Đãi ngộ tốt hơn đối với người có công

06:04, 17/04/2012
.

Hôm nay 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và dự thảo Luật Quảng cáo.
 

Phiên họp thứ bảy của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phiên họp thứ bảy của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.



Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng theo Tờ trình của Chính phủ.

Theo Tờ trình, Pháp lệnh mới sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành chính sách ưu đãi người có công, nâng cao đời sống vật chất cho người có công phù hợp điều kiện kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay và bảo đảm tương ứng với mức tiêu dùng bình quân của toàn xã hội.

Một số vướng mắc sau 7 năm thực hiện Pháp lệnh hiện hành là: Mốc thời gian xác nhận cán bộ “tiền khởi nghĩa” chưa phù hợp với thực tiễn; chưa quy định việc xác nhận thương binh, liệt sĩ đối với người bị thương, bị chết khi tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu…; chế độ người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng; chế độ bảo hiểm y tế đối với một số diện thân nhân của người có công…

Thẩm tra nội dung mà Tờ trình của Chính phủ nêu, Ủy ban Các vấn đề xã hội nhất trí với đa số nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo tính hợp lý, chế độ đãi ngộ tốt hơn và hỗ trợ  nâng cao đời sống của người có công.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến khác nhau về một số nội dung sửa đổi, bổ sung như việc có nên mở rộng bảo hiểm y tế đối với thân nhân của tất cả các đối tượng người có công theo đề xuất của Chính phủ hay chỉ mở rộng với thân nhân của một số đối tượng người có công được ưu tiên vì ngân sách hiện nay còn hạn hẹp.

Phân tích về điều này, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn  đề xã hội cho biết nếu mở rộng bảo hiểm y tế cho thân nhân người có công thì sẽ phải cấp thêm bảo hiểm y tế cho khoảng hơn 5 triệu thân nhân người có công, với kinh phí khoảng 2.637 tỷ đồng/năm.

Mặt khác, đến nay vẫn chưa có chính sách cấp bảo hiểm y tế đối với người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế và người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh về thành tích kháng chiến.

Do vậy, Ủy ban Các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ đánh giá, dự báo đầy đủ về số đối tượng dự kiến tăng thêm và khả năng cân đối ngân sách hằng năm để thực hiện chính sách này.

Trong trường hợp chưa thể bảo đảm cân đối ngân sách để mở rộng theo phương án Chính phủ trình, cơ quan thẩm tra đề nghị trước mắt tập trung mở rộng chế độ ưu đãi về bảo hiểm y tế đối với thân nhân (không giới hạn độ tuổi) của liệt sĩ, thân nhân của người có công bị suy giảm từ 61% sức lao động trở lên là thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945,  Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến.

Dự thảo Pháp lệnh bổ sung trường hợp khi người đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ nếu bị chết do ốm  đau, tai nạn, bị thương hay mắc bệnh suy giảm 61% khả năng lao động trở lên thì được lần lượt công nhận là liệt sỹ, bị thương, bệnh binh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng quy định này là quá rộng vì  hiện có nhiều đối tượng (dân sự, cựu chiến binh, bộ đội,…) cùng đi tìm hài cốt liệt sỹ, cần quy định cụ thể đối tượng và trong trường hợp nào sẽ được hưởng chế độ này.

Với quy định danh hiệu Bà mẹ  Việt Nam anh hùng, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị dự thảo Pháp lệnh không nên quy định tuổi để xác định danh hiệu và Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đồng ý với ý kiến này.

Ngoài các nội dung trên, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung cũng đề cập đến việc bổ sung chế độ trợ cấp hàng tháng với người hoạt động cách mạng hoặc kháng chiến bị địch bắt, tù đày, trợ cấp tuất hàng tháng khi người có công chết.

Ủy ban Các vấn  đề xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung thêm các quy định về tìm kiếm, quy tập hài cốt và xác định danh tính liệt sĩ, chế độ hỗ  trợ người có công cải thiện nhà ở, chế độ ưu đãi với cha của liệt sĩ có 1 con mà người con đó là liệt sĩ, hoặc có hai con mà cả hai con đều là liệt sĩ hoặc có 3 con là liệt sĩ trở lên.

Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng đề nghị Pháp lệnh mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2012. Riêng việc bổ sung chế độ bảo hiểm y tế đối với một số đối tượng thân nhân người có công sẽ được thực hiện từ ngày 1/1/2013.

Cùng ngày, xem xét dự án Luật Quảng cáo, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo, các bộ và UBND các cấp phối hợp với Bộ này theo chức năng của mình.

Để hạn chế việc quảng cáo có nội dung không đúng với chất lượng sản phẩm, dự thảo Luật tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và quy định nghĩa vụ của người quảng cáo là không chỉ cung cấp các thông tin cần thiết, trung thực, chính xác, mà còn phải cung cấp các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo, đồng thời phải chịu trách nhiệm về các thông tin đó.

Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo và người phát hành quảng cáo trước khi thực hiện hợp đồng phải kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo mà người quảng cáo cung cấp.

Dự kiến Luật này sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tới.

 

Theo VGP


.