NGUYỄN MINH - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy
(QNg)- Sự hình thành và phát triển của Ngành tổ chức xây dựng Đảng tỉnh gắn liền với sự hình thành và phát triển của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi. Từ khi Đảng bộ tỉnh được thành lập (tháng 3/1930), tuy cơ quan tổ chức của Tỉnh ủy chưa hình thành nhưng công tác tổ chức xây dựng Đảng đã được đặc biệt quan tâm, các đồng chí được phân công phụ trách đã tham mưu đắc lực giúp cấp ủy xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, các tổ chức cách mạng, phát triển đảng viên và các lực lượng nòng cốt trong quần chúng, đã góp phần thực hiện nhiệm vụ do Đảng bộ lãnh đạo qua các thời kỳ 1930 - 1931, 1932 - 1935, 1936-1939, lãnh đạo thắng lợi cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, giành chính quyền trong toàn tỉnh, cùng cả nước làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Từ khi được Đảng bộ tỉnh thành lập vào năm 1946, cơ quan tổ chức Tỉnh ủy đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy lãnh đạo các tổ chức đảng, tổ chức chính trị; cán bộ, đảng viên làm nòng cốt cùng với quân và dân trong tỉnh tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, giải phóng quê hương, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và đại thắng mùa xuân năm 1975, cùng cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Các đại biểu tại Hội thảo biên soạn sách “Truyền thống 80 năm ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh Quảng Ngãi” (1930 - 2010). Ảnh: BTC |
Công tác tổ chức xây dựng Đảng giai đoạn 1930 - 1945: Đây là thời kỳ Đảng ta còn hoạt động bí mật, gặp vô cùng khó khăn nhưng đã hình thành được tổ chức lãnh đạo từ Tỉnh ủy đến phủ, huyện ủy, tổng ủy, chi bộ. Những tổ chức quần chúng như: Nông hội đỏ, Phụ nữ, Thanh niên, Tự vệ đỏ… được Đảng chăm lo xây dựng và lãnh đạo. Cao trào cách mạng 1930-1931 đã để lại cho nhân dân và Đảng bộ nhiều bài học quý báu, trong đó có vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh khối liên minh công nông.
Giai đoạn 1932 - 1935, tuy bị tổn thất nhưng phong trào cách mạng và các tổ chức đảng của tỉnh liên tục được khôi phục, phát triển và làm nhiệm vụ trung tâm kết nối phong trào cách mạng ở Nam Trung kỳ. Thời kỳ 1936 - 1939, nhiều tổ chức cách mạng công khai được thành lập, làm nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến nội dung các tài liệu của Đảng với hình thức sách báo, chống phản động thuộc địa, đòi dân sinh dân chủ. Từ năm 1940 - 1945, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập tại các Căng an trí Trà Bồng, Ba Tơ. Đầu tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Chi bộ Đảng Căng an trí Ba Tơ và nhân dân địa phương đã sớm chớp thời cơ làm nên cuộc khởi nghĩa Ba Tơ lịch sử vào ngày 11/3/1945. Trong cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, Quảng Ngãi cũng là một tỉnh lãnh đạo tiến hành khởi nghĩa sớm nhất so với cả nước (ngày 14/8/1945). Lúc này, đảng viên trong toàn Đảng bộ chỉ có 38 đồng chí, nhưng các tổ chức Hội cứu quốc, các giới thanh niên, phụ nữ, nông dân, công nhân, tiểu tổ du kích, tự vệ cứu quốc được tổ chức rộng rãi với hàng ngàn hội viên. Nhờ đó, khi có lệnh tổng khởi nghĩa, các tổ chức cứu quốc cùng với Việt Minh huy động lực lượng vùng lên, chớp thời cơ giành chính quyền về tay nhân dân.
Công tác tổ chức xây dựng Đảng giai đoạn từ tháng Tám năm 1945 đến năm 1954: Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, xây dựng và phát triển tổ chức quần chúng cách mạng, năm 1946, Tỉnh ủy thành lập cơ quan tổ chức cấp ủy. Từ khi có bộ phận chuyên trách làm công tác tổ chức đảng, các tổ chức đảng được hình thành và phát triển đều khắp trong tỉnh. Giai đoạn này, công tác phát triển đảng được đẩy mạnh, đến tháng 9/1949, Đảng bộ tỉnh đã có trên 10 ngàn đảng viên. Đồng thời với công tác phát triển đảng viên, Tỉnh ủy đã đề ra nhiều biện pháp củng cố nhằm nâng cao chất lượng, bản lĩnh chính trị của đảng viên như chỉnh phong, chỉnh huấn, chỉnh Đảng, đã nâng cao tính tự giác, tính chiến đấu, ý thức tổ chức, kỷ luật trong Đảng. Các cấp bộ đảng trong tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp học ngắn ngày, dài ngày cho đội ngũ cán bộ kịp thời nhận thức về đường lối cách mạng, về mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. Việc phát hiện, đề bạt, cất nhắc cán bộ được bàn bạc kỹ trong tập thể cấp ủy. Do đó, đội ngũ cán bộ của tỉnh khá dồi dào, không những đáp ứng công tác cán bộ trong tỉnh mà còn chi viện cho các địa phương trong miền và các tỉnh Tây Nguyên, tạo sự tín nhiệm, mến yêu, tin cậy của quần chúng đối với Đảng, làm cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của Đảng bộ trong những năm tháng vô cùng khó khăn, đặc biệt của thời kỳ chống Mỹ, cứu nước sau này.
Công tác tổ chức xây dựng Đảng giai đoạn từ năm 1954 đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975): Quảng Ngãi từ một tỉnh tự do trong kháng chiến chống Pháp phải tạm thời trao quyền quản lý cho đối phương. Một bộ phận lớn cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang thực hiện việc chuyển quân, tập kết ra miền Bắc, chỉ còn lại gần 300 đồng chí được Đảng chỉ định ở lại hoạt động. Các chi bộ đều phải chuyển hướng vào hoạt động bí mật, nhiều đảng viên phải chuyển vùng hoạt động để bảo toàn lực lượng. Tháng 8/1959, khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi thắng lợi, mở đầu cho thời kỳ chuyển hướng chiến lược cách mạng trong tỉnh và ở Nam Trung bộ. Lúc này, tỉnh thành lập các đội công tác và lực lượng vũ trang tập trung, tiến xuống vùng giáp ranh và đồng bằng để hoạt động. Cán bộ, đảng viên chấp nhận khó khăn, gian khổ, hy sinh để bám cơ sở. Tỉnh ủy chủ trương xây dựng chi bộ, đảng viên 4 tốt, đưa cán bộ, đảng viên vào các mũi nhọn của cuộc đấu tranh hai chân, ba mũi giáp công với địch. Thực hiện tuyên truyền, kết nạp đảng viên hợp pháp, xây dựng chi bộ đảng hợp pháp trong vùng địch tạm chiếm. Lấy hành động và rèn luyện trong thực tế để đánh giá cán bộ và kết nạp đảng viên. Đấu tranh xây dựng nội bộ mạnh nhưng có lý, có tình, giữ được đoàn kết, thương yêu đồng chí, đồng đội, vì lợi ích của Đảng, của đất nước mà phấn đấu quên mình.
Công tác tổ chức xây dựng Đảng giai đoạn từ 1975 đến nay: Sau ngày Quảng Ngãi được giải phóng (24/3/1975), Ban Tổ chức Tỉnh ủy cùng các cơ quan của tỉnh từ căn cứ cách mạng về tiếp quản và làm việc tại thị xã Quảng Ngãi, Ban đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy ổn định tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ sức điều hành giải quyết công việc, khẩn trương mở nhiều lớp huấn luyện ngắn ngày, bổ túc văn hóa cho hàng trăm cán bộ cấp cơ sở và cấp huyện, tỉnh; đưa một số cán bộ cốt cán đi đào tạo cơ bản ở các trường của Trung ương. Cuối năm 1975, tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định hợp nhất thành tỉnh Nghĩa Bình, Ban Tổ chức Tỉnh ủy hai tỉnh cũ cũng được sáp nhập và đã tham mưu cho Tỉnh ủy Nghĩa Bình sắp xếp bộ máy, cán bộ các ty, ban ngành. Nhiều cán bộ của Quảng Ngãi được bố trí vào các chức vụ quan trọng ở các cơ quan lãnh đạo của tỉnh Nghĩa Bình.
Khi Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đổi mới tư duy nhất là tư duy kinh tế (1986), công tác tổ chức xây dựng Đảng của tỉnh tập trung tham mưu đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác tổ chức, tập trung vào việc chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chích sách đổi mới của Đảng, xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, như: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 34 của Bộ Chính trị (khóa V) về kiện toàn tổ chức; Nghị quyết số 04 của Bộ Chính trị (khóa VI) về làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội; tiến hành Cuộc vận động tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng bộ tỉnh theo Chỉ thị số 21 ngày 3/12/1987 của Ban Bí thư. Thực hiện Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa VI) về công tác xây dựng Đảng nhằm đổi mới và tăng cường công tác tư tưởng, đổi mới công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới. Nâng cao ý thức bảo vệ Đảng, chống đa nguyên, đa đảng.
Tháng 7/1989, tỉnh Nghĩa Bình lại được tách thành hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, công tác tổ chức xây dựng Đảng tiếp tục phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi. Đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức lúc này còn thiếu nhiều so với yêu cầu nhưng đã sớm tham mưu thực hiện bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ; mạnh dạn đề xuất cho Tỉnh ủy để điều động một số cán bộ có năng lực từ cấp huyện về công tác ở tỉnh; từng bước đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ cán bộ để thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Đã thường xuyên tiến hành tổng kết công tác xây dựng Đảng và xây dựng tổ chức cơ sở đảng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Triển khai nhiều nghị quyết quan trọng về công tác tổ chức như Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác tổ chức xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 về một số vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; Nghị quyết số 42 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ; thực hiện và thể chế các quy định về phân cấp quản lý cán bộ, quy chế đánh giá cán bộ, quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, quy định giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; chế độ kiểm tra cán bộ, đảng viên; quy định chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng… Từ đó, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội được quy định rõ ràng hơn; ý thức tổ chức kỷ luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên, góp phần ngăn ngừa sự suy thoái, biến chất trong Đảng. Giai đoạn từ 2001 - 2010, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về công tác cán bộ như Nghị quyết số 09 (khóa XVI) về xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH; Nghị quyết số 06 (khóa XVII) về phát triển nguồn nhân lực; ban hành các quy định về tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý… Trên cơ sở đó, nhiều cấp ủy trực thuộc, lãnh đạo các sở, ngành đã quan tâm, chú ý hơn đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.
Nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Đề án 8738 về đào tạo, tuyển chọn, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn; phối hợp tổ chức nhiều lớp cao cấp lý luận chính trị, đại học chuyên ngành cho đội ngũ cán bộ chủ chốt và dự nguồn lãnh đạo các cấp trong tỉnh; tổng kết 3 nghị quyết của Trung ương (Nghị quyết trung ương 3, (khóa VII); Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 7, (khóa VIII) để rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức xây dựng Đảng; thực hiện Quy định số 57 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 11 của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng…
Đến nay, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã được kiện toàn về tổ chức bộ máy và cán bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Công tác đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng và đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác cán bộ đi vào nền nếp, chất lượng cán bộ ngày càng được nâng lên về tiêu chuẩn và trình độ. Hệ thống tổ chức Đảng và đảng viên ngày càng được củng cố, phát triển. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, chất lượng của tổ chức cơ sở đảng ngày càng được nâng cao. Đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng, có phẩm chất chính trị tốt, có lập trường, quan điểm cách mạng vững vàng, kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội, có khả năng hoạch định chủ trương, chính sách, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn địa phương, đơn vị và cơ sở.
Tự hào với truyền thống của mình, đội ngũ cán bộ, công chức ngành tổ chức xây dựng Đảng tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, thể hiện ý chí quyết tâm vững vàng trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, chung sức, chung lòng cùng Đảng bộ và nhân dân xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.