Trọn đời theo Đảng

09:04, 10/04/2013
.

(QNg)- Trong đợt sinh hoạt chính trị triển khai lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đông đảo các tầng lớp nhân dân cả nước đã tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết.

Huyện Sơn Tây có gần 20.000 dân (trong đó 80% là đồng bào dân tộc CaDong), là căn cứ của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. 38 năm từ sau ngày giải phóng đất nước, tuy có thời gian dài huyện Sơn Tây trở về huyện Sơn Hà như trước năm 1957, việc quản lý và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật gặp một số khó khăn. Từ tháng 9/1994, huyện Sơn Tây được tái lập. Sau gần 20 năm nỗ lực phấn đấu, đến nay Sơn Tây đã có những thay đổi vượt bậc.

 

Hỗ trợ làm nhà 167 cho người dân huyện Sơn Tây.                              Ảnh: PV
Hỗ trợ làm nhà 167 cho người dân huyện Sơn Tây. Ảnh: PV


Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Đinh Kà Để cho biết: "Lúc mới tái lập, toàn huyện có 300 đảng viên, nay đã tăng lên 964 đồng chí. Trước khi tái lập, toàn huyện 92% dân số mù chữ, chỉ có 2 trường tiểu học, nhưng đến nay huyện có trường trung học phổ thông với 314 học sinh, chuẩn bị mở thêm một trường trung học phổ thông cho các xã phía nam huyện, 100% các xã có trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non, có 2 trường đạt chuẩn quốc gia. Toàn huyện có 600 giáo viên, trong đó 15% là người dân tộc CaDong, có 220 em đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng.

Hơn 80% dân sống định canh định cư, 100% đường liên xã được thảm nhựa, 40% đường dân sinh được bê tông hóa, bình quân lương thực đầu người đạt 340 kg, thu nhập bình quân 5.700.000 đồng/người/năm, số hộ nghèo cuối năm 2012 còn 54,2%, thu ngân sách trên địa bàn huyện năm 2013 phấn đấu đạt 35 tỷ đồng. Thủy điện Đăkdrinh với công suất 125MW cùng với 3 thủy điện nhỏ khác và đường Đông Trường Sơn đi qua huyện Sơn Tây 40km tiếp tục được hoàn chỉnh. Vùng đất phía Tây của tỉnh đang được Nhà nước đầu tư xây dựng tạo cơ hội cho huyện Sơn Tây phát triển trong những năm đến. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng người dân Sơn Tây đã thực sự đổi đời nhờ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.

Được hỏi qua góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992,  có một số ít ý kiến đề nghị xóa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, đồng chí Bí thư Huyện ủy nói ngay: "Tôi có nghe trên truyền hình nêu vấn đề này. Là Bí thư Huyện ủy người địa phương, tôi khẳng định bà con dân tộc Cadong và nhân dân Sơn Tây chúng tôi trước sau như một, lâu nay theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng, bây giờ vẫn vậy…".

Cùng quan điểm trên, ông Lê Văn Đường ở xã Sơn Dung, ông Phạm Hoài Đào xã Sơn Màu, Đinh-Pờ-Ghi xã Sơn Lập thẳng thắn khẳng định: Người dân  huyện Sơn Tây nói riêng và các dân tộc miền Tây Quảng Ngãi anh em nói chung, nếu không có Đảng  lãnh đạo thì làm gì có ngày hôm nay. Nhân dân các dân tộc miền núi chúng tôi không đời nào quên công ơn của Đảng, của Bác Hồ. Không có Đảng lãnh đạo làm gì người dân tộc chúng tôi có bác sĩ, kỹ sư, có giáo viên trung học, có điện, có đường ô tô, có trường học, bệnh viện, có nhà lợp ngói 100% như xã Sơn Lập. Chỉ có Đảng mới đem lại quyền lợi cho bà con các dân tộc chúng tôi.

Suy nghĩ của cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Sơn Tây cũng là suy nghĩ chung của đại bộ phận nhân dân cả nước. Chỉ có các thế lực thù địch mới mong muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với đất nước Việt Nam, xóa Điều 4 của Hiến pháp. Cho dù các thế lực phản động có tuyên truyền, xuyên tạc cũng không thể đạt được ý đồ của chúng. Nhân dân Việt Nam đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản hơn 80 năm qua và cho đến bây giờ cũng không có gì thay đổi. Tuy nhiên, ai cũng muốn Đảng tiếp tục đổi mới chỉnh đốn, cán bộ, đảng viên của Đảng phải trong sạch, tổ chức đảng phải thật sự vững mạnh để tiếp tục lãnh đạo công cuộc đổi mới của đất nước hiện nay.

Vũ Tùng Vi

 


.