(QNg)- "Bình Đông có tiếng đánh Tây, có gan đánh Mỹ bao vây quân thù/Giặc đốt nhà ngói ta làm lại nhà tranh, giặc đốt ghe mành ta sắm thúng đi câu...". Lời dân ca bài chòi của miền quê Bình Sơn, mỗi lần nghe hát mà xao động trong lòng. Một trong những nhân vật trong bài hát này là chị Ngô Thị Tuyết, nữ dũng sĩ diệt Mỹ... mà cách mấy năm rồi, một lần tình cờ được gặp chị ở Đà Nẵng, tôi vẫn không quên câu chuyện cảm động của chị về lần đầu gặp Bác.
Chị Ngô Thị Tuyết sinh năm 1951, lớn lên ở một làng quê nghèo xã Bình Đông (Bình Sơn). Mới 10 tuổi Tuyết đã chứng kiến bao cảnh tang thương của gia đình mình, cha và anh trai bị giặc giết, mẹ bị giặc bắt tù đày, sau đó đã hy sinh trong một trận càn. Nước mắt đau thương hóa thành hành động cách mạng, cô bé Ngô Thị Tuyết đã tham gia làm nhiệm vụ liên lạc cho du kích, sau đó trở thành nữ chiến sĩ nhỏ tuổi gan dạ.
Chị Tuyết khi là du kích Bình Đông (ảnh tư liệu) |
Nhờ mưu trí, dũng cảm, nhiều lần chị Tuyết đột nhập vào các căn cứ địch để lấy trộm súng đạn về cho du kích xã. Từ chỗ thiếu vũ khí, dần dần, đội du kích xã Bình Đông đã trở nên lớn mạnh, được mệnh danh là Trung đội "thép" trên "Vành đai diệt Mỹ". Trong đó, có phần góp sức rất lớn của nữ du kích Ngô Thị Tuyết. Nhiều lần bí mật, bất ngờ, chị đã tiêu diệt nhiều tên địch. Tuổi thiếu niên, nhưng Ngô Thị Tuyết đã được nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.
Trong một trận đánh để giải thoát 3 cán bộ huyện vào năm 1965, chị Tuyết bị thương nặng. 2 năm sau, chị được cấp trên cho chuyển ra miền Bắc chữa bệnh. Chị cho biết đó là những tháng ngày đầy kỷ niệm, hạnh phúc của mình, vì được sống trong tình cảm bao la của nhân dân miền Bắc, đặc biệt là được gặp, được nghe lời Bác Hồ dặn dò, dạy bảo.
Chị bồi hồi nhớ lại lần đầu tiên được gặp Bác, đó là đầu năm 1968. Vừa gặp, chị đã được Bác hỏi thăm: "Cháu Tuyết đấy à? Cháu ngồi xuống đây kể chuyện đánh giặc ở miền Nam cho Bác nghe...". Chị Tuyết chào Bác rồi được ngồi cạnh bên Người, chị kể những trận đánh của du kích quê mình cho Bác nghe. Bác gật đầu khen ngợi. Bác lại hỏi chuyện đi đường ra Bắc thế nào. Chị Tuyết như quên mất những vất vả, hiểm nguy của mình, chị chỉ nhớ đến các anh bộ đội trên đường hành quân vào Nam nhắn gửi những lời tha thiết: "Em ra miền Bắc gặp Bác Hồ nhớ cho các anh gửi lời thăm Bác, và hứa sẽ sớm giải phóng miền Nam để đón Bác vào thăm". Chị thưa lại với Bác. Bác ngồi im và nước mắt rưng rưng...
Chị được ở lại dùng cơm trưa cùng Bác, bữa cơm rau dưa nhưng chị Tuyết luôn ghi nhớ trong lòng trước những lời dặn dò của Bác. Chị kể, khi thấy mình ăn chén cơm chưa sạch, đã định thôi không dùng nữa mà đặt xuống, Bác bảo: "Cháu cố gắng ăn cho hết những hạt cơm còn lại trong chén, đồng bào mình còn khổ lắm, chúng ta không nên lãng phí...". Mãi đến giờ, dù không còn đói ăn, khát uống như xưa, chị vẫn khắc ghi lời Bác. Đó là bài học vì dân, vì nước , "ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa".
Một buổi sáng đầu thu năm 1969, Bác gọi chị Tuyết vào căn dặn: "Cháu phải cố gắng vượt qua thương tật học tập thật tốt, để sau này về giúp miền Nam". Không ngờ đó cũng là lần cuối cùng chị được gặp Bác Hồ. Bác đi xa, nhưng đối với chị Tuyết, hình như Bác vẫn ở gần bên cạnh chúng ta, mỗi lần làm điều gì, chị đều nghĩ đến Bác, đến đồng bào, và thấy vui khi làm những điều có ích, vì chị nghĩ là mình đã làm đúng lời Bác dạy, như thấy Bác mỉm cười, động viên mình.
Nói về việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đang được Đảng và Nhà nước ta phát động trở thành việc làm thường xuyên trong tất cả mỗi cán bộ, đảng viên và toàn dân, chị Tuyết tâm tình: "Chị rất buồn khi thấy nơi phố xá, thị thành chúng ta đầy cảnh xa hoa lãng phí; ở các quán xá, nhà hàng, có những lúc phung phí hàng chục triệu đồng cho mỗi cuộc tiếp khách; nhiều đám cưới vài trăm bàn tiệc dư thừa bỏ đi; chưa nói lãng phí thời giờ, điện nước của công...".
Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của nước ta còn thấp, đồng bào đang gặp bao khó khăn sau lũ lụt, thiên tai. Năm học mới, nhiều gia đình không đủ tiền để nộp cho con; Tết đến xuân về còn bao nhiêu đứa trẻ lang thang, nhiều công nhân không thể về quê với gia đình vì thiếu tiền tàu xe… Nhớ lại bữa cơm trưa lần đầu gặp Bác, nhớ lời Bác nhắc hãy ăn hết những hạt cơm còn sót trong chén, vì đồng bào mình còn khổ lắm, có lẽ mỗi chúng ta phải suy nghĩ về ý thức tiết kiệm, làm lợi cho xã hội, cho nhân dân, cho đất nước. Chúng ta đang hưởng ứng thực hiện việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Hãy bằng hành động thiết thực để làm theo lời Bác.
TRỊNH CÔNG NHẬN