(QNg)- Tuyên truyền, giáo dục, chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với CNVCLĐ là một trong những công tác trọng tâm trong hoạt động công đoàn.
Hiện nay, các cấp công đoàn trong tỉnh đã và đang áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền như: Tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan, tuyên truyền qua các hội thi, hội diễn và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Năm nay, Hội thi nữ CNVCLĐ Tài năng- Thanh lịch cấp huyện, cấp tỉnh được tổ chức dưới hình thức sân khấu hoá đã thu hút sự quan tâm của đông đảo CNVCLĐ. Đây là hình thức tuyên truyền mới, đem lại hiệu quả cao.
LĐLĐ tỉnh và Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức chính trị cho công nhân, lao động. |
Nhờ khai thác được những đặc trưng của hình thức sân khấu hoá, các thông điệp tuyên truyền được các thí sinh dự thi trình bày khá sinh động, hấp dẫn, tác động trực tiếp đến người xem. Tuyên truyền miệng là hình thức phổ biến, đem lại hiệu quả cao, được các cấp công đoàn trong tỉnh tổ chức thường xuyên. Trong 5 năm (2008 - 2012), các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tổ chức gần 1.000 cuộc tuyên truyền phổ biến pháp luật trong CNVCLĐ, phát hành trên 15.000 tờ gấp, tờ rơi về phòng chống ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS, 20.000 tờ rơi tuyên truyền thành lập công đoàn và nghiệp đoàn nghề cá.
Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh còn phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh, của Trung ương mở chuyên mục Lao động và Công đoàn, sản xuất và phát hành Bản tin Công đoàn Quảng Ngãi, phản ánh nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn để làm tài liệu sinh hoạt công đoàn hàng tháng và cung cấp thông tin về chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động.
Không dừng lại ở việc lý giải về lý thuyết và những quy định của pháp luật, mà bằng tình cảm, trách nhiệm, các cấp công đoàn đã vận động CNVCLĐ sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Đồng thời tìm tòi, lựa chọn những hình thức tuyên truyền phù hợp với đối tượng như, tổ chức các đợt học tập, nghiên cứu pháp luật, toạ đàm, đối thoại trực tiếp, giới thiệu những gương điển hình tiêu biểu, chú trọng những nội dung thiết yếu của pháp luật và các chế độ chính sách mà công nhân, lao động đang cần.
Hiện nay, tại KKT Dung Quất và các khu, cụm công nghiệp làng nghề đang tập trung nhiều công nhân, lao động trẻ. Vì vậy, để công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả thiết thực, các cấp công đoàn cần lựa chọn nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc thù của từng loại hình cơ sở trong các thành phần kinh tế, về trình độ, tâm lý, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp mới có tính thuyết phục cao đối với CNVCLĐ.
Để công tác tuyên truyền, giáo dục đạt hiệu quả, đem lại ý nghĩa thiết thực, cán bộ công đoàn cần linh hoạt, lồng ghép với việc vận động thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước với các biện pháp hành chính, kinh tế; coi trọng việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho CNVCLĐ.
Việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ công đoàn cho đội ngũ cán bộ làm công tác công đoàn ở cơ sở là một việc làm cấp thiết hiện nay. Cán bộ công đoàn phải am hiểu, nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền; phải gần gũi, sâu sát, nắm bắt những tâm tư, bức xúc, nguyện vọng chính đáng của công nhân, lao động để hướng hoạt động công đoàn vào việc quan tâm đến đời sống của họ. Có như vậy, công đoàn mới tập hợp được quần chúng, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế- xã hội, phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.
Bài, ảnh: Thu Thuỷ