Cách chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo Nghị quyết TƯ 4

02:08, 15/08/2012
.

Như tin đã đưa, sáng 13-8-2012, tại Hội trường Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng. Hội nghị đã nêu một số kinh nghiệm qua việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình, phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 và những việc cần làm tiếp sau kiểm điểm.

Cách chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm  - Những kinh nghiệm

1- Chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình, phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 được thực hiện rất nghiêm túc, cẩn trọng, chu đáo, chặt chẽ và khoa học, với nhiều điểm nổi bật khác với kiểm điểm hằng năm, giữa nhiệm kỳ và các đợt kiểm điểm của các khoá gần đây. Cụ thể là:
 

- Về tổ chức, có Bộ phận Thường trực và Tổ giúp việc không chuyên trách hoạt động theo quy chế, chương trình; chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các ban của Đảng; tổng hợp, tập hợp các ý kiến góp ý; chuẩn bị tài liệu kỹ (13 loại với 2.006 trang) đúng quy trình, quy chế; gửi tài liệu sớm (10 ngày) trước khi kiểm điểm…

- Bộ Chính trị thảo luận kỹ và ban hành tài liệu một số vấn đề về việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình của cá nhân các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng". Đây là văn bản hướng dẫn rất quan trọng, là cơ sở để các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự viết bản kiểm điểm cá nhân.

- Tổ chức lấy ý kiến các cấp uỷ, tổ chức đảng, các chi uỷ (hoặc chi bộ) nơi cư trú, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên bộ trưởng và tương đương góp ý chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước khi kiểm điểm (có 9 loại văn bản với 1.652 trang).

Việc tổng hợp, tập hợp ý kiến góp ý của các tập thể, cá nhân bảo đảm khách quan, trung thực và gửi cho tất cả các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tập hợp nguyên văn ý kiến của các cá nhân góp ý cho cá nhân các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư (không để tên người góp ý).

Dự thảo Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo Văn phòng Trung ương Đảng chuẩn bị công phu, nghiêm túc, làm cơ sở để Bộ Chính trị, Ban Bí thư thảo luận.

- Các đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chuẩn bị bản kiểm điểm cá nhân chu đáo, nghiêm túc, thẳng thắn, cầu thị. Nhiều đồng chí viết bổ sung bản kiểm điểm cá nhân ba lần trước và trong quá trình kiểm điểm tập thể và cá nhân.

2- Trong kiểm điểm, nhìn chung, các đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều phát biểu; không khí thảo luận thẳng thắn, góp ý dân chủ, đoàn kết, chân thành. Hầu hết các vấn đề nổi cộm, bức xúc được các tập thể và cá nhân góp ý với tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều được đặt ra, phân tích, mổ xẻ. Khi kiểm điểm cá nhân, tất cả các đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều phát biểu góp ý cho đồng chí mình, nhiều đồng chí phát biểu lần 2, có trao đổi qua lại giữa các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư về cùng một vấn đề. Cuối cùng đồng chí Tổng Bí thư thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận về kiểm điểm của từng đồng chí (Bộ Chính trị sẽ ban hành các kết luận này để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương).

Qua kiểm điểm đã làm rõ hơn, sâu hơn ưu, khuyết điểm và hạn chế của tập thể và các cá nhân trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số vấn đề quan trọng, cấp bách về xây dựng Đảng (về trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước, nhất là về các vụ việc Vinashin, Vinalines; về thiếu sót, khuyết điểm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XI và công tác cán bộ; về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh dạo, cá nhân phụ trách; về một số dư luận bức xúc liên quan đến cá nhân, gia đình, vợ con,...). Kiểm điểm Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực sự là một cuộc sinh hoạt chính trị, là dịp để các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tự học hỏi nâng cao trình độ, năng lực (nhiều đồng chí phát biểu, qua đợt sinh hoạt này, đã thu nhận được rất nhiều điều bổ ích, tự thấy mình trưởng thành hơn, gắn bó, hiểu biết nhau hơn trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư...).

Trong kiểm điểm tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là đối với kiểm điểm cá nhân các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư điều nổi bật nhất là phải thật sự thấm nhuần tinh thần tự phê bình và phê bình, tự giác, chân thành, tự khép mình vào kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Nội dung kiểm điểm bám sát vào từng nội dung, yêu cầu được nêu trong nghị quyết của Trung ương 4 khoá XI, chỉ thị, kế hoạch của Bộ Chính trị và hướng dẫn của các ban xây dựng Đảng, trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc, cụ thể, đi thẳng vào những vấn đề cần kiểm điểm, những vấn đề được góp ý trước khi kiểm điểm. Trong quá trình kiểm điểm, có những vụ việc kết luận được thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định ngay; có những việc cần phải có thời gian để kiểm tra, xác minh thì giao Uỷ ban Kiểm tra Trung ương làm rõ. Những vụ việc trước đây đã có kết luận nay không có tình tiết gì mới làm thay đổi bản chất sự việc thì không xem xét lại.

3- Ngay trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thực sự cầu thị, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, đã chỉ đạo khẩn trương khắc phục ngay một số khuyết điểm đã rõ, không chờ tới khi tổ chức kiểm điểm Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cụ thể là:

- Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện các nghỉ quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận,... của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

- Bộ Chính trị đã đề xuất và trình Hội nghị Trung ương 5 thảo luận, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị. Lập lại Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính; đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-5-2012).

- Bộ Chính trị đã ban hành "Hướng dẫn thực hiện việc chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương" (số 02-HD/TW, ngày 08-6-2012).

- Sửa đổi ngay cách đi công tác địa phương, cơ sở theo hướng thiết thực, cụ thể, tránh hình thức, nghi lễ rườm rà (bỏ khẩu hiệu "Nhiệt liệt chào mừng...").

- Ban Bí thư ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp (số 101 -QĐ/TW, ngày 07-6-2012) .

- Ban Bí thư ban hành "Quy định bổ sung, sửa đổi về việc cung cấp thông tin cho báo chí sau các kỳ họp của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương" (số 120-QĐ/TW, ngày 19-7-2012).

- Bộ Chính trị đã quyết định điều chuyển, phân công công tác khác đối với một số đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng; bố trí công tác mới cho một số đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng dự khuyết.

- Bộ Chính trị đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương khẩn trương nghiên cứu, xây dựng quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và một số đề án về công tác cán bộ khác để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI; quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ chế để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Những việc làm tiếp sau kiểm điểm

1. Từng cá nhân các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ tiếp tục suy nghĩ, thật sự cầu thị, thành khẩn, tự nghiêm khắc với mình hơn nữa, bổ sung, hoàn thiện, nâng chất lượng bản tự kiểm điểm cá nhân của mình để báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương, làm gương cho cấp dưới và làm kinh nghiệm cho các khoá sau.

2. Bộ Chính trị giao cho Bộ phận Thường trực giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư qua kiểm điểm để hoàn thiện Báo cáo kiếm điểm tự phê bình và phê bình tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và bản giải trình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số vấn đề chung mà các tập thể, cá nhân góp ý cho tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

3. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khẩn trương tiến hành thẩm tra, xác minh, làm rõ một số vấn đề mà Bộ Chính trị giao, bảo đảm khách quan, đúng nguyên tắc, nghiêm túc, kết luận rõ ràng và báo cáo Bộ Chính trị; đồng thời Bộ Chính trị sẽ nghe Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo về kết quả thực hiện chủ trương cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin và về vụ việc Vinalines theo ý kiến kết luận của Bộ Chính trị trong quá trình kiểm điểm.

4. Tháng 9-2012 Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ họp lại để thông qua Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Bản tiếp thu giải trình... đánh giá chính thức về kết quả kiểm điểm và xem xét việc kỷ luật (có hay không, đến mức nào đối với tập thể và cá nhân) để báo cáo với Trung ương.

5. Bộ phận Thường trực giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chuẩn bị báo cáo trình Hội nghị Trung ương 6 về việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng.

6. Chuẩn bị thông báo cho các cơ quan và cá nhân góp ý cho tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả đợt kiểm điểm này sau Hội nghị Trung ương 6 khoá XI.

7. Phân công các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo các ban đảng Trung ương đi dự, chỉ đạo và theo dõi kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở cấp tỉnh và tương đương.

8. Chỉ đạo thực hiện ngay một số việc đã được quy định trong Nghị quyết Trung ương 4 và đã kết luận qua kiểm điểm, đặc biệt là chuẩn bị các đề án, các cơ chế, chính sách để trình Trung ương, Bộ Chính trị xem xét quyết định, tạo chuyển biến ngay trong quá trình kiểm điểm này.

Quá trình kiểm điểm tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư vẫn còn tiếp tục và sẽ hoàn thành sau khi Ban Chấp hành Trung ương xem xét, đánh giá theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI "Một số vấn đê cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Từ cách làm, kinh nghiệm chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng sẽ giúp cấp uỷ đảng, tổ chức đảng các cấp phát huy tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, nghiên cứu kỹ lưỡng để vận dụng nhuần nhuyễn, từ đó làm tốt việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở đơn vị, địa phương mình sắp tới. Làm thật tốt kiểm điểm tự phê bình và phê bình sẽ góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết, đáp ứng yêu cầu và sự mong đợi của toàn Đảng, toàn dân, xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh “là đạo đức, là văn minh” như lời Bác Hồ dạy.

 

Theo Tạp chí Xây dựng đảng


.