(QNĐT)- Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, cùng với thanh niên cả nước, hàng ngàn thanh niên xung phong (TNXP) Quảng Ngãi đã có mặt trên các tuyến đường, các chiến trường để chiến đấu và phục vụ chiến đấu, mở những con đường máu tiếp tế cho chiến trường miền Nam, viết nên bản hùng ca oanh liệt, mãi là niềm tự hào, cổ vũ các thế hệ thanh niên Việt Nam.
Trở về đời thường, những cựu TNXP vẫn tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ của mình, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.
Từ những cựu TNXP giàu nghị lực
Mới gặp ông Bùi Văn Thời, một cựu TNXP hiện ở phường Nguyễn Nghiêm, thành phố Quảng Ngãi, ít ai ngờ rằng ông đã ngoài cái tuổi 80. Không những vậy, hiện ông là giám đốc của Công ty TNHH TNXP Nguyễn Nghiêm chuyên sản xuất gạch không nung.
Ông Bùi Văn Thời là thế hệ TNXP trong kháng chiến chống Pháp, và dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua song với ông hào khí một thời mở đường, vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược phục vụ chiến trường mãi vẫn không bao giờ phai.
Là một trong những thanh niên sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, năm 1947 ông đã tham gia vào đội du kích xã. Năm 1950, ông trực tiếp cầm súng tham gia trận đánh núi Bồ Bồ, thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tháng 3/1953, ông tham gia vào đội TNXP phục vụ hỏa tuyến.
Từ năm 1947 đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông đã có mặt khắp các chiến trường từ Bắc vào Nam và bản thân ông cũng không nhớ hết đã tham gia bao nhiêu trận đánh, mở bao nhiêu tuyến đường, vận chuyển bao nhiêu lương thực, thực phẩm, đạn dược cho chiến trường... Song ông chỉ biết rằng, ở đâu cần thì ông đều có mặt.
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông trở về cuộc sống đời thường với nhiều vết thương trong người (thương binh loại 3), nhưng ông vẫn đem hết tâm huyết của mình phục vụ cho các hoạt động tại địa phương. Ông được đồng đội, mọi người tin tưởng giao đảm trách chức vụ Hội trưởng Hội cựu TNXP phường Nguyễn Nghiêm.
Ông nói, mình thì điều kiện kinh tế cũng không mấy khá giả, và hàng ngàn đồng đội cũng rất khó khăn, vì vậy ông luôn trăn trở phải làm cái gì đó để giúp đồng đội của mình. Và thế là ông quyết định thành lập Công ty TNHH TNXP Nguyễn Nghiêm.
Ông cho rằng, chỉ có mạnh dạn làm kinh tế thì mới có điều kiện giúp đỡ đồng đội mình. Với số vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn 20 triệu từ tiền vay ngân hàng song bằng uy tín của mình, đến nay công ty của ông đã phát triển mạnh và hiện ký được nhiều hợp đồng trị giá lên đến trên 400 triệu đồng.
Điều đáng nói là phần lớn công nhân của công ty đều là con em những đồng đội của ông và những người nông dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Một phần lãi từ hoạt động của công ty, ông đóng góp vào quỹ "Nghĩa tình đồng đội" của Hội để giúp đỡ những đồng đội lúc ốm đau, bệnh tật.
Còn vợ chồng cựu TNXP Võ Thị Minh Lý (1952), hiện trú tại phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi cũng là một trong những cựu TNXP giàu nghị lực. Cũng giống như bao thanh niên khác, theo tiếng gọi của quê hương, mới 14 tuổi chị Lý đã tham gia hoạt động tại Ban liên lạc thiếu niên tiền phong của xã. Năm 16 tuổi, chị tham gia TNXP ở Đoàn thanh niên Hắc Hải, đảm nhận vận chuyển hàng hóa, lương thực từ miền xuôi lên miền núi tiếp tế cho bộ đội.
Bản thân chị cũng không nhớ là mình đã vận chuyển, cõng được bao nhiêu tấn lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiếp tế cho chiến trường, song chị được mọi người đặt cho biệt danh "Kiện tướng đi gùi", bởi mỗi lần chị cõng trên lưng gần 80 kg thực phẩm đi hàng chục cây số và vượt qua sông Trà Khúc đưa hàng lên các huyện miền núi.
Chị nói: "Thời ấy, dường lòng căm thù giặc cũng như khao khát quê hương sớm được giải phóng đã tiếp thêm sức mạnh cho những thanh niên như chị. Có lẽ chính điều đó mà ta đã đánh tan được giặc Mỹ xâm lược".
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, chị trở về quê hương tiếp tục lao động sản xuất. Cuộc sống gia đình chị những năm đầu gặp không ít khó khăn, chồng chị nguyên cũng là một TNXP (thương binh loại 1), thường xuyên bị đau ốm do vết thương. Song, hai vợ chồng chị vẫn quyết tâm khai hoang gần 2.000 m2 đất để sản xuất.
Từ diện tích đất hoang hóa mà vợ chồng khai hoang, chị trồng các loại rau màu, phát triển chăn nuôi. Chị Lý tâm sự: Những năm trước cuộc sống còn khó khăn thiếu thốn, nhưng với bản chất không ngại khó, ngại khổ của người TNXP, người lính cụ Hồ, nên vợ chồng chị đã vượt qua khó khăn, cuộc sống gia đình đã từng bước được ổn định.
Có được điều kiện về kinh tế, chị đã tham gia đóng góp Quỹ "Nghĩa tình đồng đội" để giúp đỡ những đồng đội của mình. Hiện chị còn đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội cựu TNXP của phường Lê Hồng Phong.
Còn rất nhiều những tấm gương cựu TNXP khác trên địa bàn toàn tỉnh đang hằng ngày, hằng giờ vượt qua khó khăn của cuộc sống thường nhật, vươn lên phát huy phẩm chất cao quý của cựu TNXP, xoá đói giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.
Đến "Nghĩa tình đồng đội"
Trong căn nhà còn thơm mùi vôi mới, cựu TNXP Nguyễn Ngọc Luân (1927), ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, vui vẻ khoe với chúng tôi về ngôi nhà mới của mình. Ông nói nếu không có đồng đội, những cựu TNXP hỗ trợ, thì không biết đến bao giờ ông mới có được ngôi nhà mới này.
Là một trong những thế hệ TNXP thứ nhất trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông Luân trở về cuộc sống đời thường. Song, hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại thường xuyên bệnh tật. Tài sản của gia đình ông không gì ngoài một ngôi nhà tranh, vách đất.
Đã vậy, cơn bão số 9 năm 2009 đã làm sập ngôi nhà được xem là tài sản quý nhất của gia đình ông. Tưởng rằng cuối đời ông phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”, thế rồi đầu năm 2010 Hội cựu TNXP tỉnh đã vận động, hỗ trợ kinh phí 20 triệu đồng vùng với sự đóng góp của bà con, hàng xóm láng giềng ông đã có một căn nhà mới khang trang trị giá trên 35 triệu đồng.
Cũng giống như cựu TNXP Nguyễn Ngọc Luân, cựu TNXP Hồ Văn Mới (65 tuổi) dân tộc Kor, ở xã Trà Trung, huyện Tây Trà cũng gặp nhiều khó khăn. Là một trong những TNXP mở đường, vận tải đạn trong giai đoạn kháng chiến chống chống Mỹ. Trở về cuốc sống đời thường, cuộc sống của ông gặp nhiều khó khăn. Vợ qua đời sớm và hiện ông đang ở với con trai. Kinh tế khó khăn, song ông lại mang trong người căn bệnh hiểm nghèo. Trước hoàn cảnh trên, năm 2010, Hội cựu TNXP đã vận động hỗ trợ cho ông 20 triệu đồng để làm lại cho ông ngôi nhà mới khang trang hơn.
Đó chỉ là 2 trong hàng chục ngôi nhà mà những năm qua, các cấp Hội cựu TNXP trong tỉnh đã vận động hỗ trợ cho cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn. Đây không chỉ là nghĩa tình của những đồng chí, đồng đội mà thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta.
Ông Nguyễn Mậu Vạn- Chủ tịch Hội Cựu TNXP Quảng Ngãi cho biết: Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, tỉnh ta đã có hàng ngàn TNXP. Tuy nhiên những năm trước đây, cuộc sống của những cựu TNXP gặp rất nhiều khó khăn, nhiều TNXP vẫn chưa được hưởng một chế độ nào.
Từ khi, UBND tỉnh ra quyết định cho phép thành lập các cấp hội TNXP trên địa bàn tỉnh và tháng 3/2006 Đại hội đại biểu Hội cựu TNXP tỉnh lần thứ I (nhiệm kỳ 2006-2010) được tổ chức thành công, từ đó đến nay Hội cựu TNXP tỉnh đã trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của cựu TNXP trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, Hội cựu TNXP đã thực hiện tốt hoạt động "Vì nghĩa tình đồng đội, đền ơn đáp nghĩa", kết hợp với các cấp bộ Đoàn góp phần giáo dục thế hệ trẻ. 5 năm trở lại đây, Hội đã vận động các nguồn tài trợ, phối hợp với các ngành, đoàn thể hỗ trợ xây dựng được 43 ngôi nhà tình nghĩa (20 triệu đồng/hộ), ngoài ra tặng hàng chục sổ tiết kiệm cho cựu TNXP nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
|
Bài, ảnh: M.Toàn