Khởi nghĩa Trà Bồng khơi thông dòng thác cách mạng miền Nam

09:08, 27/08/2011
.

(QNĐT) - Ngày 28/8/1959, quân và dân Trà Bồng đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Cuộc khởi nghĩa này đã mở đầu phong trào đấu tranh vũ trang của nhân dân miền Nam, khơi thông dòng thác cách mạng miền Nam trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, trở thành niềm tự hào của nhân dân Quảng Ngãi và cả nước.

*Khơi thông dòng thác cách mạng Miền Nam

Từ năm 1955, với mục đích truy tìm và tiêu diệt những người tham gia hoặc liên quan đến Việt Minh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chính quyền Ngô Đình Diệm đã triển khai chiến  dịch “Tố cộng diệt cộng”. Sang thời Đệ nhất Cộng hòa, chính sách này được thực hiện thông qua Luật “10/59”, một đạo luật "trị an", nhằm trừng trị các hành động phá hoại an ninh quốc gia, tính mạng và tài sản của nhân dân, và quy định việc thiết lập các phiên tòa quân sự đặc biệt.

Trong công chúng, chính phủ cho truyền những khẩu hiệu "diệt cán trừ cộng" hoặc "dĩ dân diệt cán" để khuyến khích người dân tố giác người cộng sản nằm vùng, tăng mức hình phạt cho những ai liên hệ đến chủ nghĩa cộng sản và mở những tòa án quân sự lưu động để xét xử bị cáo.

Những năm tháng ấy, chúng lê máy chém đi khắp nơi, với khẩu hiệu “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”, đã có hàng chục nghìn người bị bắt giam, các cơ sở cách mạng ở Miền Nam bị địch dìm trong biển máu. Các cơ sở cách mạng bị địch phá hoại làm cho một số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hoang mang, dao động… Có thể nói, đây là thời kỳ khó khăn nhất của phong trào cách mạng ở miền Nam từ sau Hiệp định Giơnevơ.

Ở 4 huyện miền Tây Quảng Ngãi, địch đã lập chính quyền chính quyền tay sai cấp huyện, quận và bắt đầu xây dựng chính quyền cấp xã, ráo riết thực hiện chính sách “tố cộng diệt cộng”, “Luật 10/59”. Mặc dù vậy, cơ sở cách mạng ở đây vẫn được bảo toàn.
 
Quân và dân Trà Bồng trong ngày kỉ niệm 50 năm khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi.
Quân và dân Trà Bồng trong ngày kỉ niệm 50 năm khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi.

Trong bối cảnh ấy, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã biết dựa vào quần chúng, tin quần chúng và tập hợp lực lượng, triển khai dự trữ lượng thực, các nhu yếu phẩm cần thiết, rút thanh niên vào các trại sản xuất, kêu gọi nhân dân tự giác đứng vào hàng ngũ cách mạng. Đặc biệt là thành lập 3 đơn vị vũ trang 339, 89 và 339, sẵn sàng chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, áp bức, chờ thời cơ khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi.

Ngày 23/8/1959, đồng bào Kor các xã Trà Thuỷ, Trà Giang biểu tình tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội bù nhìn của chính quyền Ngô Đình Diệm. Địch khủng bố, giết hại dã man 13 dân thường, ngọn lửa căm thù càng sục sôi.

Già làng Hồ Văn Hoàng (94  tuổi) nhớ lại: Không chịu nổi áp bức của địch, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, sáng sớm ngày 28/8, từ già, trẻ, gái trai ở buôn làng cùng với các đội du kích  xông lên, người có súng dùng súng, có gươm dùng gươm, cùng với cung tên, dao rựa, gậy gộc... vây bắt địch. Núi rừng Trà Bồng vang dội tiếng trống, tiếng mõ, tù và xen lẫn tiếng súng của lực lượng thanh niên vũ trang xuống đường chống địch.

Đơn vị 339 cùng du kích và nhân dân chặn đánh địch ở nhiều nơi, tấn công trụ sở, dẹp bộ máy chính quyền bù nhìn, địch rút chạy. Tin Trà Bồng được giải phóng đã lan nhanh khắp các huyện miền núi của tỉnh. Cả miền Tây Quảng Ngãi nhất tề đứng lên giành chính quyền về tay cách mạng.
 
Từ ấy, Trà Bồng trở thành căn cứ địa vững chắc của Khu ủy 5 và Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Bất chấp sự càn quét khủng bố của địch, người dân Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi vẫn kiên cường, một lòng một dạ sắc son theo Đảng, Bác Hồ. Sau khi Bác mất, người Kor Trà Bồng tự nguyện mang họ Hồ của Bác.

Sau cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, nhân dân các dân tộc ở Kon Tum, Đắc Lắc nổi dậy diệt ác, giành quyền. Khí thế của quần chúng cách mạng đang nhen nhóm lại được thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng cổ vũ, quân và dân ở các tỉnh Nam Trung Bộ đã nổi dậy đánh bại cuộc càn quét của địch. Cuộc khởi nghĩa này đã mở đầu phong trào đấu tranh vũ trang của nhân dân miền Nam, đã khơi thông dòng thác cách mạng miền Nam trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Quảng Ngãi và cả nước.

*Trà Bồng ngày mới

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, giờ đây ngọn lửa của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi vẫn còn sáng mãi. Người Cor Trà Bồng luôn tự hào được mang họ Bác, một lòng một da sắc son với Đảng, Bác Hồ, chung tay xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

5 năm trở lại đây, cùng biết bao đổi thay của quê hương đất nước, Trà Bồng cũng rạng rỡ hơn, sáng sủa hơn với nhưng con đường thênh thang, rộng rãi… Đặc biệt đồng bào đã bỏ hẳn cuộc sống du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy để sống tập trung và đầu tư phát triển kinh tế, khai thác tốt nhất tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Trà Bồng đã phát huy thế mạnh về lâm nghiệp, ưu tiên trồng keo lá tràm và quế, đẩy mạnh trồng cây công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi gia súc gia cầm.

5 năm qua, tổng giá trị sản xuất ước đạt 1.407,13 tỷ đồng, tăng 98,3% so với giai đoạn 2000-2005; đã khai hoang được hơn 1.000 ha ruộng bậc thang, nâng diện tích lúa nước của huyện lên 1.746 ha, năng suất lúa đạt 37 tấn/ha. Thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể, năm 2010 đạt 5,5 triệu đồng.

Nhờ chương trình 134, 135, 30a mà cơ sở hạ tầng, giao thông được đầu tư xây dựng khang trang, đường nhựa thông suốt từ huyện về đến xã. Tuyến đường Sông Trường – Trà Bồng – Bình Long là trục ngang nối liền Cảng Dung Quất với các huyện miền núi phía Bắc của tỉnh và liên thông với đường Hồ Chí Minh. Đây là tuyến đường chiến lược, tạo động lực to lớn trong việc thu hút đầu tư, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, đảm bảo lưu thông hàng hoá, phát triển thương mại, phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân huyện Trà Bồng.
 
Ngoài việc bảo tồn và phát huy một số di sản văn hoá dân tộc Kor, người  Kor Trà Bồng mong ước đài tưởng niệm Bác Hồ được đặt trên mãnh đất này.
Ngoài việc bảo tồn và phát huy một số di sản văn hoá dân tộc Kor, người Kor Trà Bồng mong ước đài tưởng niệm Bác Hồ được đặt trên mãnh đất này.

Giờ đây, đoạn đường qua thị trấn Trà Xuân đang được khởi công xây dựng. Con đường có chiều dài 3.200m, được thiết kế theo tiêu chuẩn đô thị, có hệ thống chiếu sáng, thoát nước, cây xanh… tạo ra một diện mạo mới, khang trang hơn, xứng tầm vùng đất Trà Bồng quật khởi.

Điện lưới quốc gia ngày càng được mở rộng. Hiện 98% hộ dân được sử dụng điện thắp sáng. Ngoài thủy điện Cà Đú, nhà máy thủy điện Hà Nang đã đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của huyện Trà Bồng cũng như các địa phương trong tỉnh.

Đời sống tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Cùng với các trung tâm sinh hoạt cộng đồng, Trung tâm văn hóa huyện vừa hoàn thành, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Ở Trà Bồng, việc bảo tồn và phát huy vốn văn hoá văn nghệ của dân tộc Kor được cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm. Ông Cao Tấn Xuân - Phó Phòng VHTT huyện cho biết: Ngoài việc bảo tồn và phát huy một số di sản văn hoá dân tộc Kor, người Kor Trà Bồng mong ước được gặp Bác Hồ khi Người còn sống và được viếng lăng khi Người đi xa.  Để đáp ứng nguyện vọng của đồng bào, huyện đã lập dự án và tỉnh cũng đã thống nhất cho xây dựng Đài tưởng niệm Bác Hồ, chờ ý kiến của Bộ Chính trị, đặt tại đồi Đá, giáp ranh giữa thị trấn Trà Xuân và xã Trà Sơn.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với ý chí, nghị lực, lòng son, dạ sắt của đất quế anh hùng quật khởi, người Kor Trà Bồng sẽ nhanh chóng chiến thắng đói nghèo, vươn lên xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

Ái Kiều
 

.