Bài học nhỏ về chuyện nhỏ của Bác Hồ

07:05, 19/05/2013
.
                                          Thanh Thảo

(QNĐT)- Có một bộ phim tài liệu VTV thường phát đi phát lại mỗi năm tới ngày sinh nhật Bác Hồ. Đó là bộ phim về thời gian Bác Hồ ở Pháp năm 1946. Những nhân chứng như Raymond Aubrac (ông đã mất năm 2012)  hay Raymonde Dien đã kể những kỷ niệm thật nhỏ về Bác Hồ mà sau hơn 60 năm họ còn nhớ.
 
Như thế đã không còn là “chuyện nhỏ”, hay đã là “chuyện nhỏ mà lớn”. Nhà ái quốc Pháp Raymond Aubrac vào năm phim tài liệu này thực hiện đã 93 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Ông đã kể lý do vì sao Hồ Chí Minh khi sang Pháp đàm phán đã không ở một khách sạn sang trọng dành cho nguyên thủ quốc gia trên đại lộ “Ngôi sao”, mà chỉ muốn được ở nhà ông-một ngôi nhà có vườn cây xanh thoáng đãng nhưng ở cách xa trung tâm.
 
Ông Aubrac nói: “Ông Hồ nói với tôi là ông chỉ muốn ở một ngôi nhà nhỏ nhưng có vườn cây. Nhà tôi đúng là như thế, và tôi đã đón Hồ Chí Minh về ở suốt thời gian Người làm việc ở Paris.” Và, thật thú vị, ông Aubrac ngay hồi đó đã chụp được một bức ảnh có một không hai: Bác Hồ nằm ngủ trên bãi cỏ vườn nhà ông như một người nông dân trong tranh Van Gogh. Một thế nằm và một giấc ngủ cực kỳ thanh thản. Ngay trong thời điểm căng thẳng nhất của hoà đàm Pháp-Việt, khi Hồ Chí Minh tìm mọi khả năng có thể để chiến tranh Pháp-Việt không nổ ra. 

 

 

Ông Aubrac đã kể rằng Bác Hồ là người rất hoà đồng khi sống trong nhà ông. Bác đã không quên bất cứ thành viên nào trong nhà, nhất là các cháu bé và với những người láng giềng bình thường Bác cũng luôn hỏi han chuyện trò thân mật cùng họ. Không phải tặng những món quà đắt tiền mới chứng tỏ sự quan tâm hay tình cảm, những món quà nhiều khi rất nhỏ của Bác Hồ tặng đúng lúc và đúng cách đã khiến những người được tặng ngạc nhiên, cảm động và nhớ mãi.

 
Người ta nói, những vĩ nhân thường không hoặc ít quan tâm tới những tiểu tiết, những “chuyện nhỏ”. Tôi không nghĩ như vậy. Người càng lớn thì lại càng quan tâm tới chuyện nhỏ, dù chuyện nhỏ hay tiểu tiết không bao giờ là mục đích của họ. Không phải mục đích lớn nhưng luôn khiến họ quan tâm.
 
Với bà Raymonde Dien-người phụ nữ Pháp anh hùng đã dám xả thân chống chiến tranh xâm lược Pháp ở Việt Nam ngay tại nước Pháp, bà vẫn còn giữ hai kỷ vật Bác Hồ tặng bà: Một chiếc vòng bằng ngà và một chiếc đồng hồ đeo tay khi bà lần đầu tiên sau chiến tranh sang thăm Việt Nam.
 
Ông Aubrac còn nhớ mãi những món quà nhỏ và cử chỉ âu yếm Hồ Chí Minh dành cho đứa con gái mới sinh của ông mà Bác Hồ đã nhận làm con nuôi. Tất cả những cử chỉ, những thái độ những tình cảm ấy có thể chỉ là nhỏ trong cuộc đời mỗi con người bình thường, dĩ nhiên cũng nhỏ trong cuộc đời mỗi vĩ nhân. Vậy mà với Bác Hồ, tôi cảm thấy Người luôn để rất nhiều mối bận tâm, rất nhiều những chiu chắt và quan tâm tới từng việc nhỏ như vậy.
 
Thế thì Hồ Chí Minh làm những việc lớn, nghĩ những điều lớn vào lúc nào? Có lẽ, đó chính là bí mật của những vĩ nhân. Bây giờ nhiều khi ta thấy những quan chức cấp cũng chưa cao gì mấy ở ta, nhưng cái cách họ ứng xử với xung quanh, với người dân, với những ai có quan hệ công việc với họ nhiều khi khiến ta phải buồn lòng.
 
Họ có “ít thời gian” đến thế sao cho những mối quan tâm đến đồng loại? Và họ có thể vô cảm đến thế sao trước số phận người khác, số phận người dân có thể là dưới quyền họ? Và có bao giờ khi đi công tác, họ không ở một khách sạn “nhiều sao” theo đúng “tiêu chuẩn” mà ở nhà một người bạn thân tình? Như Bác Hồ đã từng ở nhà ông Raymond Aubrac. Và tặng một bông hồng cho ngày sinh nhật cháu bé con chủ nhà.
 
Thực ra, vào lúc sống ở nhà người bạn Pháp khuất nẻo tận ngoại ô như thế, là Bác Hồ muốn được hoàn toàn thanh thản để nghĩ những việc lớn, để quyết những điều lớn. Có thể, với người thường, chuyện nhỏ luôn là chuyện nhỏ. Còn với vĩ nhân, từ chuyện nhỏ có thể nghĩ tới chuyện lớn. Và quan tâm chiu chắt những việc nhỏ cũng là để làm những việc lớn.   

 


.