Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam

09:06, 18/06/2012
.

Là người khai sáng, người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công việc viết báo và làm báo. Trong những năm hoạt động ở nước ngoài để tìm đường cứu nước, Người đã có nhiều bài viết đăng trên các báo nổi tiếng thời bấy giờ của Pháp, Liên Xô, Trung Quốc...

Tại Pháp, Người tham gia sáng lập Hội liên hiệp thuộc địa và tờ báo Người cùng khổ (Le Paria), nhằm tố cáo bản chất tàn bạo của chế độ thực dân Pháp, làm cho Quốc tế Cộng sản và các dân tộc trên thế giới biết đến Việt Nam và ủng hộ nhân dân Việt Nam đấu tranh tự giải phóng. Tại Trung Quốc tháng 6 - 1925, Người đã tổ chức ra Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội - Tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và sáng lập ra Báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Hội, xuất bản số báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ vào ngày 21 tháng 6 năm 1925. Sự kiện lịch sử này đánh dấu mốc khởi nguồn cho báo chí cách mạng Việt Nam.

 Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu


Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết đăng trên 2000 bài báo bằng nhiều thứ tiếng, nhiều thể loại; gần 300 bài thơ, 500 trang truyện và ký, với hàng chục bút danh. Người đã từng làm mọi việc của nghề báo, từ viết bài, sửa bài, biên tập, tổ chức in ấn, phát hành, đến tổ chức, lãnh đạo và chỉ đạo việc làm báo. Người quan niệm công việc viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”. Vì vậy, bên cạnh các tác phẩm báo chí xuất sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại cho chúng ta một di sản tư tưởng đặc biệt có giá trị - Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, bao gồm các quan điểm về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tính chất của báo chí cách mạng; về vai trò, nghĩa vụ, đạo đức, phong cách của người làm báo; về nghệ thuật trong “cách viết” để làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo có giá trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Báo chí là một mặt trận”, “Cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”. Vì thế, “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Người yêu cầu đội ngũ những người làm báo “phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng. Cho nên, các báo chí của chúng ta đều phải có đường lối chính trị đúng”. Người căn dặn các nhà báo trước khi cầm bút phải tự đặt câu hỏi: “Viết để làm gì?”, “Viết cái gì? Viết cho ai? Viết thế nào?”. Người thường xuyên nhấn mạnh mục đích viết báo “không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đư¬ờng lối, chính sách của Đảng và Chính phủ”. Vì vậy, khi viết xong bản thảo thì mỗi người “phải đọc đi, đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa, thì bỏ bớt đi. Đọc đi đọc lại 4, 5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại. Mình đọc mấy lần rồi cũng chư¬a đủ. Phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh, đọc lại”. Người còn chỉ huấn: “Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm. Chớ tự ái, tự cho bài của mình là “tuyệt” rồi. Người nhắc nhở phải kiên quyết chống lối viết “tràng giang đại hải”, “dùng từng đống danh từ lạ”, hoặc “viết như mật mã, thích ba hoa, viết vừa dài, vừa rỗng, thích khoe chữ, ham dùng điển tích, sính chữ nước ngoài”.

Với hơn nửa thế kỷ hoạt động sáng tạo báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại di sản báo chí vô cùng quý giá, thể hiện sinh động những quan điểm tư tưởng của Người về cách mạng, về thời đại, về nhân dân, về kinh tế, chính trị, văn hoá… Đặc biệt những lời dạy của Người về hoạt động báo chí vẫn giữ nguyên giá trị, chỉ đạo xuyên suốt quá trình phát triển bền vững của báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay.

Nhận thức rất sâu sắc về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng đối với đời sống xã hội, Người khẳng định: "Báo chí cộng sản chủ nghĩa có nhiệm vụ làm cho các chiến sĩ của chúng ta hiểu rõ vấn đề thuộc địa, làm thức tỉnh sự đồng tình hưởng ứng của quần chúng lao động ở các nước thuộc địa, tranh thủ họ tham gia sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản" (1). Báo chí cách mạng không có lợi ích gì khác, không có mục đích gì khác là phụng sự lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân. Báo chí cách mạng của chúng ta là báo chí của giai cấp công nhân và đông đảo quần chúng nhân dân lao động. Do đó: "Báo chí của ta thì cần phải phục vụ cho nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới" (2)

Đối với những người làm báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: Nhà báo trước hết là người cán bộ cách mạng, gắn cuộc đời mình với dân tộc, trung với Đảng, với nhân dân. Người đã nhiều lần nhấn mạnh đến tư cách chiến sĩ của nhà báo: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ"(3); "Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc…, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hoà bình thế giới" (4).

 

Để hoàn thành nhiệm vụ là người chiến sĩ cách mạng vẻ vang đó, Người yêu cầu các nhà báo phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, đặc biệt là trình độ chính trị; đồng thời phải hoà mình vào đời sống của quần chúng nhân dân để viết cho đúng với tâm trạng, nhu cầu và nguyện vọng của họ. Bác khuyên các nhà báo: "Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ. Trái lại, là các bạn chưa thành công" (5).

 

Theo Người, quần chúng nhân dân với tư cách là đối tượng phục vụ của báo chí phải có mặt ở hầu hết các khâu của quy trình hoạt động báo chí: là đối tượng cung cấp thông tin cho báo chí, đối tượng tiếp nhận thông tin báo chí, đồng thời cũng là đối tượng thẩm định chất lượng tác phẩm báo chí. Về nội dung phản ánh của báo chí cách mạng, Người nhấn mạnh: "Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội" (6). Hình thức diễn đạt, phương pháp thể hiện, cách trình bày, kết cấu tác phẩm báo chí phải trong sáng, dễ hiểu và tránh cầu kỳ. Người căn dặn: "Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được" (7).

Trải qua thực tiễn hoạt động cách mạng với hơn nửa thế kỷ hoạt động báo chí, từ nhận thức và quan điểm đúng đắn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng của báo chí và nhiệm vụ của Người làm báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy mẫu mực của nền báo chí cách mạng Việt Nam đã để lại di sản báo chí phong phú cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và những người làm báo chúng ta vận dụng và đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; để báo chí cách mạng Việt Nam mãi mãi là vũ khí chính trị tư tưởng sắc bén của giai cấp công nhân và đông đảo nhân dân lao động Việt Nam.

Theo GD&TĐ

 

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 278.

2. Sách đã dẫn, tập 9, tr. 414..

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 616.

4. Sách đã dẫn, tập 11, tr. 441.

5. Sách đã dẫn, tập 5, tr. 653.

6. Sách đã dẫn, tập 7, tr. 118.

7. Sách đã dẫn, tập 5, tr. 653.



 


.