Hôm nay 19/11, mở đầu tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 4, Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm 14 chương và 190 điều, tăng thêm 6 chương và 44 điều so với Luật Đất đai 2003, nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế của Luật hiện hành.
Qua gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai 2003 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đồng thời cũng phát sinh những hạn chế, bất cập như chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ; pháp luật về đất đai hiện hành còn một số nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp, chưa thật đồng bộ; quy hoạch sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, hỗ trợ tái định cư và các thủ tục hành chính về đất đai còn nhiều hạn chế.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, dự thảo lần này đặt ra các mục tiêu sau: Thứ nhất là đất phải được sử dụng hiệu quả hơn, việc 20.000 ha đất đang bỏ trống hiện nay sẽ bàn phương án để xử lý. Thứ hai là trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, người dân có lợi hơn; hài hòa lợi ích giữa người có đất, Nhà nước và doanh nghiệp. Thứ ba là giảm khiếu kiện và tham nhũng về đất đai.
Bên cạnh thảo luận dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều dự luật, trong đó có Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Thủ đô…
Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua nhiều nghị quyết quan trọng như Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về công tác tư pháp; Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai…; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo VGP