(QNg)- "Tuổi cao, sức yếu, đóng góp cho dân làng được gì thì cứ làm, bởi tâm huyết, lòng nhiệt thành của chúng tôi là không bao giờ tắt" - già làng Song Lâm Biên (Tổ dân phố Hàng Gòn - thị trấn Di Lăng, Sơn Hà) - một trong 26 người tiêu biểu, uy tín, xuất sắc trong đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh nói với tôi.
Để về được KDC Tang Via, thôn Huy Măng, xã Sơn Dung (Sơn Tây) vào những ngày cuối đông, chúng tôi phải vất vả lắm mới "lội" qua được một số "đoạn đường đau khổ" ngang qua huyện Sơn Hà. Nói là đường cho oách chứ những tuyến đường này chẳng khác nào những cái "bẫy" được giăng sẵn, chỉ cần sơ sẩy là cả người và xe đều lộn nhào, "đắm" ngay bên đường do lớp bùn đỏ dày, dẻo quánh.
Đồng chí Phạm Thanh Nghìn (bên phải) - Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh thăm và tặng quà già làng tiêu biểu, uy tín Song Lâm Biên ở Sơn Hà. |
Khi đặt chân đến xã Sơn Dung, nhìn cả người và xe đều bị "nhuộm" một lớp bùn đỏ, tôi càng thấm thía được nỗi vất vả, khó khăn về "điệp khúc đường" của bà con nơi đây. Và có lẽ, cũng đồng cảm với sự gian khổ ấy, nên khi tôi hỏi thăm đường vào nhà của già làng Đinh Văn Đuối bà con đã niềm nở, vui vẻ đưa tôi đến tận nhà như đón chính những người thân đến thăm mình vậy.
Con đường vào nhà ông Đuối như ngắn lại bởi rất nhiều câu chuyện về ông được bà con "bật mí" như: Ông chính là "tuyên truyền viên" nhiệt tình nhất, thường xuyên đến từng nhà để vận động đàn ông, thanh niên trong thôn bản bớt uống rượu, là "trọng tài" công minh nhất để phân xử những vụ việc mất trộm vặt trong thôn, bản, hạn chế tình trạng nghi kỵ, làm mất tình làng nghĩa xóm.
Và ông cũng là "mạnh thường quân" của nhiều hộ gia đình khó khăn, khi thì giúp ít vốn, khi thì hỗ trợ vài kg lúa giống hay tận tình hướng dẫn cách trồng, chăm sóc lúa để họ có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. "Ông Đuối làm cái gì cũng giỏi, từ trồng keo lai, cây cau cho hiệu quả cao đến việc chăn nuôi trâu, bò. Nhờ ông tận tình hướng dẫn, dân bản mình ở đây mới tin tưởng và làm theo, nên mới có cái ăn, cái mặc. Ông nói với bà con mình là phải làm nhiều điều hay, điều tốt để con cháu noi theo" - chị Đinh Thị Tỵ, "hướng dẫn viên" đi cùng tôi vui mừng khoe.
Một căn nhà sạch sẽ, khang trang, một lão nông đang thoăn thoắt cây cuốc để chăm sóc mảnh vườn. "Già Đuối đấy" - chị Tỵ reo to. Mặc dù đã sắp bước sang tuổi 60, nhưng trông ông Đuối vẫn còn nhanh nhẹn và hoạt bát lắm. Thấy tôi chăm chú ngắm nhìn những tấm bằng khen, giấy khen của cả ông và cháu, ông phấn khởi khoe: Chúng nó có cái chữ, nên không sợ đói, khổ như mình đâu. Rồi ông tự hào khoe về thành tích học tập của hai đứa cháu đang học Đại học ở TP Quảng Ngãi và Đà Nẵng. Đôi mắt ông sáng lên khi tôi hỏi về những đổi thay của dân bản mình, ông hồ hởi: Tang Via đổi thay nhiều lắm, nhờ ơn Đảng, ơn Nhà nước nên bà con mình đã có nhà ở ấm áp, có gạo ăn ấm cái bụng, con em được đến trường học cái chữ. Giờ các gia đình chỉ lo làm ăn để không còn phải đói nghèo mãi, để Nhà nước không phải buồn bà con mình thôi.
Rời nhà của già Đuối, chúng tôi tìm gặp "ông vận động" Song Lâm Biên. Trong căn nhà nhỏ với vô số các loại bằng khen, giấy khen chẳng khác nào một thư viện mi ni, lưu lại những thành tích nổi bật của "người già nổi tiếng" này. Trong đó Bằng khen do Chính phủ tặng ông vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong năm 2010 được treo trang trọng nhất.
Không nói nhiều về những việc làm của mình, ông chỉ "khoe" về những đổi thay "ngoạn mục" của Sơn Hà hôm nay; hay những bước tiến dài trong ý thức của bà con đồng bào Hrê để xây dựng nếp sống mới. Từ chuyện đồng lòng, nỗ lực để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đến việc đoàn kết đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, thắt chặt tình làng nghĩa xóm… Rồi việc nhiều gia đình gặp hoạn nạn đã được bà con đùm bọc, cưu mang như gia đình bà Hàng Thị Dung (thị trấn Di Lăng) có hoàn cảnh khá éo le. Bản thân bà Dung bị ung thư vú hơn 10 năm, con gái bị bệnh lao phổi. Vì vậy ông đã vận động bà con tận tình giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần cho mẹ con bà chữa bệnh, cũng như lo mai táng chu đáo khi bà qua đời.
Già Biên cho hay: Ý thức sinh hoạt của bà con đã đi vào nền nếp và "rộ" lên từ khi có phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC" và thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Những việc làm ấy tuy rất nhỏ, nhưng mang ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục về đạo đức, lối sống cho con, cháu. Mình là già làng, nên phải gương mẫu thực hiện thì con, cháu mới noi theo.
Ông Phạm Thanh Nghìn - Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh khẳng định: Các già làng, trưởng bản, người tiêu biểu, uy tín có vai trò rất lớn trong việc củng cố khối đại đoàn kết và gắn kết cộng đồng, trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ta hiện nay. Họ chính là những kênh thông tin đáng tin cậy trong việc phản ánh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của người dân đến các cấp chính quyền; cũng như chuyển tải những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước đến với người dân.
Bài, ảnh: MỸ HOA