Học tập và làm theo Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh:
Người đưa đò tận tụy

10:12, 12/12/2011
.

(QNg)- Ông bảo: "Những việc làm của mình là chuyện ai cũng làm được, có gì to tát lắm đâu". Nhưng lao mình giữa dòng nước chảy xiết để cứu sống bốn con người trong cơn lũ dữ thì đó là chuyện chẳng "nhỏ" chút nào. Ông là Phạm Văn Lơ (70 tuổi, ở xã Ba Cung, huyện Ba Tơ).

TIN LIÊN QUAN


Sau lần đó, ông Lơ đã được khen thưởng là tấm gương tiêu biểu trong Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Tỉnh ủy Quảng Ngãi trao tặng năm 2010.

CỨU NGƯỜI TRONG LŨ DỮ


Đến bây giờ, đã hơn một năm sau cái buổi chiều kinh hoàng ấy, ông Phạm Văn Đeo (50 tuổi, ở thị trấn Ba Tơ) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghĩ về chuyện đã xảy ra. Ông Đeo kể: "Chiều 23/10/2010, nhóm tôi có năm anh em đi dọc sông Liên để bắt cá đang theo con nước về nhiều. Bất chợt lũ đến bất ngờ, chúng tôi trở tay không kịp nên bị lũ cuốn trôi. Một người biết bơi nên may mắn thoát được. Còn lại bốn người, trong đó có tui. Vùng vẫy mãi mà vẫn không thoát được những xoáy nước đục ngầu, dữ tợn, ai cũng nghĩ "thế là hết". Trong cơn tuyệt vọng, bỗng chúng tôi thấy một chiếc ghe nhỏ xuất hiện. Rồi người đàn ông kéo chúng tôi lên ghe. Nhìn ông vững tay chèo, cắt lũ men theo luồng lạch đưa chúng tôi về bến an toàn, tôi mới biết mình vẫn còn sống. Bước lên bờ, không kịp biết tên "vị cứu tinh" kia, chúng tôi chạy một mạch về nhà...". Khi tĩnh tâm lại, ông Đeo mới biết người cứu mình là ông Lơ.

Ông Phạm Văn Lơ.
Ông Phạm Văn Lơ.


Ông Lơ đã ngoài 70 tuổi, thân hình không cao lớn, nhưng nhìn khuôn mặt phúc hậu của ông dễ khiến người đối diện có cảm giác ông là chỗ dựa vững chắc cho mọi người. Trò chuyện với chúng tôi, ông bảo mình "đã quên" chuyện cứu người thuở nào rồi. Nhưng qua ánh mắt của ông tôi biết, ông không thể quên được buổi chiều ấy. Bởi đó là khoảnh khắc ông đã đánh cược mạng sống của mình để cứu bốn mạng người. Ông Lơ hồi tưởng: "Khi đó, mình đang ở phía bên kia sông thì nghe tiếng kêu. Những cánh tay chới với, tuyệt vọng đang đưa cao vẫy cứu. Mình đẩy ghe xuống dòng sông Liên rồi cố gắng chèo đến chỗ người bị nạn. Nước lúc đó chảy xiết, trong lòng lo lắm nhưng thấy người bị nạn, nếu không ra cứu thì cả đời này cái bụng của mình không thể yên được. Chiếc ghe nhỏ của mình lọt thỏm giữa dòng nước dữ, có lúc xoay tròn mất hướng. Nhưng thật may mắn, mình đã cứu được bốn người bị nạn".

Sau này, ông Lơ mới biết bốn người được ông cứu là Phạm Văn Đeo (SN 1961), Phạm Văn Sơn (SN 1974), Phạm Văn Trim (SN 1968) và Phạm Văn Lái (SN 1968).

NGƯỜI ĐƯA ĐÒ TẬN TỤY


Xã Ba Cung bị chia đôi bởi dòng sông Liên. Vậy nên, cứ mỗi mùa lũ về, trên 100 hộ dân của 2 thôn Con Cua và Đồng Dâu lại bị cô lập. Do đó, nếu chẳng may người trong thôn có chuyện gì thì cũng đành "nhìn nước cuốn trôi". Nhưng gần 25 năm qua, nhờ những chuyến đò của ông Lơ, nhiều người dân nơi đây đã thoát được "tử thần". Bà Phạm Thị Phu sinh con lúc một giờ sáng cũng chạy đến ông Lơ. Bà Phạm Thị Phí nửa đêm đau ruột thừa cũng gọi ông.  
Nhưng có lẽ biết ơn ông nhiều nhất vẫn là lứa học trò bậc tiểu học. Cô giáo Cao Thị Thanh Châm - Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Ba Cung, cho biết: "Mỗi năm học, có 30 em học sinh, nhóm lớp 1 đến lớp 5 từ các thôn vượt sông tìm chữ. Mùa cạn, các em lội sông đến trường. Lũ về, ông Lơ tự nguyện đưa các em qua sông". Em Phạm Tô Linh, học lớp 5 nói với tôi về ông Lơ bằng những xúc cảm thân thương rằng: "Từ năm lớp 1, cứ mỗi mùa lũ về, ông lại chở con qua sông để đến trường. Đã 5 năm ngồi ghe, nhưng con không sợ, bởi ông rất vững tay chèo".

25 năm qua, có đến gần cả ngàn em học sinh đã từng ngồi trên con đò của ông Lơ để đến trường. Có thể nhiều người trong số đó không còn nhớ con đò tròng trành của ông Lơ mỗi mùa lũ về. Ông Lơ tâm sự: "Nhìn những lứa học sinh ngồi trên con đò hàng ngày do chính mình chèo đưa qua sông đi học mỗi năm lại lên một lớp, lên trường huyện, tỉnh rồi học cao hơn nữa để về giúp ích cho đồng bào Hrê no cái bụng, biết cái chữ, đuổi được cái đói, cái nghèo, con bệnh ra khỏi buôn làng là mình hạnh phúc lắm rồi".

"Ông Lơ chèo đò tự nguyện, không công đấy. Để khuyến khích ông giúp đỡ bà con và các cháu học sinh, chúng tôi hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng/năm để ông sửa chữa ghe mà thôi. Ở xã Ba Cung này, bà con chỉ tín nhiệm mình ông Lơ"- Chủ tịch UBND xã Ba Cung Phan Trung Tân cho biết.

Trong câu chuyện của mình, ông Lơ vẫn luôn tự hào mình là người lính Cụ Hồ. Ông Lơ bảo: "Ngày trước, khi được vào bộ đội, theo Đảng, theo Bác Hồ chiến đấu bảo vệ quê hương Ba Tơ khỏi bị giặc chiếm đóng, mình đã xem Bác Hồ là tấm gương cần phải noi theo và học tập suốt đời". Ông Lơ quả quyết: "Mình học ở Bác đức hy sinh vì mọi người". Có lẽ với suy nghĩ như vậy, ông Lơ đã dành cả cuộc đời của mình giúp đỡ bà con trên quê hương ông...


Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU


.