Chiều 16-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số giải pháp về thuế nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh theo đề nghị của Chính phủ và thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) cho rằng, quy mô của gói hỗ trợ tiền thuế được Chính phủ đề nghị lần này (khoảng 2.647 tỷ đồng) chưa tương xứng với mục tiêu đề ra khi ban hành chính sách.
Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Phùng Quốc Hiển nhận định: “Với quy mô như vậy thì mức độ lan tỏa, tác động của chính sách không lớn, khó có thể đạt được mục tiêu “hỗ trợ các doanh nghiệp có quy mô nhỏ vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, đồng thời góp phần giải quyết lượng hàng tồn kho lớn trong toàn nền kinh tế” như nội dung Tờ trình của Chính phủ”.
Về những nội dung cụ thể, Chính phủ đề xuất từ ngày 01/7/2013 áp dụng một số quy định về thuế quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Theo đó, doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất thuế TNDN 20%. Doanh nghiệp thực hiện đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội được áp dụng thuế suất 10% đối với phần thu nhập từ bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, việc hỗ trợ về thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội trong bối cảnh hiện nay là cần thiết.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra không đồng tình với việc miễn, giảm thuế cho phần thu nhập tăng thêm của doanh nghiệp đang hoạt động có đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất, bởi đây là những doanh nghiệp có lợi nhuận, có tiềm lực tài chính để mở rộng quy mô đầu tư, không thể là nhóm đối tượng gặp nhiều khó khăn, cần sự hỗ trợ cấp bách của Nhà nước. Do vậy, đề nghị xem xét, thể hiện chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp này tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và dự kiến có hiệu lực thi hành từ 01/01/2014.
Về thuế giá trị gia tăng, Chính phủ đề nghị giảm 50% số thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội phát sinh từ ngày 01/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014; giảm 30% số thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m² và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m² phát sinh từ ngày 01/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014.
Về cơ bản, Thường trực Ủy ban TCNS tán thành với chủ trương giảm thuế GTGT theo Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, những đối tượng có thu nhập chỉ mua được căn hộ có diện tích sàn dưới 70m² và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m² đều là những đối tượng chưa phải đã có thu nhập cao. Do vậy, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị nghiên cứu, quy định theo hướng: “Giảm 50% số thuế GTGT đầu ra (thay vì 30% như đề xuất của Chính phủ) đối với hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m² và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m²”, không phân biệt nhà ở xã hội và nhà ở thông thường như nội dung Tờ trình của Chính phủ.
Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, việc giảm thuế GTGT đầu ra đối với việc bán, cho thuê, cho thuê mua căn hộ có diện tích sàn dưới 70m² và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m² có thể sẽ dẫn đến việc chia nhỏ diện tích sàn căn hộ, phá vỡ quy hoạch, thiết kế, kiến trúc. Nếu thiếu các giải pháp quản lý sẽ dẫn đến tình trạng tập trung đầu tư các căn hộ có diện tích sàn dưới 70m². Do vậy, cần xem xét một cách cẩn trọng, toàn diện trước khi ban hành chính sách này.
Về thời hạn áp dụng chính sách, Chính phủ đề xuất việc giảm thuế GTGT áp dụng cho các hoạt động đầu tư - kinh doanh phát sinh từ ngày 01/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, với quy mô của gói hỗ trợ không lớn, thời gian thực hiện ngắn (trong 01 năm) thì tác động của chính sách có thể sẽ hạn chế và thiếu đồng bộ với các chính sách khác (gói hỗ trợ tín dụng nhà ở 30.000 tỷ đồng được thực hiện trong thời hạn là 3 năm). Do vậy, đề nghị kéo dài thời hạn thực hiện chính sách này đến hết 31/12/2014 (thực hiện từ 1/7/2013 đến hết 31/12/2014).
Có ý kiến đề nghị quy định thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ đối với thuế GTGT đầu ra từ 2-3 năm nhằm bảo đảm đủ thời gian cần thiết để chính sách đi vào cuộc sống, tạo sức lan tỏa rộng lớn và hỗ trợ được cho phần đông các đối tượng thực sự khó khăn về nhà ở.
ANH PHƯƠNG/Báo SGGP