(QNg)- Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ và chính quyền huyện Tư Nghĩa. Với quyết tâm cao, coi trọng tiêu chí trong chuẩn hoá, công tác này ở Tư Nghĩa đang ngày một "sáng" lên…
* Kiên quyết xử lý cán bộ "xài" bằng giả!
Huyện uỷ Tư Nghĩa vừa có quyết định điều động đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh - Huyện uỷ viên, Trưởng phòng Tư pháp huyện về làm Bí thư Đảng uỷ xã Nghĩa Mỹ thay cho ông Lương Phước Hồng; đồng thời ra quyết định cho thôi giữ chức Bí thư Đảng uỷ xã Nghĩa Mỹ đối với ông Lương Phước Hồng vì đã sử dụng văn bằng chứng chỉ không hợp pháp.
Cán bộ lãnh đạo Huyện ủy Tư Nghĩa thường xuyên về cơ sở chỉ đạo, hỗ trợ cán bộ địa phương thực hiện các nhiệm vụ, nhất là khi có thiên tai, bão lũ xảy ra. |
Kỷ luật cho thôi giữ chức Chủ tịch UBND xã kiêm Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Mỹ đối với ông Nguyễn Minh Tân. Lý do kỷ luật ông Tân cũng tương tự như ông Bí thư Đảng ủy xã Lương Phước Hồng: Sử dụng văn bằng chứng chỉ không hợp pháp! Cụ thể, 2 ông Lương Phước Hồng và Nguyễn Minh Tân mượn bằng tốt nghiệp THPT của người khác rồi sửa đổi thông tin cá nhân thành văn bằng của mình sử dụng vào việc học tập, nâng cao trình độ lý luận, nghiệp vụ để đủ điều kiện chuẩn hóa cán bộ theo Đề án 8738 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân huyện diễn ra từ ngày 19 đến 20/12, huyện Tư Nghĩa đã tiếp tục thực hiện các thủ tục cần thiết để điều động ông Nguyễn Ngọc Ánh - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Mỹ kiêm Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ nhiệm kỳ 5 năm. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tư Nghĩa đã ra quyết định xử lý kỷ luật với hình thức cảnh cáo đối với ông Hồng và ông Tân.
Ông Nguyễn Văn Nhở - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tư Nghĩa cho biết: "Việc xử lý kỷ luật hai cán bộ chủ chốt xã Nghĩa Mỹ đã sử dụng văn bằng chứng chỉ không hợp pháp là hoàn toàn bình thường, đúng quy định pháp luật". Hiện tại ông Lương Phước Hồng vẫn còn giữ chức vụ Chủ tịch HĐND xã Nghĩa Mỹ; ông Nguyễn Minh Tân dự kiến sẽ "đưa về" làm cán bộ Hội nông dân xã đã gây thắc mắc trong cán bộ và nhân dân trên địa bàn. Về việc này ông Nguyễn Văn Nhở - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: "Huyện vẫn đang tiếp tục các bước để thực hiện chuẩn hóa hai vị trí này khi điều kiện thuận lợi".
* Sẵn sàng nhường chỗ khi "thiếu chuẩn"
Theo Đề án 8738 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cán bộ chủ chốt cấp xã phải đảm bảo có trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên. Chiếu theo quy định này, hiện nay trên địa bàn huyện Tư Nghĩa còn một số xã chưa đảm bảo. Huyện ủy đang tiếp tục tạo điều kiện cho cán bộ học tập, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa cán bộ đối với các trường hợp còn đủ điều kiện tham gia học tập chuẩn hóa. Những trường hợp khác, huyện sẽ tìm nguồn thay thế, đảm bảo chuẩn hóa 100% cán bộ xã, thị trấn theo quy định".
Hiện nay, Huyện ủy Tư Nghĩa đang tập trung chỉ đạo công tác chuẩn hóa cán bộ chủ chốt các xã: Nghĩa Trung, Nghĩa Phương, Nghĩa Kỳ. "Cái khó hiện nay của huyện là thiếu cán bộ nguồn để thay thế do những nơi này vẫn còn khó khăn về công tác cán bộ" - ông Nguyễn Văn Nhở cho biết. Tuy nhiên bên cạnh khó khăn ấy, ở huyện Tư Nghĩa hiện nay có một thuận lợi khác giúp cho công tác cán bộ ở địa phương thực hiện đạt hiệu quả cao. Đó là việc nhiều cán bộ không tiếp tục được giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy chính quyền địa phương vì không đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhưng họ đồng lòng hỗ trợ công tác này.
Ông Nguyễn Văn Nhở lấy ví dụ: "Chẳng hạn ở xã Nghĩa Phương, Nghĩa Kỳ hiện tại đang có một cán bộ là Phó Bí thư Đảng ủy xã chưa chuẩn về bằng cấp, nhưng bản thân họ là người có uy tín, kinh nghiệm trong công tác, tự giác đề nghị Huyện ủy tìm cán bộ khác thay thế, để thực hiện chuẩn hóa bộ máy theo quy định. Họ hoàn toàn không có tư tưởng "quyết giữ chức vụ", nên việc thay đổi, sắp xếp lại bộ máy cũng không có gì ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ địa phương".
Điều băn khoăn của Ban Thường vụ Huyện ủy Tư Nghĩa khi thực hiện chuẩn hóa cán bộ chính là "đầu ra" cho những người không đủ chuẩn buộc phải "nhường chỗ" cho người khác. Đối với cán bộ còn điều kiện cống hiến thì vấn đề điều động, thuyên chuyển sang công tác ở lĩnh vực khác phù hợp với trình độ chuyên môn cũng không phải dễ vì hầu như "không còn chỗ".
Chính sách giải quyết chế độ nghỉ việc cho cán bộ hết "điều kiện công tác" hiện nay còn nhiều điểm chưa phù hợp, dẫn đến thiệt thòi cho cán bộ. "Để công tác cán bộ, đặc biệt là chuẩn hóa trình độ chuyên môn đối với chức vụ chủ chốt, tỉnh cần ban hành chính sách sát thực hơn, tạo điều kiện để địa phương thực hiện chủ trương này hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu lực lãnh đạo, điều hành các mặt công tác khác trên địa bàn" - ông Nguyễn Văn Nhở cho biết.
Bài, ảnh: THANH NHỊ