Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Lấy dân làm gốc (kỳ 1)

09:12, 18/12/2012
.

(QNg)- "Lấy dân làm gốc", mọi hoạt động đều hướng về nhân dân đã được Đảng, Bác Hồ lấy làm bài học, làm phương châm xuyên suốt để lãnh đạo đất nước. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 03 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tư tưởng của Bác về "lấy dân làm gốc",  lấy tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân làm động lực để hoàn thành tốt công việc đã được các địa phương, đơn vị vận dụng linh hoạt, sáng tạo. Nhiều nơi trong tỉnh đã có những cách làm hay, những mô hình, gương điển hình mới trong học tập và làm theo Bác.

TIN LIÊN QUAN

 


Kỳ 1: Những cách làm sinh động, hợp lòng dân


Có thể nói, hơn một năm triển khai Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã xuất hiện ngày một nhiều hơn các mô hình, cách làm sáng tạo về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Với những cách làm mới, lựa chọn từng phần việc, từng vấn đề cụ thể thiết thực, hướng đến lợi ích của nhân dân, đưa việc làm theo Bác đi vào chiều sâu cuộc sống.

 


Lắng nghe ý kiến bệnh nhân

Được đích thân giám đốc Bệnh viện đa khoa thành phố Quảng Ngãi mời tham dự buổi tiếp xúc giữa Ban Giám đốc với bệnh nhân, chúng tôi cảm nhận được sự hài lòng của bệnh nhân đang điều trị nội trú tại đây. Gần 50 bệnh nhân tham dự buổi tiếp xúc và các ý kiến mà bệnh nhân đưa ra đều rất tâm huyết, có tính xây dựng cao, đi thẳng vào những vấn đề còn tồn tại trong quá trình khám, điều trị bệnh như: Thái độ ứng xử, tâm lý tiếp xúc của đội ngũ y, bác sĩ, cũng như những thắc mắc, yêu cầu, đề đạt của bệnh nhân.

Buổi đối thoại với bệnh nhân ở BVĐK thành phố Quảng Ngãi.
Buổi đối thoại với bệnh nhân ở BVĐK thành phố Quảng Ngãi.


Từ các cuộc đối thoại mà lỗ hổng cũng như những yếu kém trong công tác quản lý được chỉ rõ và làm sáng tỏ. Nhờ vậy mà chất lượng phục vụ và tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ được nâng lên, uy tín, thương hiệu của bệnh viện từng bước được khẳng định. Bác sĩ Nguyễn Anh - Giám đốc bệnh viện thành phố cho biết: Không chỉ lắng nghe, mà thông qua buổi tiếp xúc còn phát huy quyền làm chủ của người bệnh trong việc đóng góp ý kiến về khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc phục vụ người bệnh tại bệnh viện; đồng thời vận động người bệnh có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của mình khi đang điều trị nội trú tại bệnh viện. Những gì tốt cho người dân thì chúng tôi làm, những gì khó cho người dân thì chúng tôi giảm đi để người dân hưởng được lợi ích từ dịch vụ của mình.

Được duy trì hàng tháng, chương trình "tiếp xúc, đối thoại giữa Ban Giám đốc với Hội đồng người bệnh" của Bệnh viện Đa khoa thành phố Quảng Ngãi được tổ chức vào sáng thứ 6 cuối tháng được đánh giá là một trong những mô hình sáng tạo trong việc học và làm theo Bác ở thành phố Quảng Ngãi. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, cán bộ ở đây đã đi đầu trong phong trào xây dựng các mô hình nâng cao chất lượng phục vụ khám chữa bệnh cũng như xây dựng văn hóa "nói không" với phong bì. Qua 50 buổi tiếp xúc, đối thoại với bệnh nhân được tổ chức khá chu đáo, nghiêm túc nhưng rất cởi mở và chân thành.

 

Bệnh nhân Nguyễn Tiềm (phường Quảng Phú) cho biết: "Ban giám đốc muốn nghe ý kiến của bệnh nhân về thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ, về thuốc men có đầy đủ không, thiết bị có đáp ứng không, vệ sinh có sạch sẽ không… Cái gì sai thì sửa, cái gì thiếu thì họ bổ sung nên tôi cứ nói thẳng nói thật cho họ biết. Ở các bệnh viện khác thì tôi không biết chứ tại bệnh viện này, "ở thì được chăm sóc tận tình, về thì dặn dò chu đáo" đúng là lương y như từ mẫu".

Đổi mới để gần dân

Từ đầu năm 2012 đến nay, người dân phường Trần Hưng Đạo (thành phố Quảng Ngãi) đã bắt đầu quen thuộc với hình ảnh cảnh sát khu vực hằng ngày đi bộ xuống tổ dân phố để nắm tình hình, giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự tại địa bàn. "Thân thiết, gần gũi" là cảm nhận chung của người dân khi nói về "cảnh sát khu vực đi bộ". Tuy những việc làm của họ ở các tổ dân phố không lớn lao, đôi khi chỉ là nhắc nhở người dân đỗ xe đúng quy định, không lấn chiếm lòng lề đường, hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp… nhưng lại rất ý nghĩa bởi từ đó nhân dân thấy hình ảnh người cảnh sát thật gần và chính những việc làm tưởng như rất nhỏ ấy chính là cơ sở để đem lại bình yên cho các khu phố.

Trung tá Trần Văn Hường - Trưởng Công an phường Trần Hưng Đạo cho biết: Lúc đầu, cũng còn có người chưa thông suốt quy định này. Nhưng khi phân tích ý nghĩa của việc đi bộ không chỉ nắm tình hình, lấy thông tin từ dân mà để người dân thấy được hình ảnh của người chiến sĩ công an nhân dân luôn vì dân phục vụ, qua đó tạo lòng tin trong dân, cuối cùng, tập thể Công an phường đều thống nhất: Học tập tấm gương Bác Hồ không chỉ là học tập tư tưởng, đạo đức mà còn phải học cả phong cách của Người. Đối với cảnh sát khu vực, muốn gần gũi, sâu sát nhân dân thì chỉ đi bộ mới dễ thực hiện. Khi gần dân, sát dân, không chỉ người dân được lợi mà công an khu vực cũng nhận được nhiều nguồn tin có giá trị từ nhân dân, phục vụ đắc lực cho công tác phòng,  chống tội phạm.

Hình ảnh người cảnh sát khu vực đi bộ xuống dân trở nên quen thuộc với nhân dân phường Trần Hưng Đạo.
Hình ảnh người cảnh sát khu vực đi bộ xuống dân trở nên quen thuộc với nhân dân phường Trần Hưng Đạo.


Đảng bộ phường Trần Hưng Đạo đã và đang đổi mới nội dung trong sinh hoạt chi bộ, sửa đổi lề lối làm việc nhằm tạo bước chuyển về chất trong việc làm theo lời Bác để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức xứng đáng "là người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân". Đặc biệt là việc thực hiện làm theo Bác đã được cụ thể hóa theo từng chức danh, nhiệm vụ được giao thông qua việc đăng ký và trong sinh hoạt chi bộ hàng tháng. Bản đăng ký của từng đảng viên sẽ được đưa ra để các đảng viên khác tham gia đóng góp ý kiến, bổ sung những chuẩn mực đạo đức.

Đồng chí Trần Phước Hải - Bí thư Đảng ủy phường Trần Hưng Đạo cho biết: Việc góp ý này không nằm ngoài mục đích là nâng cao trách nhiệm trong công việc, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn. Thay vì góp ý chung chung như trước đây thì giờ góp ý cụ thể hơn, trọng tâm hơn, tinh thần xây dựng cũng cao hơn. Mục đích chính của việc đổi mới này nhằm nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công việc, phục vụ nhân dân.

Tiết kiệm để giúp người nghèo


Từ hai năm nay, việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh. Với phương châm hướng về cơ sở, đặc biệt là người nghèo. Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, năm 2011 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phát động thực hiện thí điểm mô hình "Giảm 1 hộ nghèo" tại 5 huyện Lý Sơn, Trà Bồng, Minh Long, Ba Tơ, Sơn Tịnh.


Với tiêu chí chọn hộ nghèo có sức lao động, nhưng không có vốn, thiếu kinh nghiệm và năng lực sản xuất, các cơ quan quân sự huyện chọn cách giúp đỡ sát tình hình thực tế, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng vươn lên xoá nghèo, đổi đời của những hộ nghèo. Bà Phạm Thị Ía (thôn Làng Tương, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ) cho biết: "Gia đình chúng tôi được các chiến sĩ ở cơ quan Quân sự huyện Ba Tơ  hỗ trợ tiền mua 5 con heo giống về nuôi, giúp đỡ về kỹ thuật chăm sóc, làm giúp chuồng và vệ sinh chuồng trại, giúp  ngày công, cây giống trồng 4 ha keo, 2 ha mây và gần 1,5 ha mì...Vừa rồi đã xuất bán 2 lứa, mỗi lứa thu lợi hơn 5 triệu đồng, gia đình mình không còn nghèo nữa". Cùng với gia đình bà Ía, 4 gia đình khác ở các huyện còn lại cũng nhận được sự quan tâm giúp đỡ tận tình của cán bộ, chiến sĩ ở các cơ quan quân sự huyện. Hiện tại cả 5 gia đình này đã có cơ sở vững chắc để thoát nghèo.

Theo Đại tá Võ Văn Hưng - Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Để việc học tập và làm theo Bác ngày càng  thiết thực, đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa trong toàn xã hội, cùng với mô hình "Giảm một hộ nghèo" đã thực hiện trong năm 2011, 2012, lực lượng vũ trang tỉnh tiếp tục triển khai 3 hoạt động lớn, trước hết là thực hiện hũ gạo vì người nghèo. Đây là sự tiết kiệm đóng góp trong từng bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ của cơ quan, đơn vị để góp phần hỗ trợ cho người nghèo gặp khó khăn. Kết quả đã quyên góp được gần 3.400kg gạo.

Song song với hũ gạo người nghèo, Bộ CHQS tỉnh đã phát động trong đoàn viên thanh niên chương trình "nuôi heo đất" vì nghĩa tình biên giới hải đảo và giao cho Đoàn Thanh niên đứng ra làm vai trò xung kích. Tại các phòng đều có một con heo đất. Mỗi ngày, bằng sự tự nguyện mỗi đồng chí sẽ bỏ vào heo đất số tiền tiết kiệm được.

Qua một năm, đoàn viên thanh niên đã đóng góp được 16 triệu đồng. Hoạt động thứ ba là trong cuộc vận động chung tay góp phần xây dựng nông thôn mới,  xóa đói giảm nghèo, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo cho các cơ quan  quân sự huyện trên cơ sở phân chia từng thôn, mỗi đơn vị nhận đỡ đầu và giúp cho một hộ dân bằng công sức, trách nhiệm, bằng việc phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội để giúp đỡ thôn nghèo, hộ nghèo. Đây là việc làm có ý nghĩa hết sức sâu sắc, vừa mang tính chính trị, vừa thể hiện rõ trách nhiệm của người lính Cụ Hồ với nhân dân ở các địa bàn được Quân khu cũng như tỉnh giao nhiệm vụ trong quá trình xây dựng kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh.

 

T.Thuận - X.Hiếu

(Còn nữa)
 


.