1. Thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ
Vấn đề thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ liên quan chặt chẽ và sâu sắc đến toàn bộ thể chế công tác cán bộ, trực tiếp liên quan đến các luật, các quy phạm pháp luật và các định chế của Đảng về vấn đề này. Nhiều nội dung quan trọng xung quanh vấn đề này cần đổi mới nhận thức và thực hiện phù hợp hơn trong điều kiện mới. Đến nay, trong phần lớn trường hợp, vấn đề này thường được đặt ra ở tầm một vấn đề chi tiết, mang tính chất xử lý tình huống. Các quyết định đưa ra thường dao động giữa hai thái cực, “cải tiến” kiểu “xoay vòng”, sau một chu kỳ lại quay về cách làm cũ.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng yêu cầu thay thế người đứng đầu BQL dự án sân bay Đà Nẵng ngay tại công trình |
Khoảng ba chục năm trước, cùng với chủ trương tăng cường vai trò của người đứng đầu và quyết định bãi bỏ ban cán sự đảng các bộ, ngành, trách nhiệm chủ yếu về công tác cán bộ đặt lên vai bộ trưởng, thủ trưởng. Một thời gian sau, trước tình hình tiêu cực nổi lên trong công tác cán bộ, có nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chính là đã xem nhẹ nguyên tắc tập thể quyết định, đề cao quá mức vai trò người đứng đầu, để cho bệnh gia trưởng, độc đoán, cục bộ, bản vị phát triển và gây tác hại. Do đó, đã quyết định xác lập lại và đề cao nguyên tắc quyết định tập thể, giảm thiểu vai trò người đứng đầu trong công tác cán bộ. Sau Đại hội VII của Đảng, cùng với việc lập lại ban cán sự đảng từ cơ quan trung ương đến cấp huyện(1), nguyên tắc quyết định tập thể trong công tác cán bộ được chế định và quy chế hóa chi tiết, đến mức vai trò người đứng đầu dường như bị bỏ qua(2). Một số nghị quyết của Đảng gần đây đề cập lại vấn đề trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cán bộ, nhưng mọi việc mới chỉ dừng lại ở một số điều chỉnh chi tiết.
Có nhiều lý lẽ để đề cao nguyên tắc quyết định tập thể. Nhiều người đồng tình và chờ đợi nó sẽ mang lại chất lượng mới trong công tác cán bộ, khắc phục những khuyết tật tưởng như chỉ có thể nảy sinh khi không đề cao nguyên tắc này. Thực tế đã không chứng tỏ như vậy. Dù nguyên tắc tập thể quyết định được nhấn mạnh trong nhiều nghị quyết, được cụ thể hóa và thực hiện có vẻ đầy đủ đến từng chi tiết, nhưng chất lượng công tác cán bộ đã không được cải thiện, những khuyết tật đã có chẳng những không được khắc phục mà có mặt còn phát triển nặng nề hơn. Tệ nạn mua bán chức quyền là một biểu hiện cụ thể. Trên văn bản, trong mô hình thiết kế, nguyên tắc tập thể quyết định đã được xác định, nhưng trong “thực tế thi công” quyền quyết định về công tác cán bộ vẫn chủ yếu nằm trong tay cá nhân hoặc một số cá nhân. Bằng các công cụ và thủ thuật khác nhau, nhiều người đứng đầu vẫn có thể chi phối, thậm chí khuynh đảo công tác cán bộ, nhưng lại được bảo vệ khá an toàn trong vỏ bọc “quyết định tập thể”. Tình trạng có thực quyền mà không phải chịu trách nhiệm pháp lý tạo ra mảnh đất nuôi sống các khuyết tật trong công tác cán bộ. Nói cách khác, cần đổi mới thể chế công tác cán bộ và cách thức thực hiện các thể chế đó.
Không nên quên rằng, vấn đề thẩm quyền và trách nhiệm trong công tác cán bộ liên quan chặt chẽ đến quyền lực và lợi ích, vì vậy luôn luôn có sự tranh chấp quyết liệt giữa các đối tác tham gia quá trình, giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo, giữa cá nhân và tập thể, giữa cấp trên và cấp dưới. Một cách tự nhiên, mỗi đối tác đều có thể đưa ra những lý lẽ có vẻ như vô tư, để bảo vệ lợi ích cục bộ, dành cho mình quyền hạn tối đa, trách nhiệm tối thiểu. Tổ chức đảng chỉ có thể làm tốt chức năng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ nếu tiếp cận vấn đề không phải với tư cách của một đối tác như vậy mà trên quan điểm lợi ích chung, phát huy trách nhiệm và sức mạnh của mọi đối tác, tạo ra sức mạnh và hiệu quả chung cao nhất.
Điểm mấu chốt là, trong công tác cán bộ cũng như các lĩnh vực khác, giao quyền phải đi đôi với trách nhiệm pháp lý tương ứng, phải có các điều kiện cần thiết để kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Ai, cơ quan nào có quyền thì người đó, cơ quan đó phải chịu trách nhiệm pháp lý về công tác cán bộ. Những điều đó phải được luật pháp hóa và công khai hóa.
2. Người đứng đầu là ai?
Một xã hội phát triển có nhiều tổ chức với chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức và hoạt động khác nhau, tức là thuộc nhiều loại hình tổ chức khác nhau. Một số thuộc loại hình tổ chức theo nguyên tắc, chế độ một người đứng đầu, chế độ thủ trưởng(3), một số theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Cần nhấn mạnh rằng, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc nào là tùy theo tính chất của nó, do các điều kiện khách quan quy định. Dù tổ chức theo nguyên tắc nào thì thẩm quyền và trách nhiệm pháp lý luôn đi đôi và tương ứng với nhau. Không thể chủ quan “phân bổ” liều lượng thẩm quyền và trách nhiệm theo kiểu bốc thuốc. Không thể có quyền mà không chịu trách nhiệm, cũng không thể đòi hỏi trách nhiệm mà không giao quyền tương ứng.
Tổ chức theo chế độ một người đứng đầu là tổ chức trong đó có một chức danh lãnh đạo được giao đầy đủ các quyền cần thiết để đảm bảo cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, đồng thời chịu trách nhiệm cá nhân đầy đủ về kết quả hoạt động của nó. Chỉ trong những tổ chức loại này mới tồn tại chức danh người đứng đầu đúng nghĩa.
Trong xã hội ta hiện nay, có những tổ chức, cơ quan, đơn vị trên nguyên tắc theo chế độ một người đứng đầu, nhưng lại có sự kết hợp với các quy định thể hiện nguyên tắc lãnh đạo tập thể dưới các hình thức và mức độ khác nhau (trong việc thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng, trong đó có công tác cán bộ). Tuy vậy, xét trên những đặc điểm cơ bản, tính chất của loại hình tổ chức một người đứng đầu vẫn nổi trội hơn. Chính phủ, các bộ, các sở, các cơ quan nhà nước thuộc loại hình tổ chức này.
Đồng thời, ở Việt Nam, danh xưng “người đứng đầu” còn được dùng khá phổ biến trong đời sống xã hội và cả trong một số văn kiện, văn bản chính thức, để chỉ người có thẩm quyền, vị trí, trách nhiệm, tính đại diện… rõ hơn các thành viên khác trong tập thể. Với quan niệm ít nhiều “nôm na” như vậy, xã hội dường như mặc nhiên thừa nhận rằng mọi tổ chức chính trị-xã hội, kinh tế, văn hóa, dân sự… đều có “người đứng đầu”, dù rằng tư cách đó không hề được thừa nhận, xác lập bằng luật pháp nhà nước hay điều lệ của tổ chức. Ví dụ, trong mọi tổ chức làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số như Quốc hội, hội đồng nhân dân, các tổ chức đảng, mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội đoàn… về nguyên tắc không có người đứng đầu đúng nghĩa như phân tích ở trên, nhưng vẫn có một chức danh (chủ tịch, bí thư, tổng thư ký…), tuy không có quyền hạn cao hơn theo quy định chính thức, nhưng trên thực tế lại có vị thế lớn hơn các thành viên còn lại trong tập thể. Có thể coi họ là “những người đứng đầu không đầy đủ”. Họ không có và không thể có thẩm quyền và trách nhiệm tương tự như đối với người đứng đầu đúng nghĩa. Trong thực tế, một số “người đứng đầu không đầy đủ” lại hoạt động và hành xử hoàn toàn như người đứng đầu đúng nghĩa là vô tình hoặc cố ý vượt quá thẩm quyền do luật pháp, điều lệ quy định. Tệ hơn, không thể đòi hỏi trách nhiệm pháp lý ở họ.
3. Một số điểm cần thống nhất về vai trò người đứng đầu trong công tác cán bộ
Cần định rõ những loại hình tổ chức, cơ quan, đơn vị nào thực hiện chế độ một người đứng đầu, nội dung chế độ đó là gì, quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu thế nào… Đây không phải là vấn đề gì mới lạ. Nhưng do còn lúng túng trong nhận thức, quy chế hóa, cụ thể hóa mối quan hệ về quyền hạn và trách nhiệm pháp lý giữa chế độ một người đứng đầu và chế độ lãnh đạo tập thể, giữa cá nhân người đứng đầu và tổ chức đảng ở đó… nên còn nhiều nội dung thiếu rành mạch, thiếu nhất quán, “nước đôi”, mập mờ, khiến cho hình thành ở đó một chế độ “hỗn hợp”, không hẳn là một người đứng đầu, cũng không hẳn là tập thể lãnh đạo. Đó là điều phải khắc phục.
Quyền hạn, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cán bộ cần được xác định cụ thể, rõ ràng, nhất quán bằng luật pháp, điều lệ phù hợp với tính chất của tổ chức, phải được kiểm tra giám sát bằng luật pháp, tổ chức, công luận. Quyền được giao đến đâu thì phải chịu trách nhiệm pháp lý đến đó. Chủ thể có thẩm quyền phải được thực thi đầy đủ quyền pháp định và chịu trách nhiệm pháp lý đầy đủ. Kiên quyết và dứt khoát loại bỏ tình trạng giao quyền mà không đòi hỏi trách nhiệm pháp lý hoặc quyền được giao nhưng chỉ là quyền trên hình thức. Việc này cần thực hiện trước hết trong các tổ chức, các cơ quan nhà nước.
Đối với các loại hình tổ chức, cơ quan, đơn vị không thực hiện chế độ một người đứng đầu, tuy còn những điều cần bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh về thẩm quyền và trách nhiệm pháp lý của “người đứng đầu không đầy đủ”, nhưng yêu cầu trước hết là họ và các chủ thể khác trong tổ chức loại này thực hiện đúng thẩm quyền và trách nhiệm trong phạm vi đã quy định theo luật, điều lệ, quy chế một cách đầy đủ và đúng mức.
Cần công khai rộng rãi các quy định nói trên, đảm bảo cho mỗi thành viên, cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên trong tổ chức, cơ quan, mỗi người bình thường có liên quan đều có thể tiếp cận đầy đủ và giám sát việc thực hiện. Tạo các điều kiện pháp lý và tinh thần để các phương tiện thông tin đại chúng và công luận có thể chủ động tham gia giám sát. Các chủ thể tham gia khi cần thiết có thể đưa ra các tòa án hành chính để được phân xử các tranh chấp.
---------------
(1) Sau này có một số điều chỉnh, không lập ban cán sự đảng ở cấp thấp. (2) Người đọc quan tâm có thể tham khảo các quy chế, quy định về quản lý cán bộ đã ban hành. (3) ở đây không đề cập đến chế độ một người đứng đầu trong Quân đội. Tuy cùng tên gọi và có một số điểm chung, nhưng đó là hai khái niệm khác nhau.
Bùi Đức Lại
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng