Nghĩ về ngày Tết Độc Lập

04:09, 01/09/2012
.

(QNg)- Ngày 2/9 là ngày Quốc khánh, hay gọi là Ngày Độc Lập cũng cùng chung ý nghĩa. Đã có hàng nghìn hàng vạn bài viết về Ngày Độc Lập, hay kể những chuyện xung quanh cái ngày vĩ đại này của dân tộc Việt Nam. Nhưng, viết nhiều cũng chưa phải là hết và nghĩ nhiều cũng chưa phải đã nghĩ xong.

Ngày Quốc khánh, với nhiều quốc gia là Ngày Độc Lập, với nhiều quốc gia khác là Ngày Thống Nhất, cũng với nhiều quốc gia khác nữa là ngày đánh dấu một sự kiện trọng đại của đất nước mình.

 

a
Ngày Quốc khánh 2/9 còn hơn là một ngày Tết, đó là ngày mà con người Việt Nam có thể nhận thấy tất cả giá trị làm người của mình, ngày của ý thức và sự bừng ngộ của tinh thần công dân. Ảnh Internet.


Với Việt Nam, có lẽ ngày Quốc khánh 2/9 hội đủ tất cả những ý nghĩa lớn lao như thế. Nhưng hơn thế, nó còn là ngày mà dân tộc Việt Nam, mỗi người Việt Nam có thể nhìn lại mình, thấy những cái được và cả những cái chưa được của mình, để khắc phục, để vươn tới. Đó là cách kỷ niệm ngày Quốc khánh một cách tích cực, ngoài chuyện coi ngày Quốc khánh là một dịp lễ hội, nghỉ ngơi hay vui chơi, du lịch.

Tôi còn nhớ, ngày ông cụ thân sinh của tôi còn sống, thì ngày Quốc khánh thực sự là ngày Tết Độc Lập với gia đình tôi. Không chỉ được "ăn tươi"- với khẩu phần tốt hơn ngày thường, con cháu trong nhà còn coi đây là dịp để tụ họp, thăm hỏi những người lớn tuổi, quan tâm tới việc học hành hay công tác của nhau, quan tâm tới cả chuyện tình cảm của nhau nữa. Và đặc biệt, trong ngày ấy, quanh mâm cơm "liên hoan", cha tôi thường nhắc nhở con cháu trong nhà về chuyện học hành, về tu dưỡng đạo đức, về ý chí phấn đấu. Bây giờ, nghe những chuyện ấy nhiều người sẽ… cười, nhưng với chúng tôi ngày xưa, là chuyện nghiêm túc. Tại sao không nhắc nhở vào một ngày nào khác trong năm, mà phải đúng vào ngày 2/9, vào ngày Tết Độc Lập? Đơn giản, vì đối với những người lớn tuổi đã thấm nỗi nhục mất nước, đã thấm nỗi đau đớn cả thể xác và tinh thần của những tháng năm tù ngục thực dân Pháp, đã trực tiếp tham gia vào cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, đã từng nghe hoặc hướng về Quảng trường Ba Đình trong ngày 2/9 khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, thì ngày Quốc khánh 2/9 còn hơn là một ngày Tết, đó là ngày mà con người Việt Nam có thể nhận thấy tất cả giá trị làm người của mình, ngày của ý thức và sự bừng ngộ của tinh thần công dân.

Chính sự thức tỉnh tinh thần công dân Việt Nam là điểm đặc sắc nhất mà ngày Quốc khánh 2/9 mang lại cho dân tộc Việt, cho mỗi người dân Việt. Không có sự thức tỉnh của tinh thần công dân ấy, thì sẽ không có đêm 19/12 bùng nổ toàn quốc kháng chiến, không có cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ gian khổ suốt 9 năm, không có cuộc kháng chiến chống Mỹ 21 năm sau đó và không có ngày 30/4 thống nhất đất nước.  

Ngày Quốc khánh 2/9 phải là ngày thức tỉnh, nâng dậy tinh thần công dân yêu nước ở mỗi người Việt Nam dù ở bất cứ đâu và phải là ngày người Việt Nam tự thấy mình có trách nhiệm với đất nước, một trách nhiệm cụ thể, máu thịt,  chứ không phải những lời nói suông.


Thanh Thảo


 


.