Cách đây 5 năm, đầu xuân Đinh Hợi vào ngày thành lập Đảng, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ngay từ những ngày đầu, Cuộc vận động đã nhận được sự hưởng ứng sôi nổi, nhiệt tình của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Qua mỗi năm, nội dung học tập và các hình thức tổ chức hoạt động tập thể nối tiếp nhau được tổ chức, tạo nên những phong trào có dấu ấn sâu đậm trong dư luận xã hội, mang lại những kết quả bước đầu đầy ấn tượng, đặc biệt là về nhận thức, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.
Qua thực hiện Cuộc vận động, nhận thức chung trong xã hội về sự cần thiết phải học tập, rèn luyện đạo đức theo tư tưởng, tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng đầy đủ và đúng đắn hơn. Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường đầy biến động, tác động đến lối sống của mỗi người, mỗi gia đình và xã hội, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn lời dạy của Bác “đạo đức không phải là cái gì từ trên trời rơi xuống, nó do rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà có, giống như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Với cán bộ, đảng viên, những người đã tuyên thệ dưới cờ Đảng, nguyện phấn đấu hy sinh vì lý tưởng của Đảng của dân tộc qua cuộc vận động thêm một lần được ôn lại lời dạy của Bác: “Làm cách mạng là công việc to tát. Người cách mạng phải có đạo đức. Nếu không có đạo đức, tự mình tham ô, hủ hóa thì làm nổi việc gì”. Với Đảng, với những người cộng sản chân chính đã có nhiều đóng góp cho cách mạng, từng trải qua những chặng đường đầy gian lao, thử thách, bao “uy vũ không khuất phục”, có dịp để suy ngẫm thêm quan niệm Hồ Chí Minh về rèn luyện đạo đức suốt đời. Đó là: “Một Đảng, một dân tộc và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, được mọi người yêu mến, kính phục, không có nghĩa là hôm nay vẫn được mọi người tôn trọng, nếu như lòng dạ không trong sáng nữa, sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Tổng kết 4 năm triển khai Cuộc vận động, Ban Chỉ đạo Trung ương đã báo cáo những kết quả bước đầu quan trọng của Cuộc vận động với Đại hội lần thứ XI của Đảng. Đại hội đã đánh giá cao kết quả của Cuộc vận động, nhất là trong việc hình thành nhận thức mới về việc rèn luyện đạo đức và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, từ đó yêu cầu phải đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên quan trọng trong Đảng và xã hội. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, ngày 14-5-2011 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Chỉ thị 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nội dung việc học tập và làm theo lần này là tiếp tục những nội dung đã thực hiện trong Cuộc vận động, đồng thời có mở rộng và làm sâu sắc hơn, đặc biệt thêm điểm mới là học tập và làm theo phong cách của Bác.
Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là học tập tư tưởng đạo đức mang đậm những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, kết hợp với tư tưởng đạo đức tiên tiến nhất của thời đại, đạo đức cách mạng, đạo đức cộng sản. Đó là tư tưởng đạo đức vì con người, cho con người, vì nước vì dân, trung với nước, hiếu với dân, yêu thương, quý mến, kính trọng nhân dân. Tư tưởng đạo đức đó thể hiện một cách sống động trong tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, trong sáng, giản dị, thật sự khiêm tốn…, xuyên suốt cuộc đời của Người.
Nội dung học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung mới, có ý nghĩa thiết thực đối với mỗi chúng ta trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là trong thực hiện giải pháp đột phá cải cách hành chính. Phong cách là sự kết hợp giữa tư tưởng đạo đức, phương pháp và lối sống của mỗi người được thể hiện ra bên ngoài. Phong cách có liên quan chặt chẽ với đạo đức. Đạo đức được thể hiện qua phong cách, qua phong cách có thể đánh giá được tư tưởng đạo đức, nhân cách của một con người. Phong cách Hồ Chí Minh thể hiện tư tưởng đạo đức, nhân cách, phương pháp làm việc của Người, là một chỉnh thể, tạo thành một hệ thống với những thể hiện quan trọng nhất là phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt .v.v.
Phong cách tư duy Hồ Chí Minh là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo. Độc lập, tự chủ là sẵn sàng từ bỏ những cái cũ đã qua thực tiễn kiểm nghiệm là sai, những cái cũ lạc hậu, lỗi thời, những cái cũ đã đúng trước kia nhưng nay không còn phù hợp, để tìm tòi, đi tới những cái mới mang tính thời đại, trả lời được những câu hỏi mà cuộc sống đang đặt ra. Sự sáng tạo ở Hồ Chí Minh là luôn xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn để tìm tòi, phát triển lý luận, tìm ra cái mới phù hợp với quy luật khách quan của cách mạng Việt Nam, góp phần bổ sung, phát triển, làm phong phú thêm nhận thức về các quy luật phát triển chung của xã hội và thời đại. Tư duy đó luôn hướng tầm nhìn ra thế giới, không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, làm giàu trí tuệ của mình bằng những kiến thức rất phong phú, sâu rộng.
Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh bao gồm nhiều nội dung, chủ yếu là tác phong quần chúng, tác phong tập thể - dân chủ, tác phong khoa học.
Tác phong quần chúng được thể hiện qua niềm tin yêu và tôn trọng con người; sự sâu sát quần chúng, chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng; sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và sửa chữa khuyết điểm của mình. Tác phong tập thể - dân chủ Hồ Chí Minh là luôn luôn tạo ra không khí sôi nổi, hoạt bát, phấn khởi, hăng hái và đầy sáng tạo trong tập thể. Người chỉ ra những hệ lụy của làm việc không tập thể, không dân chủ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm cho "nội bộ của Đảng âm u", "uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản", cấp trên cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng xa rời cán bộ, đảng viên...
Tác phong khoa học Hồ Chí Minh tập trung ở những điểm chủ yếu như: làm việc đi sâu, đi sát cơ sở, có điều tra nghiên cứu, nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể... Biết sàng lọc những thông tin sai lệch, những báo cáo dối trá, những phương án thiếu trung thực. Biết sử dụng bộ máy, những người cộng sự, những cơ quan giúp việc. Thường xuyên đặt ra chương trình, kế hoạch sát hợp, thiết thực; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và quần chúng...
Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh là cách nói, cách viết trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với người nghe, người đọc. Người đặt ra bốn vấn đề khi nói và viết là: Nói, viết cái gì?; Nói, viết cho ai?; Nói, viết để làm gì?; Nói, viết như thế nào? Đây là những vấn đề có tính nguyên tắc, định hướng cho việc nói và viết của mỗi người, nhất là đối với người lãnh đạo. Mặc dù công việc rất bận nhưng Hồ Chí Minh đã viết hơn 2.000 bài báo với hơn 100 bút danh khác nhau. Đặc trưng cơ bản trong cách nói, cách viết của Hồ Chí Minh là: chân thực, ngắn gọn, rõ ràng, trong sáng, giản dị, dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề, không màu mè, lắt léo, quanh co... Người căn dặn phải chống các bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, sính dùng chữ nước ngoài, thậm chí không hiểu cũng dùng; chống “thói ba hoa”...
Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là sự ứng xử trên một bình diện văn hóa cao. Đối với nhân dân, bạn bè, đồng chí, anh em thì tự nhiên, bình dị, cởi mở, chân tình, vừa chủ động linh hoạt lại vừa ân cần, tế nhị, tự nhiên, làm cho bất cứ ai được gặp Người đều cảm thấy không khí chan hòa, ấm cúng, thoải mái, không e ngại, sợ sệt, không còn sự cách biệt giữa lãnh tụ và quần chúng, giữa vĩ nhân với bình dân. Trong quan hệ với mọi người Hồ Chí Minh luôn luôn thể hiện thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng, khiêm nhường, sự khoan dung, độ lượng với con người. Chính vì vậy mà sức cuốn hút, cảm hóa, cảm phục, ngưỡng mộ và thôi thúc mọi người hướng tới Người, hướng tới cái chân, thiện, mỹ trong cuộc sống, trong công tác, học tập, trong xây dựng và phát triển...
Phong cách sống, sinh hoạt Hồ Chí Minh có nhiều nét đã trở thành huyền thoại không những đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với cả thế giới. Đó là sự giản dị, thanh đạm, thanh cao trong sinh hoạt hằng ngày; là cách sống chừng mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, quý trọng thời gian, không ham muốn danh lợi riêng cho mình. Đó là tình thương yêu con người quyện với tình yêu thiên nhiên, tạo nên tinh thần lạc quan của người chiến sĩ, kết hợp chặt chẽ với những rung động say mê của một tâm hồn nghệ sĩ.
Phong cách Hồ Chí Minh là sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn của tư tưởng, đạo đức, phương pháp, nhân cách, lối sống Hồ Chí Minh, thể hiện một cách tự nhiên trong cuộc sống của Người, để Người trở thành sự toàn vẹn, với một cuộc sống trọn vẹn. Phong cách Hồ Chí Minh thể hiện cuộc đời của Người, không cần đến bất cứ sự trang sức nào. Người không phải cố ý sống khác đời để mọi người ca ngợi, mà phong cách của Người xuất phát từ một triết lý nhân sinh là lấy khiêm tốn, giản dị làm nền; lấy chừng mực đức độ làm chuẩn; lấy trong sạch thanh cao làm vui; lấy gắn bó với con người, với thiên nhiên làm niềm say mê vô tận.
Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, mỗi tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trên vị trí công tác. Trên cơ sở trung thành, kiên định với mục tiêu lý tưởng của Đảng, của cách mạng, lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong giai đoạn mới, góp phần tạo nên những động lực mới cho sự phát triển đất nước.
Học tập và làm theo phong cách làm việc Hồ Chí Minh, cần thực sự sâu sát quần chúng, tin yêu và tôn trọng quần chúng, chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và sửa chữa khuyết điểm của mình. Thực hiện và phát huy dân chủ, trước hết là dân chủ trong Đảng, trong tổ chức sinh hoạt đảng. Có tác phong làm việc khoa học, hiệu quả, hợp tác; có chương trình, kế hoạch sát hợp, thiết thực. Nói và viết dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với người nghe, người đọc; duy trì kỷ luật phát ngôn.
Học tập phong cách ứng xử Hồ Chí Minh, xây dựng cho mình cách ứng xử có văn hóa với nhân dân, bạn bè, đồng chí, anh em. Xuất phát từ thái độ yêu thương, quý mến con người, trân trọng con người, khoan dung, khiêm nhường, độ lượng với con người để có sự ứng xử tự nhiên, bình dị, cởi mở, chân tình với mọi người. Xây dựng thái độ ứng xử với tự nhiên, môi trường đúng đắn, trách nhiệm, cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng môi trường sinh thái trong sạch, bền vững.
Học tập phong cách sinh hoạt Hồ Chí Minh, xây dựng lối sống giản dị, thanh cao, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, quý trọng thời gian; tinh thần lạc quan, tự trọng và tôn trọng cộng đồng, xã hội.
Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh để mỗi chúng ta tự phấn đấu, vươn lên, tự làm cho mình trở lên tốt đẹp, hoàn thiện hơn, làm việc có hiệu quả hơn.
Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh những năm qua mang lại cho chúng ta một nhận thức mới, giản dị nhưng rất quan trọng là học tập và làm theo Bác là công việc của mỗi người và mọi người.
Với mỗi người, khi trăn trở, vật lộn với cuộc sống làm cho chúng ta đôi khi sao lãng việc rèn luyện đạo đức. Với toàn xã hội, sự tập trung quá mức vào các mục tiêu kinh tế, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng để khắc phục nguy cơ tụt hậu, đuổi kịp các nước trong khu vực…, với bối cảnh kinh tế thị trường như một cơn lốc ập đến, tình trạng lệch chuẩn, loạn chuẩn trong xã hội ngày càng gia tăng. Tình trạng xem thường, không đánh giá đúng, hoặc không coi trọng vấn đề giáo dục đạo đức, chạy theo lối sống thực dụng, vị tiền… đã dẫn đến những trả giá…
Và Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hơn bốn năm qua đã góp phần mang đến sự thay đổi trong nhận thức, dù không phải là mới, được nhiều người chấp nhận: học tập và rèn luyện về đạo đức trước hết là của mỗi người, vì chính mình và phải luôn nêu gương về đạo đức. Sự trả giá nào đó trong những cuộc đời, gia đình và xã hội làm cơ sở để mọi người càng thấy rõ hơn “tính di truyền xã hội” của đạo đức, ý nghĩa và trách nhiệm trong sự nêu gương. Bác Hồ dạy, ông bà nêu gương cho con cháu, cha mẹ nêu gương cho con, anh chị nêu gương cho em, đảng viên nêu gương cho quần chúng. Đó là sự khẳng định về một nguyên tắc thực hành đạo đức, đồng thời xác định rõ trách nhiệm tự mình rèn luyện đạo đức của mỗi người.
Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh sự cố gắng tự thân của mỗi người, rất cần sự hỗ trợ, nâng đỡ của tập thể để mỗi người tự vươn lên cùng tập thể. Đứng trước những bão táp, mưa sa của cuộc sống vận động với tốc độ của âm thanh, ánh sáng thời công nghệ số, mỗi người đều cần đến một chỗ dựa từ tập thể. Việc đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt thường xuyên của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị là một biện pháp quan trọng.
Duy trì sinh hoạt thường xuyên, trong sinh hoạt định kỳ có nội dung trao đổi, thảo luận về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong tập thể, phát hiện những vấn đề nảy sinh về đạo đức, lối sống để chấn chỉnh, phát hiện những việc tốt, người tốt, nêu gương những điển hình tiên tiến để học tập và noi theo... Hàng năm có tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá, chú trọng công tác thi đua khen thưởng, động viên, khuyến khích kịp thời để các điển hình tiên tiến ngày càng nhiều thêm, nảy nở như hoa mùa xuân. Tổ chức đảng, chính quyền cấp trên chú trọng công tác kiểm tra, giúp cơ sở thực hiện đúng định hướng và có hiệu quả thiết thực.
Trong thực hiện Chỉ thị lần này cần chú trọng hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, đặc biệt trong các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Bác Hồ đã dạy “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ”. Điều ấy đang được thể hiện trong mục tiêu “dạy chữ, dạy người, dạy nghề” của ngành giáo dục. Dạy chữ luôn luôn là quan trọng hàng đầu. Nhưng trong điều kiện cách mạng công nghệ và “thời của Internet”, không thể và không cần đưa hết tri thức của nhân loại hiện có vào các chương trình đào tạo, đặc biệt là trong các trường phổ thông. Một số môn học có thể được giảm tải, tích hợp, chuyển thành môn tự chọn theo các định hướng nhất định..., để dành thời gian cho dạy người và dạy nghề.
Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng các chương trình giáo dục đạo đức theo tư tưởng, tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các cấp học, bậc học. Thực hiện “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” nêu trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đưa nội dung giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh vào chính khóa là thực hiện lời dạy của Người, đó là “giáo dục thế hệ trẻ, đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”.
Bước vào năm mới, vào thời kỳ phát triển mới của đất nước, của dân tộc, mỗi người trong chúng ta hãy tự mình học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, học tập và làm theo Bác cho “lòng ta trong sáng hơn”./.
PGS.TS Ngô Văn Thạo (Tạp chí Tuyên giáo)