Đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với Báo cáo giám sát cho rằng, cải cách thủ tục hành chính đã có những chuyển biến tích cực, từng bước tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Chiều 9/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.
Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) phát biểu ý kiến
|
Các đại biểu cũng đánh giá về việc thực hiện cơ chế một cửa, “một cửa liên thông”, sự phối hợp giữa cơ quan trong thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”. Về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ thực hiện; Những kiến nghị giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh thủ tục cải các TTHC tới được nêu trong báo cáo giám sát đã hợp lý và đầy đủ chưa, và Quốc hội có cần ban hành Nghị quyết chuyên đề về giám sát cải cách TTHC hay không.
Thảo luận các vấn đề trên, đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cải cách TTHC đã có những chuyển biến tích cực, từng bước tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, TTHC trên nhiều lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, thiếu công khai, minh bạch và còn là rào cản đối với sản xuất, kinh doanh, tạo kẻ hở cho nhũng nhiễu, tiêu cực.
Về cải cách TTHC các lĩnh vực đất đai; nhà ở, xây dựng nhà ở, Báo cáo giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã có những cải cách quan trọng. Các quy định về giao đất, cho thuê đất bồi thường, hỗ trợ tái định cư chi tiết, rõ ràng đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho địa phương tổ chức thực hiện. Những cố gắng này đã được người dân và doanh nghiệp cũng như các địa phương đồng tình ủng hộ.
Đã giảm thiểu các TTHC gây phiền hà
Đã giảm thiểu các TTHC gây phiền hà
Về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất; đăng ký biến động về đất đai… Hiện nay, chúng ta đã hình thành hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất góp phần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận (GCN). Thống nhất cấp 1 loại GCN về quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tạo điều kiện cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản chỉ phải làm thủ tục cấp GCN một lần tại một cơ quan nhà nước. Hồ sơ địa chính đã được xây dựng, quản lý thống nhất ở một đầu mối, khắc phục tình trạng nhiều cơ quan quản lý, đã giảm ít nhất 1/2 thời gian giải quyết các TTHC so với trước đây.
Ngoài ra, nhiều quy định mới đã được ban hành nhằm tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức như trong việc xin cấp GCN và đăng ký biến động về đất như: bổ sung các thủ tục đăng ký biến động đối với tài sản mà trước đây chưa quy định; giảm thời gian xem xét cấp GCN lần đầu... Đồng thời, quy định trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận hồ sơ trong việc kiểm tra hồ sơ trước khi tiếp nhận để tránh phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Các đại biểu cũng đồng tình với Ủy ban thường vụ Quốc hội về những hạn chế, bất cập như: Việc phân cấp mạnh cho địa phương thực hiện các TTHC về đất đai và quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trong quản lý, điều hành của Nhà nước, điển hình như việc giao đất làm sân gôn, cho thuê đất trồng rừng. Ở nhiều địa phương chưa tuân thủ đúng quy định như: yêu cầu nộp thêm nhiều giấy tờ không cần thiết, trái quy định của pháp luật. Quy định cấp một GCN quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên thực tế cũng đã phát sinh những vướng mắc.
Theo Báo cáo giám sát, hiện nay, các thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng (GPXD) đã được đơn giản hơn, việc thẩm định hồ sơ được thực hiện theo cơ chế "một cửa liên thông”. Tuy nhiên, đại biểu Tống Văn Thoóng (đoàn Lai Châu) cũng nêu vấn đề: Người dân luôn có mong muốn có đất, có nhà thì cũng phải có GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Nhưng thực tế, để có được những giấy tờ nói trên là hết sức khó khăn và còn nhiều bất cập. Đại biểu nêu ví dụ người dân đến xin GPXD được trả lời khu vực đó, phố đó chưa có quy hoạch nên chưa cấp phép. Cuộc sống đòi hỏi tồn tại và phát triển nên người dân vẫn phải tiến hành xây nhà để ở. Khi cơ quan chức năng kiểm tra đến thì lỗi vi phạm thuộc về dân. Những bất cập này là do vẫn đòi hỏi quá nhiều giấy tờ và mất quá nhiều thời gian.
Từ những vướng mắc trên, đại biểu Tống Văn Thoóng đề nghị cần tăng cường chất lượng chuyên môn cán bộ cơ sở đáp ứng công việc được giao; Nội dung cải cách hành chính ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện và công khai.
Giải trình thêm về các vấn đề đại biểu quan tâm trong lĩnh vực đất đai, Bộ trường Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên ghi nhận các ý kiến đã phản ánh xác đáng phản ánh đúng bức tranh về TTHC về đất đai ở các địa phương.
Luật Đất đai sửa đổi sẽ dành riêng 1 chương về cải cách TTHC
Phát biểu làm rõ thêm các ý kiến này, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, Bộ đã tiến hành 5 đoàn đi tổng kết việc triển khai Luật Đất đai ở các địa phương, từ những tổng kết này, hiện Bộ đang chuẩn bị một dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, trong đó dành riêng 1 chương nói về cải cách TTHC liên quan đến việc quản lý sử dụng đất đai, trong đó quy định cụ thể về trình tự thủ tục giao đất, thuê đất, cấp GCN cho người sử dụng đất, đăng ký sử dụng đất...
Về các thủ tục rườm rà phức tạp đại biểu nêu, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, hiện còn 85 thủ tục hành chính, trong đó cấp tỉnh 41 thủ tục, cấp huyện 33 thủ tục, Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao 6 thủ tục và cấp xã 5 thủ tục. Bộ đã rà soát bước đầu thay thế 66 thủ tục bằng 54 thủ tục mới, sửa đổi bổ sung 18 thủ tục, bãi bỏ 2 thủ tục. Giảm được 52% chi phí, thời gian tới Bộ sẽ tiến hành giảm đến 30-50% thủ tục này.
Việc ban hành Nghị định 69/2009/NĐ- CP ra đời đã rút bớt 11 bước xin giao đất tương đương với 6 năm đến nay chỉ còn 1/3 thời gian. Thực tế 1 số dự án còn được rút ngắn nhiều hơn nữa. Cũng theo ông Nguyên, việc đăng ký làm thủ lần đầu trước đây là 55 ngày, nay rút ngắn còn 30 ngày. Việc cấp lại chỉ còn 20 ngày.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng cho biết việc cấp 1 loại giấy, 1 cửa, do 1 cơ quan cấp đã thực hiện ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố. Đến nay, theo thống kê đã cấp trên 65 vạn giấy..../.
Theo VOV