(QNg)- Khi còn chưa “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác” Bác Hồ thường vắng nhà trong những dịp sinh nhật của Người. Năm 1970, trong bài Theo chân Bác, nhà thơ Tố Hữu viết: “Tôi viết bài thơ mừng thọ Bác/ Năm nay vừa tuổi tám mươi tròn/ Chắc như thường lệ Người đi vắng/ Để mọi lời ca tặng nước non”. Khổ thơ mang âm hưởng buồn nhớ, mất mát, khắc khoải và trống vắng mênh mông. Việc Bác thường đi vắng trong ngày sinh nhật của Người không phải là ngẫu nhiên.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XI khai mạc cũng vào tháng “nắng đầy tiếng chim”, gợi mở cho ta nhiều vấn đề tâm huyết. Thời gian qua, việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo nên những chuyển biến rõ nét cả về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và trong các tầng lớp nhân dân. Chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức có chuyển biến tích cực. Ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, quan tâm đến đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn. Việc xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến bước đầu tạo ra sự lan tỏa, có tác động tích cực tới đời sống xã hội.
Hồ Chủ tịch tới thăm và dùng thử máy cấy tại trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông Lâm Hà Nội (1960). Ảnh: TL |
Hội nghị Trung ương 7 kết thúc với những kết quả quan trọng. Đó là việc lần đầu tiên Trung ương tiến hành công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, lưu dấu ấn quan trọng trong lịch sử xây dựng Đảng ta. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải kiên quyết, kiên trì lãnh đạo, tổ chức, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với những bước đi vững chắc nhằm thực sự tạo được chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng. Trước mắt, tập trung xây dựng và thực hiện thật tốt, có kết quả cụ thể các chương trình, kế hoạch sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm, khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra trong đợt sinh hoạt chính trị vừa qua.
Dư luận xã hội mong rằng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức – những công bộc của dân, nâng cao hơn nữa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đặc biệt là phong cách quần chúng, dân chủ, gần dân, sát dân, tôn trọng nhân dân. Nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, đôn đốc các đơn vị cơ sở thực hiện tốt hơn các chuẩn mực về đạo đức ở từng cơ quan, từng đơn vị, gắn với tập trung giải quyết nhanh, dứt điểm các vấn đề nổi cộm, bức xúc, những vấn đề liên quan trực tiếp đến nhân dân, với cán bộ, công chức. Phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của cấp ủy, vai trò thường trực của ban tuyên giáo. Các cơ quan báo chí, thông tin tuyên truyền cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động mọi đối tượng tích cực tham gia sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, làm cho tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trường tồn và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà thành. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác cần phải được thực hiện tự giác, thường xuyên, liên tục. Thiết thực kỷ niệm 123 năm ngày sinh nhật Bác, để “triển khai thực hiện có kết quả các nghị quyết và kết luận của Trung ương vừa thông qua” chúng ta cùng nhớ lại lời khuyên của Bác:
"Tôi khuyên các bạn một điều nữa là chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được.
Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được."(Trích thư Bác Hồ gửi các bạn thanh niên, 17-8-1947).
Vào năm 1923, nhà thơ Liên Xô Ô-xíp Man-đen-xtam đã viết: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là văn hóa tương lai…”.
Cả cuộc đời vì nước vì non của Bác, phải chăng, chính là văn hóa tương lai.
Văn Phong