Thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) chiều 27/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Các vấn đề xã hội sau khi được các đại biểu Quốc hội góp ý từ kỳ họp thứ 2.
Phiên họp thứ sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận rõ một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau.
Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, hiện doanh nghiệp căn cứ vào mức lương tối thiểu để trả lương cho công nhân và có doanh nghiệp chỉ trả lương cao hơn mức tối thiểu không đáng kể, gây ra những bức xúc cho người lao động,
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, có thể đưa nguyên tắc rằng có thể người lao động làm từ 2 đến 3 năm thì phải điều chỉnh lương, năng suất lao động vượt định mức liên tục cũng được điều chỉnh lương…
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng xu hướng là trả lương theo vị trí công việc, tăng lương theo thâm niên. Thế giới cũng không khuyến khích Nhà nước quản lý thang lương, bảng lương, song Nhà nước vẫn đóng vai trò trung gian, cung cấp thông tin về tiền lương cho người lao động và người sử dụng lao động trong việc thỏa thuận, thương lượng về lương.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Bộ luật bổ sung các nguyên tắc đối với tiền lương tối thiểu theo tháng, tuần, ngày, giờ được xác lập theo vùng, ngành và giao Chính phủ quy định chi tiết. Theo nhiều ý kiến từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là quy định mở để phù hợp với hình thức lao động thời vụ hiện nay.
Ngoài ra, trên thực tế, vẫn còn tồn tại khác biệt về tiền lương tối thiểu của cán bộ, công chức với tiền lương tối thiểu của nhóm lao động trong khu vực doanh nghiệp. Bà Trương Thị Mai cho biết đây là vấn đề cần làm rõ khi cải cách tiền lương khu vực nhà nước, hướng tới xây dựng một mức lương tối thiểu của người lao động và Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu khi chỉ số giá sinh hoạt thay đổi.
Việc nghỉ thai sản đối với lao động ở các ngành nghề lao động khác nhau như thế nào là nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các đại biểu Quốc hội thảo luận nhiều lần. Sau khi tập hợp các ý kiến đại biểu, Ủy ban Các vấn đề xã hội đề nghị quy định rõ người lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Nội dung này được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình.
Đối với thời gian làm thêm giờ, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như hiện hành, không quá 4 giờ một ngày và 200 giờ trong một năm.
Về độ tuổi nghỉ hưu được giữ như quy định hiện hành (nam 60, nữ 55) nhưng dự luật đã cho phép có thể điều chỉnh đối với nhóm lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nhóm lao động có trình độ cao, lao động quản lý tùy theo điều kiện trong từng giai đoạn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng nên giao Chính phủ quy định chặt chẽ hơn về độ tuổi nghỉ hưu. Nếu quá tuổi nghỉ hưu nhưng người lao động vẫn còn sức khỏe và được sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị thì vẫn có thể tiếp tục làm việc.
Theo VGP