Anh hùng lao động Hồ Giáo |
Anh hùng lao động Hồ Giáo kể: Năm 1954 ông tập kết ra Bắc, nhưng mãi đến năm 1960 ông mới được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Nông trường Ba Vì. Đây là những năm đầu khi mới thành lập Nông trường, do đó còn gặp nhiều khó khăn. Trong lần thăm này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ân cần thăm hỏi gia đình, công việc của từng công nhân. Riêng đối với ông Hồ Giáo, được gặp mặt Thủ tướng Phạm Văn Đồng không chỉ là niềm vinh dự mà còn là niềm tự hào; đặc biệt Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người con của quê hương Núi Ấn, sông Trà. Qua trò chuyện biết là người cùng quê, Thủ tướng Phạm Văn Đồng dặn dò ông Hồ Giáo nhiều điều. Những điều căn dặn đó như một người cha đối với con. Sau này nghe tin ông Hồ Giáo đi công tác ở Hà Nội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường mời ông đến nhà ăn cơm. Tình cảm của hai người cũng từ đó khắng khít nhiều hơn.
Ông Hồ Giáo nhớ lại: Khi biết tôi mù chữ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng khuyên "Chú phải đi học, khó cũng phải đi. Không có chữ thì không thể làm gì được". "Thú thật lúc đó tôi lớn tuổi rồi đi học quả là nhọc nhằn, vật lộn với mấy con chữ khó gấp trăm lần nuôi mấy con bê. Lúc đầu học khó quá nên tôi định bỏ học, nhưng khi nghĩ đến những lời căn dặn của Bác tôi thấy mình cần cố gắng hơn. Vậy là tôi phấn đấu học tập"- Ông Hồ Giáo thổ lộ. Ông Hồ Giáo cho hay sau này Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhiều lần gởi giấy bút cho ông để đi học. Thấy ông học đường xa mà đi bộ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng một chiếc xe đạp Thống Nhất để làm phương tiện.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn tặng cho ông Hồ giáo một chiếc radio. Những kỷ vật này vẫn theo mãi với ông Hồ Giáo. Sau thời gian miệt mài, ông Hồ Giáo đã biết viết. Ông liền viết thư thăm hỏi Bác Phạm Văn Đồng. Nhận được thư, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã biểu dương sự nỗ lực và căn dặn ông Hồ Giáo cần học tập hơn nữa "Học để giúp dân". Năm 1966 ông Hồ Giáo được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lao động. Năm đó ông Hồ Giáo lại được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông Hồ Giáo nhớ lại: "Lúc đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng động viên tôi không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao mà phải cố gắng học tập hơn nữa. Thủ tướng Phạm Văn Đồng bảo: "Anh hùng lao động là niềm vinh dự, nhưng chú phải cố gắng hơn để xứng với danh hiệu này".
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ấn Độ tặng cho Việt Nam 502 con trâu Mura. Đàn trâu này được đưa về nuôi lấy sữa tại nông trường của Trung tâm Nghiên cứu trâu sữa và đồng cỏ, thuộc Viện Chăn nuôi -Bộ Nông nghiệp, trụ sở tại xã Lai Khê, huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé - nay là tỉnh Bình Dương; trong đó có hai con do đích thân cố Thủ tướng Ấn Độ - Indira Gandhi tặng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ngay sau đó ông Giáo được điều chuyển vào để trực tiếp chăm sóc đàn trâu quý này. Cũng trong thời gian công tác ở đây, năm 1986 ông Hồ Giáo lại được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lao động lần thứ hai.
Năm 1991 Anh hùng Hồ Giáo về nghỉ hưu ở Quảng Ngãi. Ông được Thủ tướng Phạm Văn Đồng trực tiếp giao cho chăm sóc 2 con trâu đặc biệt này cùng 15 trâu Mura khác tặng cho nhân dân Quảng Ngãi. Cũng từ đó, trại trâu ở xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành được thành lập. Có người còn gọi trại chăn nuôi này là "Trại trâu của Bác Đồng". Anh hùng Hồ Giáo kể: Năm đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dặn dò tui là "Hãy tạo ra thật nhiều trâu có sức kéo khỏe tặng nông dân nghèo".
Từ 2 con trâu Mura mẹ Trà Câu- là quà tặng của cố Thủ tướng Indira Gandhi do ông Hồ Giáo đặt tên đã sản sinh ra hàng trăm con trâu khác. Trâu con từ trại nuôi Hành Thuận giờ đã có mặt khắp mọi miền đất nước, là minh chứng sự tri ân giữa Anh hùng Lao động Hồ Giáo với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Anh hùng lao động Hồ Giáo cho hay lần gặp cuối cùng với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào năm 1997, trước 3 năm khi nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi xa. Trong lần gặp cuối cùng này, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng trò chuyện rất lâu với Anh hùng Hồ Giáo. Ông Hồ Giáo bộc bạch: Trong tình cảm của tôi đối với Thủ tướng Phạm Văn Đồng như người cha thứ 2 của tôi. Tôi đã học tập ở Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhiều điều".
Do tuổi cao sức yếu, nên từ sau Tết Nguyên đán Canh Dần đến nay, Anh hùng Hồ Giáo không còn lên Trại chăn nuôi ở Hành Thuận nữa. Ông bảo: "Nhiều đêm ngủ không được, lo cho mấy con Mura ở trại chăn nuôi, sợ chúng nó không được chăm sóc chu đáo. Như thế ông có lỗi với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng".
Do tuổi cao sức yếu, nên từ sau Tết Nguyên đán Canh Dần đến nay, Anh hùng Hồ Giáo không còn lên Trại chăn nuôi ở Hành Thuận nữa. Ông bảo: "Nhiều đêm ngủ không được, lo cho mấy con Mura ở trại chăn nuôi, sợ chúng nó không được chăm sóc chu đáo. Như thế ông có lỗi với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng".
Anh Vinh