Luật phòng cháy và chữa cháy đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định trách nhiệm trong công tác PCCC.
Sáng nay (21/5), dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy. Nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống khủng bố và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phòng, chống khủng bố.
Qua 10 năm thực hiện, Luật phòng cháy và chữa cháy đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy, nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy.
Hiện cả nước đã thành lập được gần 123.000 đội dân phòng và đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở với gần 1,5 triệu cán bộ, đội viên và 185 đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp.
Công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy được tăng cường. Cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, Luật đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung.
Lần sửa đổi, bổ sung này được xây dựng trên cơ sở quán triệt các quan điểm: nội dung sửa đổi, bổ sung phải phù hợp và đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác phòng cháy, chữa cháy, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để xác định và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Đồng thời đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, có tính khả thi cao và thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác trong hệ thống pháp luật hiện hành./.
Theo Vân Thiêng/VOV