(QNg)- Tham gia cùng đoàn công tác của UBKT Trung ương đi sưu tầm tư liệu về ngành kiểm tra và tư liệu về đồng chí Nguyễn Tuấn Tài - Trần Kiên, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT Trung ương, chúng tôi vô cùng trân trọng khi đọc mười dòng chữ của đồng chí Trần Kiên viết gần cuối trang cuốn sổ tay còn nhiều trang giấy trắng phía trước (hình như viết để giấu mình) - cuốn sổ tay này do người nhà vợ đồng chí Trần Kiên cung cấp tại nhà đồng chí Trần Kiên (số 3, Trần Quang Diệu, thành phố Quảng Ngãi).
Khi mới đọc qua, chúng tôi tưởng đó là các dòng chữ gieo vần cho dễ nhớ, có chữ đọc lướt qua chưa hiểu. Về lại Phòng lưu trữ của Văn phòng Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, tôi nói với đồng chí Huỳnh Thanh Tịnh và đồng chí Phạm Xuân Quang (cùng là Phó Vụ trưởng Vụ 5, UBKT Trung ương) nên photo cung cấp cho Phòng lưu trữ Tỉnh uỷ Quảng Ngãi bài thơ của đồng chí Trần Kiên. Các đồng chí chấp nhận, sau khi photo xong, chúng tôi mỗi người một bản; ngồi nghe một cán bộ Phòng lưu trữ đọc lại và tìm ý thơ - bởi vì chữ viết của đồng chí lão thành hơi khó xem. Sau khi xác định tương đối rõ nghĩa của các vần thơ, tôi bảo rằng hình như vị lão thành này cũng có “người thương” ngoài vợ. Mọi người cười ồ và tiếp tục cùng bàn về chữ nghĩa. Bài thơ không có tiêu đề, không đề bút danh, không đề ngày tháng năm, được đồng chí Trần Kiên viết ra khi đồng chí đã về quê hương, khi hết nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương khoá VI để nghỉ hưu.
Đồng chí Trần Kiên (thứ 3 từ phải sang) hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên chăm sóc cây cà phê. |
Do yêu cầu của tình hình, Bộ Chính trị mời đồng chí Trần Kiên tham gia Tổ phái viên của Trung ương Đảng tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Trước khi nói về bài thơ, tôi xin khái quát vài nét về vị tướng - phái viên này. Trong thời gian là phái viên, đồng chí Trần Kiên đi rất nhiều đến các buôn, làng ở các tỉnh Tây Nguyên và 6 huyện miền núi Quảng Ngãi. Đồng chí luôn đi sát cơ sở, vào ăn, ở cùng trong nhà dân, sinh hoạt cùng với dân, tìm hiểu về cuộc sống và tập quán canh tác của họ, để từ đó đề xuất cách giúp đỡ và đồng chí trực tiếp hướng dẫn cho đồng bào sản xuất, sinh hoạt, giữ gìn an ninh, trật tự; khuyên đồng bào không nghe theo bọn xấu, phản động.
Thực tế nơi nào đồng chí Trần Kiên đến hướng dẫn thì nơi đó có phong trào khá toàn diện; cái đói, cái rét giảm đi rất nhiều, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Bà con dân tộc ở Tây Nguyên và 6 huyện miền núi Quảng Ngãi, những nơi đồng chí Trần Kiên đến đều rất mến mộ “ông già cách mạng” này. Khi hết làm phái viên, đồng chí Trần Kiên vẫn luôn tìm cách giúp đỡ, hướng dẫn đồng bào các dân tộc miền núi. Theo đồng chí Nguyễn Văn Chi - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm UBKT Trung ương, người biết rõ đồng chí Trần Kiên lúc là phái viên kể: Sau khi không còn làm phái viên nữa nhưng mỗi dịp Tết cổ truyền, đồng chí Trần Kiên thường đi xe đạp lên núi, mang theo chai nước mắm, vài chục quả trứng gà, vịt cùng đồng bào dân tộc vui Tết và hướng dẫn bà con sản xuất, sau Tết mới về.
Những lúc Cơ quan UBKT Tỉnh uỷ Quảng Ngãi đến thăm đồng chí Trần Kiên, nghe đồng chí tâm sự, trăn trở, mà lòng tôi cũng xót xa, rằng: Mặc dù đau đáu suy nghĩ, tìm mọi cách giúp đồng bào miền núi, nơi đã từng là căn cứ kháng chiến, nơi đồng bào các dân tộc không tiếc một thứ gì, kể cả tính mạng phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, nhưng nay bà con dân tộc còn quá khó khăn, sống nghèo khổ, đói khát, tôi chưa giúp được nhiều để bà con dân tộc có cuộc sống sung sướng hơn. Tôi còn nợ với đồng bào nhiều lắm, không biết khi nào trả hết nợ này. Mong các đồng chí lưu tâm nhé!
Tình cờ đồng chí Trần Kiên gặp người con gái Tây Nguyên xinh xắn, ở tận núi cao, mây trời luôn phủ dày đặc, nói tiếng Kinh chưa rành; còn tiếng “đồng bào” thì đồng chí Trần Kiên nghe “lạ hoắc”. Tuy không nghe được, nhưng đồng chí Trần Kiên cũng bắt tay em và cười. Đồng chí Trần Kiên nói với lòng mình: Em với anh vốn người xa lạ, Con đường đời chẳng hẹn gặp nhau, Gặp nhau tay bắt mặt cười. Khi chưa hiểu tiếng “đồng bào” và “đồng bào” cũng chưa hiểu đồng chí Trần Kiên nói gì thì làm sao giúp được đồng bào sản xuất, chăm lo cuộc sống và cũng không thể làm dấu - ra ni để “tỏ bày tình thương”. Chính lẽ đó đồng chí Trần Kiên yêu cầu phải “học nhau tiếng nói”, nhưng muốn học để biết được phải có thời gian. Đồng chí viết: Trời trong mưa nắng tháng ngày, Học nhau tiếng nói tỏ bày tình thương. Người cộng sản Trần Kiên, luôn kiên định lập trường cách mạng nhưng cũng có lúc xao lòng và cũng chỉ có vậy.
Nhân kỷ niệm 9 năm ngày mất đồng chí Nguyễn Tuấn Tài - Trần Kiên (26/5/2004 - 26/5/2013) xin giới thiệu quý độc giả mười câu văn vần mà đồng chí Trần Kiên đã viết lúc làm phái viên của Trung ương ở miền Trung - Tây Nguyên.
Anh với em cùng chung Tổ quốc,
Vận nước, tình nhà hạt muối chia nhau.
Quê em ngọn núi đón mây dày,
Làng anh nghèo, cày lên sỏi đá.
Em với anh vốn người xa lạ,
Con đường đời chẳng hẹn gặp nhau,
Gặp nhau tay bắt mặt cười,
Tiếng chi lạ hoắc chỉ cười bắt tay.
Trời trong mưa nắng tháng ngày,
Học nhau tiếng nói tỏ bày tình thương.
Nguyễn Ngọc Ban