(QNĐT)- Chiều 18/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 4 Luật, 1 Bộ luật: Luật bảo hiểm tiền gửi; Luật phòng, chống rửa tiền; Luật giáo dục đại học; Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và Bộ luật lao động (sửa đổi). Trong đó, Bộ luật Lao động sửa đổi được nhiều người quan tâm với nhiều quy định mới liên quan đến người lao động…
Với tuyệt đại đa số ý kiến tán thành 466/467 đại biểu đã bỏ phiếu thuận, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi). Bộ luật lớn và quan trọng này sẽ phải chờ Chính phủ ban hành hơn 20 nghị định hướng dẫn thi hành, do đó đến ngày 1/5/2013 mới chính thức có hiệu lực.
Lao động nữ được nghỉ thai sản 6 tháng
Về một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, Luật quy định lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.
Lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày Bộ luật này có hiệu lực, mà đến ngày 1/5/2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006 thì thời gian nghỉ thai sản được thực hiện theo quy định của Bộ luật này.
Như vậy, từ thời điểm đó lao động nữ mới được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.
Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nữ khi có điều kiện
Những ý kiến tranh cãi khá gay gắt về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ “được UB Thường vụ QH tiếp thu và đề nghị Chính phủ giao cho các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất QH điều chỉnh tuổi nghỉ hưu khi có đủ điều kiện”.
Về quy định tuổi nghỉ hưu, Quốc hội vẫn giữ nguyên độ tuổi là 55 với nữ và 60 tuổi với nam như quy định hiện hành. Theo đó, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
Với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này.
Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này.
Một số quy định khác
Về mức lương tối thiểu, bộ luật quy định thống nhất “là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”. Mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành.
Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Theo bộ luật, Hội đồng tiền lương quốc gia là cơ quan tư vấn cho Chính phủ, bao gồm các thành viên là đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng công đoàn Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương. Chính phủ được giao quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của hội đồng này.
Mức lương tối thiểu ngành được xác định thông qua thương lượng tập thể ngành, được ghi trong thỏa ước lao động tập thể ngành nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố.
Về tiền lương làm thêm giờ của người lao động được quy định không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong 1 ngày, trong trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm.
Bộ Luật lao động sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/5/2013.
Cũng trong chiều 18/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Giáo dục đại học.
Dự án Luật bảo hiểm tiền gửi có 470 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó 464 đại biểu tán thành, chiếm 92,99%.
Dự án luật phòng, chống rửa tiền có 469 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 465 đại biểu tán thành, chiếm 93,19% tổng số đại biểu.
Trong phần biểu quyết thông qua Luật giáo dục đại học, dự thảo nhận được 84,57% phiếu tán thành và được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, đây là dự án luật còn nhiều ý kiến khác nhau. Nội dung nhiều đại biểu chưa tán thành là những quy định trong dự thảo về Đại học quốc gia. Ý kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ điều 28 của dự thảo về phân công phối hợp trong hoạt động đào tạo và biên tập lại điều 27 về vai trò, địa vị pháp lý của Đại học quốc gia. Có 62 đại biểu không tán thành với phương án này, chiếm 12,42% tổng số đại biểu.
Luật phòng chống tác hại của thuốc lá nhận được 88,18% tổng số đại biểu tán thành và Bộ luật lao động (sửa đổi) nhận được 466 phiếu tán thành, bằng 93,39 % tổng số đại biểu./.
H.L (tổng hợp)