Trong Hiến pháp sửa đổi liên quan đến phần đất đai, nên bỏ cụm từ “các dự án phát triển kinh tế-xã hội”.
Ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Việc xây dựng Điều 58 dựa trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 6. Khẳng định đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, thuộc sở hữu toàn dân, được quản lý theo qui hoạch và pháp luật… Ngoài qui định Nhà nước giao đất cho tổ chức, cá nhân, bổ sung qui định Nhà nước cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định, lâu dài hoặc có thời hạn. Đồng thời, bổ sung qui định quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ.
Theo dõi quá trình thảo luận, ông Phúc cho hay, có nhiều ý kiến thảo luận về hình thức thu hồi đất. Ví dụ, đối với đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế, đất không phải do Nhà nước giao mà nhận chuyển nhượng trên thị trường có nguồn gốc khác thì nên qui định Nhà nước thu hồi theo hình thức trưng mua. Có ý kiến đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được thông qua trước với các nội dung về đất đai trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được thông qua sau.
Nhiều vùng đất canh tác bị sử dụng sai mục đích sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia. (ảnh Internet) |
Đóng góp ý kiến cho Điều 58, ông Trần Du Lịch (đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM) cho rằng, hai khoản 2 và 3 của điều này là mâu thuẫn nhau. Thực tế, quyền sử dụng đất là quyền tài sản được luật pháp bảo hộ, chỉ có trưng mua, trưng dụng theo Hiến pháp. Chúng ta vừa nói ở trên là quyền tài sản của dân thì sao có thể thu hồi của người ta được? Trước đây, trưng mua, trưng dụng vì lý do an ninh quốc phòng rõ ràng thì mới làm được còn với các dự án phát triển kinh tế-xã hội thì không thể làm theo cách này.
Cũng theo ông Lịch, trong khoản 3, Điều 58, nên bỏ cụm từ “và các dự án phát triển kinh tế-xã hội”. Vì lợi ích công cộng, quốc gia là tối quan trọng rồi. Bây giờ không có gì trên được lợi ích quốc gia.
Cũng băn khoăn về nội dung này, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, khoản 3, Điều 58 viết: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo qui định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế-xã hội”. Nếu qui định như vậy sẽ mâu thuẫn với điều 56. Đó là: Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Để không còn mâu thuẫn, nên sửa lại Điều 56.
Còn GS Nguyễn Lân Dũng (đại biểu Quốc hội khóa XII) bày tỏ đồng tình với việc thu hồi đất cho mục đích an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia. Còn các dự án phát triển kinh tế xã hội thì không nên đưa vào.
Thực tế nhiều năm qua, theo quan sát của GS Nguyễn Lân Dũng, hầu hết các vụ khiếu kiện của nông dân đều là do bồi thường không thỏa đáng, dân mất đường sinh sống về lâu dài, nhiều cán bộ giàu lên quá nhanh từ chuyện đất đai, nhiều vùng đất bờ xôi ruộng mật bị trưng thu (thay vì làm đường đến các vùng đất bạc màu, đất sét, đất cát, đất đá ong hóa- tức là đất không có độ phì nhiêu, lại toàn chiếm dụng các vùng đất canh tác màu mỡ cạnh mọi quốc lộ, thậm chí đến cả tỉnh lộ, huyện lộ...), nhiều dự án sử dụng sai mục đích hoặc để hoang hóa nhiều năm, nhiều vùng đất trở nên ô nhiễm nghiêm trọng cả một vùng rộng lớn do bị nhiễm chất thải công nghiệp. Ở Trung Quốc muốn lấy đất canh tác phải do Quốc vụ viện quyết định chứ không có chuyện chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện chuyển đối đất canh tác thành KCN, KCX, sân golf.
Ông Dũng cũng đưa ra lo ngại của một nhà khoa học: Nếu Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu thì khả năng đồng bằng Nam Bộ sẽ bị ngập hoặc mặn hóa. Khi đó, không phải chúng ta là nước thứ nhì về xuất khẩu gạo trên thế giới mà có thể thiếu đói. Cho nên, trong hiến pháp nên bỏ đi cụm từ “các dự án phát triển kinh tế-xã hội”. Ông Dũng phân tích: “Khái niệm "vì lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế-xã hội" trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là quá mơ hồ và mở đường cho việc tái tiếp diễn các sai trái như trước đây, trong khi dân số đang tăng nhanh và còn cần gấp rút chuẩn bị đối phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu”.
Liên quan đến vấn đề đất đai, hiện nay chúng ta đang tiến hành sửa đổi Luật đất đai. Ông Thiều Đình Duy, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, vấn đề hiện nay nóng lên gây khiếu kiện vượt cấp, đông người chính là xung quanh tranh chấp đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng. Luật Đất đai sửa đổi hiện nay là tăng cường đảm bảo sự minh bạch là điều kiện cấp thiết hiện nay. Người dân đa số đồng tình với quan điểm mới, những qui định mới trong Luật đất đai sửa đổi, để làm thế nào bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân và hạn chế được những tiêu cực trong đất đai. Vấn đề hiện nay người dân khiếu kiện và gây khó khăn trong đền bù, bàn giao đất đai do việc giao đất của chúng ta chưa thực sự công khai, minh bạch. Thậm chí, có nơi lợi dụng chính sách giao đất để trục lợi, cho nên người dân bất bình. Cho nên, Luật đất đai lần này tập trung sửa đổi và tăng cường sự minh bạch, nhất là việc giao đất cho các chương trình, dự án, rồi việc đấu thầu đất đai. Vấn đề qui hoạch giao đất minh bạch, cụ thể và coi trọng lợi ích của dân chừng nào thì sẽ yên dân chừng đó./.
Điều 58 (sửa đổi, bổ sung điều 18) trong dự thảo sửa đổi:
1. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo qui hoạch và pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định, lâu dài hoặc có thời hạn. Người sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đich; được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo qui định của luật. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ.
3. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo qui định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Vũ Hạnh/VOV online