(QNĐT)- Quân ta đồng loạt đánh quyết liệt cắt địch từng cụm nhỏ, nhân dân nổi dậy cùng bộ đội dùng gậy gộc, dao, búa đuổi địch. Rối loạn đội hình, địch xô nhau nhảy xuống sông để bơi sang bờ nam sông Trà Khúc… Từng ấy hình ảnh về những ngày cuối tháng 5 lịch sử chưa bao giờ phai nhạt phai trong tâm thức của ông Lê Ngọc Lịnh- Chính trị viên phó Đại đội 6, Tiểu đoàn 45 thuộc Trung đoàn Ba Gia.
Những hình ảnh oai hùng ấy đã trôi qua 48 năm, nhưng với ông Lê Ngọc Lịnh và những người nguyên là chiến sỹ của Trung đoàn Ba Gia năm xưa, đó là những ký ức oai hùng của một thời mưa bom lửa đạn, không thể nào quên. Dù ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng khi kể cho chúng tôi nghe về chiến công chói lọi ấy, giọng ông trở nên mạnh mẽ chẳng thua gì chàng trai trẻ tuổi hai mươi.
Cuối năm 1964, đầu năm 1965, trước sức tấn công và nổi dậy mạnh mẽ của quân và dân ta ở miền Nam, chiến lược chiến tranh đặc biệt và cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ I của đế quốc Mỹ bị khủng hoảng nặng nề. Giặc Mỹ điên cuồng leo thang bắn phá ở miền Bắc, nhằm cắt đứt nhiều tuyến đường huyết mạch, ngăn chặn quân ta chi viện cho chiến trường miền Nam.
Quân và dân Quảng Ngãi đã làm chủ được nhiều vùng rộng lớn sau các đợt tiến công và nổi dậy, phong trào quần chúng phát triển mạnh mẽ thành cao trào ở đồng bằng. Địch co cụm và quay về phòng ngự ở các vùng xung yếu.
Trước thế trận có lợi, mùa hè năm 1965, Quân ủy Trung ương và Khu ủy 5 mở “Chiến dịch Lê Độ”, tập trung vào Nam Tây Nguyên, Tây Gia Lai, Bắc Kon Tum- Bắc Quảng Ngãi, nhằm phá banh các ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng.
Trên chiến trường Quảng Ngãi, chiến dịch Ba Gia hay còn gọi là chiến dịch Tây Sơn Tịnh được mở trên địa bàn các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và thị xã Quảng Ngãi. Trong đó Ba Gia là điểm then chốt, nhằm tiêu diệt tiểu đoàn ngụy và cố vấn Mỹ, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang và Binh địch vận.
Với tinh thần ấy, đêm 27, chủ lực của ta là Trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia) gồm 3 tiểu đoàn là: Tiểu đoàn 1 (Tiểu đoàn 40), Tiểu đoàn 2 (Tiểu đoàn 60) và Tiểu đoàn 3 (Tiểu đoàn 90) hành quân từ Quảng Nam vào núi Lưỡi Cày và ém quân vào các vị trí tác chiến.
Đêm 28 rạng sáng 29/5/1965, bộ đội địa phương Sơn Tịnh và trung đội trinh sát và đặc công nổ những phát súng đầu tiên tiến công. Chỉ sau 10 phút đã tiêu diệt hoàn toàn 2 trung đội dân vệ và 1 trung đội lính cộng hòa ở núi Diên Niên.
Với tinh thần không diệt gọn mà chỉ vây địch để nhử địch, khi địch kéo quân đến tiếp viện, quân ta nổ súng vây dưới chân núi Khỉ (Tịnh Sơn). Đúng như dự đoán của ta, đại úy Nguyễn Văn Ngọc- Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 của ngụy cùng cố vấn Mỹ dùng 8 chiếc xe GMC chở quân đến tiếp viện và bị Tiểu đoàn 90 chặn đánh ở núi Tròn, núi Khỉ.
Hằng năm, vào sáng 31/5 lịch sử, cán bộ, nhân dân huyện Sơn Tịnh và chiến sỹ Trung đoàn Ba Gia năm xưa lại về dưới chân tượng đài Chiến thắng Ba Gia để cùng ôn lại chiến công chói lọi năm xưa. |
Cùng thời điểm, các mũi tiến công của ta từ thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh bất ngờ đánh vào sau lưng địch. Nhân dân Tịnh Minh đồng loạt nổi dậy dùng rựa, dao, gậy… truy kích khiến địch chạy tán loạn, nhiều tên nhảy xuống sông Trà Khúc, nhưng bị ta tóm gọn và bắt sống 217 tên, trong đó có đại úy Ngọc; thu trên 200 súng các loại, phá hủy 1 pháo 105 ly và nhiều xe quân sự của địch.
Lúc bấy giờ, lực lượng của ta bắn vào đồn Gò Cao (Tịnh Đông). Được tin Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 51 bị tiêu diệt, đồn Gò Cao bị uy hiếp, tướng Nguyễn Chánh Thi- Tư lệnh Quân khu 1 lập tức điều 1 tiểu đoàn Thủy quân lục chiến từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi cùng với tiểu đoàn 2, trung đoàn 51, lập thành chiến đoàn, tổ chức cứu viện, giải vây.
Sáng 30/5/1965, từ thị xã Quảng Ngãi chiến đoàn này gồm 20 chiếc xe GMC và 12 xe bọc thép, từ Tỉnh lộ 623 lên Tịnh Hà rồi chia thành 2 cánh.
Một cánh do tiểu đoàn 39 biệt động quân rẽ phía bắc Phước Lộc đi theo đường Lâm Lộc - Vĩnh Khánh lên chiếm đồi Chóp Nón hình thành thế bao vây phía sau đội hình ta. Một cánh do tiểu đoàn 2 trung đoàn 51 và tiểu đoàn 3 - thủy quân lục chiến tiến theo đường số 5 Sơn Tịnh- Sơn Hà hòng làm rối loạn và phá vỡ thế bố trí chiến đấu của ta.
Bọn địch nghĩ rằng, với lực lượng cỡ chiến đoàn tinh nhuệ, được phi pháo yểm trợ, chúng sẽ bao vây tiêu diệt lực lượng ta. Không ngờ quân ta đã triển khai thế trận chờ chúng vào bẫy.
Chiều cùng ngày, toàn chiến đoàn địch lọt vào đội hình phục kích của ta. Các đơn vị của ta nhanh chóng thực hiện bao vây chia cắt, cô lập hai cánh quân, không cho chúng phối hợp sức mạnh chiến đoàn.
Ta xông lên đánh bật và tiêu diệt quân ở đồi Chóp Nón. Hỏa lực ta được lệnh tập trung bắn cấp tập vào Phước Lộc, đồng thời chiến sỹ ta được lệnh đồng loạt xung phong, đánh bật quân địch xuống phía sông.
Máy bay địch đến bắn phá để cứu nguy cho bộ binh của chúng, nhưng không có hiệu quả. Ta nhanh chóng dùng lực lượng để triển khai, vây hãm từng đoạn một cách quyết liệt.
Đến 17 giờ, tiểu đoàn thủy quân lục chiến bị tiêu diệt gần hết. Tiểu đoàn 2 trung đoàn 51 bị thiệt hại nặng. Tuy vậy, bọn địch còn lại vẫn cố sống.
Đêm 30 rạng sáng ngày 31/5/1965, bộ đội ta tập trung sức đồng loạt tập kích dứt điểm số quân còn lại ở điểm cao 47 và núi Chóp Nón.
Đến 1 giờ sáng ngày 31/5/1965, quân ta đánh bại hoàn toàn quân địch, tiêu diệt 916 tên địch, bắt sống hàng trăm tên, thu hằng trăm súng ác loại. Đây là lần đầu tiên trên chiến trường Khu V, một trung đoàn chủ lực của ta tiêu diệt một chiến đoàn hỗn hợp tinh nhuệ của địch.
Sau chiến thắng Ba Gia, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân diễn ra rộng khắp các vùng. Hơn 10 vạn đồng bào các vùng chung quanh thị xã, các thị trấn ở đồng bằng đã kéo đến các trụ sở chính quyền địch đấu tranh đòi tìm xác chết, đòi chồng, đòi con trở về để khỏi chết ngoài chiến trường, đòi trợ cấp cho các gia đình binh sĩ thiệt mạng, gây náo loạn nhiều nơi, làm cho binh lính và chính quyền địch càng thêm lo sợ, lúng túng. Đây là thời kỳ làm chủ, giành dân cao nhất trong kháng chiến chống Mỹ ở Quảng Ngãi.
Chiến thắng Ba Gia là một trong những đòn quyết định, góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ ở Quảng Ngãi. Đồng thời đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội ta, chỉ trong vòng hai ngày đêm, bằng một loạt trận chiến đấu vận động liên tục đánh địch dưới điều kiện phi pháo ác liệt, đã tiêu diệt hoàn toàn chiến đoàn hỗn hợp ngụy, đánh bại cuộc hành quân ứng cứu quy mô lớn.
Phát huy thắng lợi của chiến thắng Ba Gia, quân và dân Quảng Ngãi liên tiếp giành nhiều thắng lợi to lớn: Vạn Tường (tháng 8/1965), Gò Sỏi (tháng 7/1966), Đình Cương (tháng 8/1974)... và đỉnh cao là cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà 24/3/1975, góp phần tích cực vào đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
48 năm trôi qua kể từ chiến thắng Ba Gia lịch sử, 38 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, quân và dân Quảng Ngãi nói chung, quân và dân các xã khu tây Sơn Tịnh nói riêng tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ để vươn lên đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài, ảnh: Ái Kiều