp với khả năng quản lý và trình độ phát triển kinh tế xã hội.

 


Hương Ly/Hà Nội mới


.