(QNg)- Một ngày giữa tháng ba tôi về thăm lại làng quê Sơn Mỹ- nơi cách đây tròn 45 năm đã xảy ra sự kiện lính Mỹ thảm sát 504 thường dân vô tội, chấn động cả thế giới. Hiện ra trước mắt tôi hôm nay là khung cảnh thanh bình, trù phú với những cánh đồng lúa xanh, thấp thoáng những căn nhà cao tầng khang trang mọc lên. "Vùng đất chết" Sơn Mỹ đã và đang hồi sinh từng ngày.
TIN LIÊN QUAN |
---|
"Pháo đài thép"
Trò chuyện cùng một số bậc cao niên ở xã Tịnh Khê, tôi được nghe kể khá tường tận về những chiến tích oai hùng và cả bi hùng của quân và dân xã Tịnh Khê. Cho đến bây giờ, một số người dân ở Tịnh Khê vẫn còn nhớ hai câu thơ do quân địch sợ hãi truyền khẩu năm 1968:
Trẻ em Sơn Mỹ hôm nay |
"Sợ thay du kích Tịnh Khê Lính đi mất mạng, quan về mất lon"
Nguyên do bởi Tịnh Khê được mệnh danh là "pháo đài thép", quân dân trong xã liên tiếp đánh bại nhiều đợt tấn công của địch. Do bị thua đau nhiều trận nên lính Mỹ quyết biến Tịnh Khê thành vùng đất trắng không một bóng người, không màu xanh của sự sống, nên đã gây ra vụ thảm sát Sơn Mỹ ngày 16/3/1968, giết hại 504 đồng bào vô tội ở hai thôn Tư Cung (407 người) và Cổ Lũy (97 người). Ngay sau đó, ngày 18/3/1968, phụ nữ Tịnh Khê đã viết thư gửi các lực lượng vũ trang (LLVT) trong huyện và LLVT giải phóng miền Nam kêu gọi biến đau thương thành hành động, trút căm thù lên lưỡi lê, nòng súng để trả thù cho đồng bào Tịnh Khê. Còn lực lượng du kích xã làm lễ tuyên thệ: "Thề quyết tử giữ quê hương, bám đất, bám dân, giữ làng chiến đấu và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược"; đồng thời phối hợp với bộ đội chủ lực và LLVT địa phương đánh bại các đợt càn quét của địch.
Trong năm 1968, xã Tịnh Khê đã loại khỏi vòng chiến đấu 510 tên địch (304 lính Mỹ), bắt 8 tù binh, bắn rơi và phá hủy 4 máy bay, 2 xe tăng M113. Những tấm gương tiêu biểu như Dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Sòi, với tinh thần mưu trí, dũng cảm đã diệt 20 tên Mỹ trong một trận càn của bọn chúng vào đất Tịnh Khê. Chiến sĩ thi đua Phạm Đức Hiền, với cây súng Garăng trong tay đã bắn cháy một chiếc HU1A… Với những thành tích xuất sắc ấy, năm 1968 LLVT và nhân dân xã Tịnh Khê được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (lần 1), cũng là một trong những xã đầu tiên của tỉnh được phong tặng danh hiệu anh hùng. Năm 2005, Tịnh Khê tiếp tục được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (lần 2) giai đoạn 1969-1975.
"Vùng đất chết" hồi sinh
Trò chuyện với tôi, đồng chí Trương Thanh Thảo - Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê cho hay: Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tịnh Khê bị thiệt hại khá nặng nề, trong đó toàn xã có trên 800 gia đình liệt sĩ, gần 450 thương-bệnh binh và 73 mẹ Việt Nam anh hùng (hiện 5 mẹ còn sống). Song với tinh thần tự lực, tự cường, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhân dân Tịnh Khê đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho gia đình và quê hương. Năm 2008 Tịnh Khê được công nhận là xã văn hóa, năm 2011 được huyện Sơn Tịnh chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới và đến nay đã đạt 10/19 tiêu chí xã nông thôn mới.
Khung cảnh thanh bình, trù phú của làng quê Sơn Mỹ hôm nay |
Năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã Tịnh Khê đạt 11,2%; tổng giá trị sản xuất gần 444 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông lâm thủy sản chiếm 26%; công nghiệp - xây dựng 54,4% và thương mại- dịch vụ 19,6%. Tổng sản lượng lương thực trên 4.000 tấn; thu nhập bình quân đầu người khoảng 17 triệu đồng/người/năm (thuộc loại khá của huyện); hộ nghèo còn trên 8%; hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa 90,3%; 4/4 thôn giữ vững thôn văn hóa. Trong năm xã đã hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mới 13 nhà tình nghĩa, đại đoàn kết cho hộ gia đình có công cách mạng và hộ nghèo, với tổng số tiền 308 triệu đồng; đồng thời thực hiện tốt công tác thương binh-xã hội, chăm lo cho gia đình chính sách. Điểm sơ qua những con số trên để thấy "vùng đất chết" Sơn Mỹ- Tịnh Khê năm nào, hôm nay đã có sự bứt phá đi lên vượt bậc.
Về Sơn Mỹ- Tịnh Khê hôm nay ai cũng sẽ nhận ra sự thay da đổi thịt từng ngày. Biểu hiện rõ nhất là các công trình cơ sở hạ tầng điện-đường-trường-trạm phục vụ dân sinh và những căn nhà cao tầng mái ngói đỏ tươi nằm san sát bên Quốc lộ 24B và ven những con đường bê tông dẫn vào các xóm. Tất cả như bừng sáng hơn trong tiết trời nắng ấm tháng ba. Rời Sơn Mỹ-Tịnh Khê, thông điệp tôi nhận được từ những người sống sót sau vụ thảm sát ngày 16/3/1968, cũng như bà con ở nơi đây là mong muốn nhân loại sống trong hòa bình và hướng đến một tương lai tốt đẹp của cuộc sống.
Bài, ảnh: P.D