Làm theo Bác ở muôn nơi - Kỳ 3: "Dòng suối mát" giữa đại ngàn

07:11, 27/11/2011
.

(QNg)- Ở tuổi 90, cái tuổi xưa nay hiếm, cụ Phạm Đức Trinh vẫn thong dong, chậm rãi đến từng thôn để làm dịu những điểm nóng, để động viên, chỉ bảo đồng bào H’rê quê ông cách làm ăn. Nơi nào cần là cụ Trinh có. Ông được ví như "dòng suối mát" giữa đại ngàn.
 


Cụ Phạm Đức Trinh
Cụ Phạm Đức Trinh
Vẫn như dòng suối Lệ Trinh, xã Ba Chùa (Ba Tơ) quê ông quanh năm nước chảy, cụ Trinh vẫn cần mẫn làm những việc ích nước, lợi dân. Với cụ Trinh, không phải từ khi có cuộc vận động ông mới làm theo Bác, mà chuyện làm theo, ông đã thực hiện cách đây hàng nửa... thế kỷ. Trong gian phòng treo đầy Huân Huy chương, các loại bằng khen, giấy khen của nhiều cấp, nhiều ngành, cụ Trinh kể, hình ảnh Bác Hồ lo lắng, ân cần hỏi han các cháu đồng bào dân tộc miền Nam Trường Dân tộc ở Gia Lâm (Hà Nội) trong một lần hiếm hoi mà ông vinh dự được gặp Bác Hồ làm ông nhớ mãi cho đến tận bây giờ, dù chuyện xảy ra đã 56 năm. Ấn tượng với tấm lòng bao la của Bác, ông tự nhủ phải học nhiều ở Bác, phải biết yêu thương đồng bào, gần gũi với dân. Nghĩ thế nên suốt quãng đường theo cách mạng, rồi 30 năm về làm "dân vạn đại", cái lý của cụ già người H’rê này rất rõ, "cái nào có lợi cho dân thì làm, cái nào không lợi thì bỏ".

Hết tuổi làm việc Nhà nước, cụ Trinh về quê. Quê ông, thôn Lệ Trinh, những năm đầu thập niên 80 nghèo xơ xác. "Người dân mình khi ấy một bộ phận thì trông chờ ỷ lại Nhà nước, một bộ phận khác chỉ biết phá rừng làm rẫy, rừng theo năm tháng mất đi còn dân nghèo thì cứ nghèo. Phải làm cho dân thay đổi tập tục sản xuất, thay nếp nghĩ ỷ lại cấp trên", cụ Trinh nhớ lại. Rồi ông đến từng nhà vận động bà con "phải làm ăn theo kiểu mới". Một việc làm hơn ngàn lời nói, ông xắn tay ra đồng làm ruộng, dắt trâu đi cày, nơi nào thiếu nước thì trồng thơm, trồng mì. Thấy ông già ngoài 60 từng là chủ tịch huyện mà còn ra đồng cày cấy, rồi lên núi trồng thơm, trồng chuối, đồng bào H’rê ở Lệ Trinh cứ thế làm theo. Nhiều người chịu khó làm ăn không chỉ lo no cái bụng mà còn có của ăn, của để.

Ở những năm 90, thôn Lệ Trinh từ một vùng nghèo đã trở thành vựa thơm, vựa chuối của cả huyện. Đến mùa thu hoạch, đồng bào hớn hở dắt díu từng đoàn gùi thơm, chuối xuống chợ huyện bán cho người dưới xuôi. Cuộc sống nhờ đó mà khấm khá lên. Những người chí thú làm ăn như Phạm Văn Chênh, Phạm Thị Lệ, Phạm Văn Long... trở nên dư dả. Con cái lớn lên dựng vợ gả chồng còn được họ chia tài sản, gầy vốn làm ăn. "Họ làm hay đến mức còn được huyện đưa đi báo cáo điển hình nông dân sản xuất giỏi cơ đấy"-cụ Trinh cười. Ông Phạm Văn Chênh, tuổi ngoài 60, nói về cụ Trinh đầy hàm ơn: "Không có ông ấy chỉ bảo có lẽ gia đình tui chẳng được như bây giờ. Mà không riêng gì tui, dân làng này ai cũng biết ơn cụ Trinh cả".

Thấy ông bảo ban, làm những việc có lợi cho dân nên lời nói của ông có sức hiệu triệu mạnh mẽ đối với bà con trong xã. Không chỉ là người cầm tay chỉ việc cho bà con cách làm ăn, mà ông còn là ngọn cờ đầu trong việc đẩy lùi tệ cầm đồ thuốc độc.
 
Ông "làm mát" những việc tranh chấp đất đai, hòa giải mối bất hòa trong cuộc sống của nhiều gia đình, đặc biệt là đẩy bọn truyền đạo trái phép "mon men" muốn "len" vào xã ra khỏi thôn, xã. "Nơi nào có điểm nóng là mình đến nói chuyện, chỉ cần một hũ rượu cà rỏ thôi, gọi hết bà con lũ làng đến quây quần nói chuyện. Tui lấy Bác Hồ làm hình tượng. Kể nhiều chuyện về Bác Hồ, rồi bản thân mình làm chứng, khuyên bà con dân làng phải làm theo Bác, theo Đảng, chỉ làm việc tốt, đoàn kết, chăm lo làm ăn chứ đừng làm những điều xằng bậy. Thế là bà con nghe mình"-ông nói nhẹ tênh. Mà thật, ở đâu chứ thôn Lệ Trinh, rồi ở cả xã Ba Chùa, tệ cầm đồ thuốc độc vốn "ăn sâu" trong đời sống của đồng bào đã được đẩy lùi từ nhiều năm nay. Thôn, xã chẳng một ai theo đạo cả. Đồng bào Lệ Trinh đùm bọc, đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

.