Hội nghị biểu dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Sơn Tây

01:10, 19/10/2011
.

(QNĐT)- Sáng ngày 19/10, tại huyện Sơn Tây đã diễn ra Hội nghị biểu dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của huyện. Đồng chí Võ Văn Thưởng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Trong diễn văn khai mạc hội nghị, đồng chí Phạm Tấn Hoàng- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây đã nhiệt liệt biểu dương 112 già làng, đại diện cho hơn 18 ngàn đồng bào các dân thiểu số trong huyện đã đến dự hội nghị.
 
  Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng trao đổi với các "già làng". Ảnh: T.Đ
Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng trao đổi với các "già làng". Ảnh: T.Đ

Sơn Tây là huyện miền núi, nơi cộng đồng người Ca Dong sinh sống lâu đời, đây cũng là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Kể từ sau ngày chia huyện đến nay, huyện Sơn Tây đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, các mục tiêu kinh tế- xã hội đều đạt và vượt chỉ tiêu, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Trên các lĩnh vực văn hóa,  y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng và trật tự xã hội đều đảm bảo.

Để có được những thành quả đó, vai trò của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư là rất quan trọng. Chính họ đã đóng góp một phần không nhỏ để tạo ra sự chuyển biến nói trên.

Đọc báo cáo kết quả 3 năm thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng chí Lê Văn Tùng- Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, một lần nữa nhấn mạnh đến vai trò của các già làng trong việc góp phần làm thay đổi mọi mặt trong đời sống xã hội của đồng bào Ca Dong ở huyện Sơn Tây trong những năm qua.

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nếu số diện tích lúa rẫy giảm được 469 hecta thì diện tích lúa nước tăng thêm 478 hecta, góp phần giải quyết vấn đề lương thực tại chỗ một cách căn bản.

Nhiều già làng có uy tín ở các khu dân cư đã thành những hạt nhân trong việc khai hoang canh tác lúa nước, hạn chế đốt rẫy làm nương, tăng diện tích trồng rừng. Họ cũng chính là những tấm gương trong việc gây dựng những mô hình tiêu biểu trong việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, góp phần đáng kể trong công cuộc xóa đói giảm nghèo trong huyện.

Trên lĩnh vực y tế, giáo dục, các già làng cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc vận động trẻ em đến trường, xóa dần các hủ tục trong việc chữa bệnh.

Nếu như năm 1994, toàn huyện có đến 92,8% số người trong độ tuổi từ 15-35 còn mù chữ thì đến nay, huyện Sơn Tây đã hoàn thành công tác phổ cập trung học cơ sở, đây là một nỗ lực phi thường mà nếu không có sự trợ giúp tích cực của các già làng có uy tín thì cũng khó mà thực hiện được.

Trên lĩnh vực an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, Sơn Tây là một trong những huyện miền núi đã có nhiều phức tạp, nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc, việc truyền đạo trái phép, nạn rượu chè bỏ bê sản xuất vẫn xuất hiện thường xuyên tại các khu dân cư. Tuy nhiên, nhờ cuộc vận động toàn dân đoàn kết, trong đó vai trò của già làng chiếm một vị trí quan trọng nên tình hình an ninh trật tự cũng như công tác quốc phòng ở Sơn Tây được ổn định.

Hội nghị cũng đã nghe 8 tham luận tiêu biểu của 8 "già làng" có uy tín nhất tại các khu dân cư. Các tham luận này thật sự là những kinh nghiệm quý báu cho hội nghị này.

Ông Đinh Văn Veo xã Sơn Tinh chia sẻ kinh nghiệm về công tác vận động nhân dân phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội; ông Đinh Văn Ân, ở khu dân cư số 6, thôn Mang Tà Bể xã Sơn Bua nói về kinh nghiệm "vượt khó" của mình trong việc cho con đi học đồng thời vận động bà con trong làng cũng cho con em đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học dẫn đến tảo hôn. Ông Ân là bố của 5 người con, và cả 5 đều học hành tốt, có người đã là giáo viên.

Ông Đinh Văn Ngăn, thôn Mang Rể xã Sơn Lập báo cáo về kinh nghiệm vận động nhân dân phát triển sản xuất và chăn nuôi; bà Đinh Thị Vui đề cập đến việc vận động nhân dân thực hiện chính sách của nhà nước về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án Thủy điện Đakrinh. Đây là công trình lớn, công tác đền bù phức tạp nhưng bà Vui có cách vận động để người dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc triển khai công trình này.

Mỗi báo cáo tham luận của từng già làng là một bài học bổ ích cho tất cả mọi người, vì chính họ đã phải trả giá bằng công sức, trí tuệ của mình trong nhiều chục năm mới có được những kinh nghiệm quý báu đó. Chính những hạt nhân này đã trở thành "linh hồn" của các bản làng vùng cao trong công cuộc xua đuổi bóng đêm đói nghèo và lạc hậu.

Phát biểu với hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ lòng ngưỡng mộ và sự biết ơn đối với những cống hiến rất có ý nghĩa của các già làng tiêu biểu. Đồng chí cũng biểu dương những nỗ lực vượt khó của các già làng để trở thành những người có uy tín nhất, góp phần to lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của huyện Sơn Tây.

Cứ 3 năm, hội nghị "già làng" lại được tổ chức một lần. Đây không chỉ là dịp để các cấp chính quyền biểu dương những đóng góp của họ cho cộng đồng mà còn là nơi để mọi người có thể học tập được nhiều kinh nghiệm từ chính bản thân những "già làng" rất tiêu biểu và khả kính này.

TRẦN ĐĂNG

.