Kỳ 2: Gương sáng từ cơ sở
|
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tấm lòng ông Bút
Ở vùng căn cứ cách mạng này hầu hết là đồng bào Hrê, chuyện ông Bút (Phạm Văn Bút - Bí thư Đảng ủy xã kiêm Chủ tịch UBND xã Ba Điền, huyện Ba Tơ) "một lòng một dạ" với quê hương, với dân làng đã không còn xa lạ. Gần 20 năm làm Chủ tịch, rồi Bí thư Đảng uỷ xã, ông được dân làng tin yêu tuyệt đối. Bởi ở ông, khoảng cách với dân hầu như chưa bao giờ có và chưa từng xảy ra. Ở ông chỉ có thể là tình thương yêu đồng bào, trách nhiệm với công việc, là gần dân, sát dân, hiểu rõ dân.
Chính vì vậy, cũng dễ hiểu vì sao ông được tín nhiệm làm lãnh đạo gần 20 năm. Không phải đến khi Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân hoành hành, ông mới phát huy vai trò của mình. Mà cách đây hơn chục năm, khi phong trào phủ xanh đất trống đồi núi trọc được phát động, ông là người đi tiên phong trong việc trồng rừng ở địa phương và kêu gọi dân làng cùng tham gia để phát triển kinh tế gia đình.
Hình ảnh ông Bút đi từng hộ gia đình vận động, chỉ dẫn cặn kẽ cách trồng cây, hỗ trợ tiền cây giống cho những gia đình khó khăn, rồi đến việc vận động học sinh ra lớp, hướng dẫn cách phòng chống bệnh cho gia súc, gia cầm, đi hoà giải những chuyện xích mích... đến nay vẫn còn người nhắc đến. Chính sự quan tâm, gần gũi của ông mà cuộc sống của hơn 1.000 nhân khẩu ở xã Ba Điền được cải thiện đáng kể. Họ biết phát huy thế mạnh của rừng, kết hợp với trồng lúa nước, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Coi nỗi lo của dân như chính nỗi lo của mình, nên khi "bệnh tay chân" xuất hiện ở xã và gây ra nhiều trường hợp tử vong, ông xót xa lắm.
Đường về xã Tịnh Trà hôm nay. |
Thời điểm đó, ngày nào ông Bút cũng xuống các gia đình có người mắc bệnh. Ông khuyên nhủ mọi người không nên mua những thứ thuốc lạ để uống mà nên đưa bệnh nhân xuống bệnh viện. Đồng thời ông dùng điện thoại riêng để liên hệ với Trung tâm y tế huyện cử ngay cán bộ xuống kiểm tra. Các biện pháp tuyên truyền của chính quyền và ngành y tế như dọn vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm, sử dụng gạo trắng do Nhà nước cấp, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng… được ông Bút truyền đạt đến từng người dân. Dần dần đồng bào trong thôn, xã đều nghe và làm theo lời ông nói. Mấy tháng rồi làng không có người tái phát lệnh nữa.
Giai đoạn bệnh bùng phát, Trạm y tế xã thì xuống cấp, trang thiết bị thiếu thốn không đủ phương tiện để thu dung bệnh nhân, nên khi có chủ trương xây dựng mới trạm y tế, ông mừng lắm. Tuy nhiên, việc tìm kiếm mặt bằng xây dựng vô cùng khó vì ở miền núi, địa hình đồi dốc nhiều. Thế là ông về bàn bạc với gia đình và quyết định hiến phần đất để xây dựng trạm y tế mới.
Chuyện ông Bút hiến 200m2 đất vườn, chặt đốn hàng chục cây keo, dó bầu của gia đình mình ở thôn Gò Nghênh trị giá hàng trăm triệu đồng để xây dựng trạm y tế xã giờ đã lan rộng ra huyện và cả tỉnh. Người người cảm phục, trân trọng nghĩa cử luôn nghĩ đến đồng bào mình của ông. Ông nói: "Bác Hồ dạy cứ việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm". Với người Bí thư kiêm Chủ tịch xã này, còn sức là còn cống hiến, còn làm việc ngày nào thì còn lo cho dân ngày ấy để xây dựng quê hương mình, giúp đỡ đồng bào Hrê mình biết làm ăn kinh tế, thoát nghèo, có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, để người dân vững tin theo Đảng.
Cán bộ vì dân
Cho đến tận bây giờ cũng ít ai nghĩ được xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) có thể tạo nên nhiều kỳ tích: Đạt 3 chuẩn (y tế, giáo dục, văn hóa), xã điểm xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ nằm ở tốp cuối cùng của huyện, đến nay với sự xung kích đi đầu của người lãnh đạo, khơi dậy sức mạnh tinh thần đoàn kết trách nhiệm của người dân, xã đã vươn lên là một trong những xã đứng đầu của huyện Sơn Tịnh. Bài học mà lãnh đạo xã Tịnh Trà duy trì, giữ vững và phát huy trong suốt những năm qua là Đảng dựa vào dân, dân tin vào Đảng.
Chính vì vậy mà người dân ở xã luôn đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của hai người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đó là Bí thư Đảng ủy xã Huỳnh Ngọc Nhẫn và Chủ tịch UBND xã Phan Duy Khánh. "Là người cán bộ đảng viên, công bộc của dân thì cần phải gần dân, sát dân, quan tâm đời sống vật chất tinh thần cho bà con nhân dân. Có gần dân, sát dân và hiểu dân thì mới nắm bắt được những tâm tư tình cảm và nguyện vọng của người dân. Từ đó, đề ra những chủ trương, kế hoạch cụ thể sát hợp với tình hình thực tế, đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của người dân" - đó là tâm niệm của hai ông "quan xã" này.
Kế thừa quan điểm lấy dân làm gốc của các bậc tiền bối đi trước, nên trên cương vị là bí thư, chủ tịch, hai ông luôn dành nhiều thời gian gần gũi với nhân dân, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân; đồng thời xác định rằng muốn hoàn thành nhiệm vụ, muốn biến chủ trương của Đảng thành phong trào quần chúng thì phải có đường lối, có phương pháp đúng đắn, nhất là trong phát triển kinh tế.
Trong sản xuất nông nghiệp, lãnh đạo xã khuyến khích nông dân gieo trồng những giống cho năng suất, chất lượng cao, đặc biệt chú trọng cây vụ đông, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Bên cạnh đó, các ông còn vận động mỗi gia đình tham gia phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tại địa phương. Trong lĩnh vực xã hội, các ông kêu gọi nhân dân đóng góp xây dựng trường lớp, vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào tại địa phương như phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, và đặc biệt chăm lo đến các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế gia đình thông qua việc vay vốn, tương trợ giúp nhau phát triển sản xuất bằng nhiều hình thức, như: Bán cây, con giống trả chậm, tương trợ vốn xoay vòng…
Chủ tịch UBND xã Tịnh Trà Phan Duy Khánh cho biết: Nếu mình không quyết liệt, không đưa ra những việc làm thiết thực cho dân thì khó thành công lắm. Bây giờ, nhiều mục tiêu đã thành hiện thực: Xã được công nhận là xã văn hóa, 3 cấp học từ mầm non đến THCS đều đạt chuẩn quốc gia; xã chuẩn quốc gia về y tế. Thu nhập bình quân đạt 10 triệu đồng/người/năm. Hơn 70% tuyến đường nông thôn được bê tông hóa. Hộ nghèo chỉ còn dưới 10%. Hầu hết con em địa phương được học hành đàng hoàng…
Nhờ đời sống nhân dân được nâng lên nên khi được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, xã đã nhận được sự hưởng ứng tích cực cả về vật chất lẫn ngày công lao động của dân. Mọi chủ trương, mọi dự định đều được bàn bạc công khai dân chủ trong dân nên người dân nơi đây đã đoàn kết một lòng, hưởng ứng chủ trương của cấp trên về việc giải phóng mặt đường, tự nguyện hiến cây, phá bỏ tường rào mở các tuyến đường theo tiêu chí đã quy định.
Với Bí thư Đảng ủy xã Huỳnh Ngọc Nhẫn thì "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" có đi vào cuộc sống hay không là do lãnh đạo phải nghĩ ra việc làm cụ thể chứ không nên hô hào chung chung. Là người cán bộ ở cơ sở phải sống cuộc sống của dân, phải suy nghĩ những điều dân nghĩ, phải đặt quyền lợi của nhân dân cao hơn quyền lợi của cá nhân mình để nhân dân có niềm tin vào Đảng, tin vào cán bộ. Khi dân đã tin thì "khó vạn lần dân liệu cũng xong".
Thật vậy, về quê hương Tịnh Trà hôm nay, ai ai cũng cảm nhận rõ được sự chuyển mình mạnh mẽ. Sự chuyển mình đó luôn gắn liền với một tập thể lãnh đạo đoàn kết, năng động và sáng tạo, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".
T.Thuận - X.Hiếu
(Còn nữa)