Tỉnh ủy Quảng Ngãi: Báo cáo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 5 (khoá XI)

01:06, 01/06/2012
.

(QNĐT)- Sáng ngày 1/6, Tỉnh uỷ Quảng Ngãi đã tổ chức Hội nghị báo cáo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI (Hội nghị Trung ương 5), đồng thời quán triệt, triển khai quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa bí thư các cấp ủy đảng trong tỉnh với nhân dân. Đồng chí Võ Văn Thưởng-UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Toản-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Minh-Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII; Bí thư các ban cán sự đảng, đảng đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn; Trưởng, phó các cơ quan chuyên trách, tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; Thường trực và trưởng các ban HĐND tỉnh; Trưởng các sở, ban, ngành; Bí thư huyện, thành ủy và đảng ủy trực thuộc...

 

Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng báo cáo nhanh về
Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng báo cáo nhanh về một số vấn đề trọng tâm được Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) thảo luận, kết luận.


Tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng- UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã thông báo các vấn đề trọng tâm được Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) thảo luận, kết luận như: Tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và các vấn đề chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí cùng một số vấn đề về chính sách, xã hội khác...

Đồng chí cho biết, Ban Chấp hành Trung ương nhận định, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là yêu cầu khách quan, cần thiết. Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, đánh giá những mặt được, hạn chế, các nội dung cần sửa đổi và chủ trương chỉ sửa đổi những vấn đề đã rõ, được thực tế chứng minh, đủ cơ sở, có sự thống nhất cao.

Về chính sách, pháp luật đất đai, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục khẳng định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai, không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp giao cho hộ gia đình, cá nhân.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị; lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban Đảng, vừa là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

 

Các đại biểu tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị.


Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng cũng cho biết, tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã quyết định khẩn trương nghiên cứu xây dựng đề án cải cách chế độ tiền lương giai đoạn 2013 - 2020 cùng với các đề án liên quan, tạo bước đột phá trong việc tạo nguồn, bảo đảm cho cải cách tiền lương thu được kết quả, gắn việc điều chỉnh tiền lương với điều chỉnh chính sách bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công.

Sau báo cáo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Minh-Phó Bí thư Tỉnh ủy quán triệt, triển khai quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa bí thư các cấp ủy đảng trong tỉnh với nhân dân.

Theo đó, việc tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa bí thư các cấp ủy đảng với nhân dân là nhằm tranh thủ ý kiến đóng góp và tham vấn ý kiến của nhân dân về xây dựng và thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo quốc phòng an ninh; xây dựng hệ thống chính trị; về lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, ghi nhận để giải quyết kịp thời và có hiệu quả những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân.

Mục đích của tiếp xúc, đối thoại với nhân dân cũng nhằm góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, tổ chức đảng; tăng cường, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân và phát huy, mở rộng quyền dân chủ của nhân dân.

Qua việc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền địa phương; đồng thời phát hiện thêm những ưu điểm, hạn chế của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà nhân dân phản ảnh. Nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, giải quyết, chỉ đạo giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc, nổi cộm mà nhân dân quan tâm...


M.Toàn

 


.