(QNg)- 123 năm trước, tại ngôi nhà nhỏ năm gian lợp bằng tranh, tre đầy nắng và gió giữa miền quê có tên làng Hoàng Trù hay tên gọi khác làng Chùa (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) như bao làng quê xứ Nghệ bình yên khác đã sinh ra một con người được thế giới vinh danh: Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tháng 5, nắng vàng ươm soi rọi qua những hàng cau, lũy tre bên ngôi nhà đơn sơ ấy, dòng người tấp nập về thăm, viếng Bác nhân dịp sinh nhật lần thứ 123 của Người (19/5/1890–19/5/2013). Khung cảnh thanh bình, thơ mộng nhưng tràn đầy yêu thương và thành kính. Chợt đâu đó thoảng bên tai những vần điệu thân quen trong bài thơ “Về quê Bác” của nhạc sĩ, nhà thơ Đỗ Sơn Hà: “Con đến làng Sen giữa trưa hè/Thênh thang đường rộng rợp bóng tre/Hương Sen thơm thoảng, trời xanh thắm/..../Lưu hình dáng Bác nhớ ngày xưa/Nước mất, nhà tan, dân nô lệ/Giải phóng dân mình Bác ước mơ/Cứu nước Bác đi làm cách mệnh/Xuống tàu, phụ bếp vượt trùng dương…”.
Từ Hoàng Trù quê ngoại…
Tỉnh lộ 49 từ thành phố Vinh về xã Kim Liên rộng thênh thang. Dọc hai bên là những ruộng lúa đang vào thì con gái tỏa ngát hương thơm. Cổng chào làng Hoàng Trù hiện ra trong sương sớm, hai bên là hàng cây cổ thụ rợp bóng rì rào trong nắng mai, tiếng ve sầu râm ran tạo nên những nốt nhạc thật mềm mại giữa vùng quê thanh bình. Chúng tôi đang miên man chiêm ngưỡng vẻ đẹp khi lần đầu tiên về thăm quê Bác thì giọng cô gái xứ Nghệ dịu dàng, tha thiết cất lên: Làng Hoàng Trù nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời. Cô hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi qua từng cung bậc của cảm xúc bằng những câu chuyện của hơn 1 thế kỷ trước. Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ Bác) có một tuổi thơ bình dị, chăn trâu cắt cỏ, cuộc sống nghèo khổ nhưng ham học và được thầy giáo làng Hoàng Đường rất mực yêu quý dạy chữ và gả con gái. Thương con quý trò, cụ Đường còn chia cho mảnh đất, cất dựng ngôi nhà ba gian để cha, mẹ Bác ở. Và từ trong gian nhà đơn sơ đó, ngày 19/5/1890 Bác đã cất tiếng khóc chào đời.
Đoàn tham quan của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi chụp ảnh lưu niệm trước ngôi nhà quê ngoại Bác. |
Từ bên ngoài nhìn vào, hai hàng cau xen lẫn trong hai hàng chè tàu tạo ra một khung cảnh nên thơ. Phía bên trong là ba dãy nhà, trong đó ngôi nhà Bác chào đời còn lưu giữ những dấu tích, hiện vật trong sáu năm đầu đời của Bác và những người thân trong gia đình Bác vẫn còn nguyên vẹn, được sắp đặt ngay ngắn. Một gian là nơi cụ Phó bảng đọc sách, trà tửu. Nhưng có lẽ, vật dụng gây xúc động nhất là chiếc giường bằng gỗ xoan còn nguyên vẹn, nơi bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác đã sinh thành và nuôi nấng ba người con những bước đi đầu đời. Cạnh đó, là khung cửi, nơi bà ngày đêm dệt vải, chăm lo cho cả gia đình.
Cô hướng dẫn viên bất ngờ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện lần đầu tiên Bác về thăm quê sau những tháng năm dài vượt trùng dương tìm đường cứu nước. Đó là vào năm 1957. “Bước vào gian buồng của mẹ, thấy cái rương gỗ cũ của mẹ còn đó, Bác nghẹn ngào chẳng nói nên lời, mãi mới lên tiếng cảm ơn mọi người đã gìn giữ những kỷ vật của mẹ cẩn trọng đến vậy. Rồi Bác quay đi cố giấu đôi mắt đỏ hoe…” . Nghe đến đây nhiều bạn trẻ rơm rớm nước mắt. Ngôi nhà này sau khi Bác theo cha về quê nội, thân sinh Bác đã để lại cho bà con trong họ Hoàng Đường sử dụng.
Năm 1979, cụm di tích Làng Sen được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia đặc biệt. Đây cũng chính là một trong 4 di tích quan trọng bậc nhất của cả nước về vị Chủ tịch kính yêu của dân tộc và cũng là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ. Toàn bộ khu di tích bao gồm 4 cụm chính: khu quê ngoại, khu quê nội, núi Chung, và khu mộ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu kính yêu của Bác). |
…Đến Làng Sen quê nội
Chia tay làng Chùa, chúng tôi về quê nội của Bác cách đó không xa. Dù không phải là nơi Bác cất tiếng khóc chào đời, nhưng ngôi nhà lá 5 gian mà bà con Làng Sen góp công, góp sức xây dựng mừng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đỗ đạt năm 1901 lại ghi dấu suốt những tháng năm tuổi thơ của Bác (từ năm 11 đến 16 tuổi). Con đường bê tông thay cho con đường đất năm xưa, nhưng khung cảnh qua lời kể của cô hướng dẫn viên thì vẫn vậy, vẫn là những lũy tre rì rào trong gió trưa hè, vẫn là những giếng làng, cây đại thụ, những ao sen đang thi nhau khoe sắc mừng sinh nhật Bác…
Tháng 5 về quê Bác, một vùng đất địa linh nhân kiệt nằm ở hạ lưu sông Lam, không chỉ được thưởng ngoạn không khí làng quê Bắc Bộ thanh bình, mộc mạc, được nghe làn điệu dân ca xứ Nghệ thấm đượm nghĩa tình, mà còn để trải lòng mình trong những khoảnh khắc không thể nào quên trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của vị lãnh tụ kính yêu.
Bên trong ngôi nhà 5 gian ấy gợi tả cho chúng tôi những cảm xúc gần gũi, thân thương và giản dị đến lạ thường. Nhiều đoàn khách đã xúc động khi nhìn thấy những chiếc phản gỗ để Bác và cha, anh của Bác nằm ngủ, chiếc giường con xinh xắn của chị Bác, chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ, vài vật dụng đơn sơ… Chính những điều này đã tác động rất lớn đến tính cách bình dị, gần gũi và đồng cảm với thời cuộc, vận mệnh đất nước sau này của Bác.
Chia tay Làng Sen trở về, trong chúng tôi mỗi người đều có chung một cảm xúc thật tự hào và kính trọng vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc. Và trong sâu thẳm trái tim tôi lại hiện về những vần thơ ngọt ngào của nhà thơ Tố Hữu: “…Tôi trở về quê Bác làng Sen/ Ôi hoa sen đẹp của bùn đen/Làng quê như thể quê chung vậy/Mấy dãy ao chua mảnh đất phèn…”.
Lê Đức