5h30 sáng 30/4, quân ta từ 4 hướng đồng loạt tổng tiến công vào Sài Gòn. Cả thành phố rung chuyển. 13h30 cùng ngày, Chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng không điều kiện, chấm dứt chế độ Việt Nam cộng hòa.
Hai ngày sau khi chúng ta đã giải phóng toàn bộ thành phố Đà Nẵng, sáng ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp mở rộng. Đây là cuộc họp lịch sử bàn về đòn chiến lược thứ ba, đòn cuối cùng của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Hội nghị nhất trí nhận định: Ta hơn hẳn địch cả về thế chiến lược lẫn lực lượng quân sự, chính trị. Dù Mỹ có tăng viện cũng không thể cứu vãn sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn. Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm thực hiện tổng công kích, tổng tiến công trong thời gian sớm nhất. Tốt nhất kết thúc trong tháng 4/1975. Phải hành động “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ”.
Đại biểu học sinh, sinh viên Sài gòn – Gia Định tại cuộc mít tinh chào mừng giải phóng Sài gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam
Ngày 1/4/1975, Sư đoàn 320 tiến quân theo đường số 7, cùng lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên giải phóng thị xã Tuy Hòa.
Ngày 2/4/1975, quân ta giải phóng thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, tiến ra tấn công Đà Lạt.
Ngày 3/4/1975, thành phố Đà Lạt được giải phóng.
Ngày 2 và 3/4/1975, thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa và Quân cảng Cam Ranh được giải phóng.
Ngày 5/4/1975, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh củng cố khẩn cấp các tuyến phòng thủ. Tuyến phòng ngự từ xa Phan Rang - Xuân Lộc - Tây Ninh và tuyến phòng ngự ngoại vi Sài Gòn được địch hết sức chú trọng.
Lúc này, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, các cánh quân của ta hành quân thần tốc ngày đêm đến các điểm tập kết để thực hiện trận đánh cuối cùng vào sào huyệt địch. Trên trục đường số 1, quân ta đã tiến gần Phan Rang. Trên trục đường 20 quân ta sau khi giải phóng Lâm Đồng, Đà Lạt, Tuyên Đức đã tiến xuống gần Kiệm Tân.
Ngày 6/4/1975, tại chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị công bố quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch Sài Gòn- Gia Định: Đại tướng Văn Tiến Dũng là Tư lệnh; đồng chí Phạm Hùng, Chính ủy; Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Đinh Đức Thiện là Phó Tư lệnh. Đồng chí Lê Đức Thọ tham gia Trung ương Cục và Đảng ủy mặt trận.
Trong dịp này, Trung ương Cục phân công Phó Bí thư Trung ương Cục Nguyễn Văn Linh đặc trách phong trào nổi dậy của quần chúng, nhất là ở Sài Gòn. Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục Võ Văn Kiệt chỉ đạo việc tiếp quản thành phố. Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch Sài Gòn - Gia Định khẩn trương bắt tay vào việc.
Ngày 7/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điện khẩn vào chiến trường: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút. Xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.
Trên hai trục chính là đường số 1 và đường Trường Sơn, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, Đoàn 559 tổ chức khẩn trương với sự hỗ trợ của Quân khu 5 đảm bảo công tác hậu cần cho chiến dịch, mặc dù địch ở trên bộ, trên không và ngoài biển ra sức ngăn chặn, bắn phá suốt đêm ngày. Quân no, xe pháo đủ nhiên liệu, đạn dược, bộ đội được nhân dân động viên, giúp đỡ, tốc độ hành quân lại càng tăng nhanh. Cùng ngày, Thường vụ Trung ương Cục và Quân ủy Miền thông qua kế hoạch tiến công quân sự trên mặt trận Sài Gòn.
Ngày 8/4/1975, một chiếc máy bay F5 của không quân ngụy đã đánh bom xuống Dinh Độc Lập. Địch ngỡ ngàng tưởng đảo chính ra lệnh giới nghiêm. Tinh thần ngụy quân và ngụy quyền khắp nơi xao động vì ngay đầu não đã bị tấn công. Tinh thần của chúng càng suy sụp khi được biết Trung úy không quân Nguyễn Thành Trung - người đánh bom vào Dinh Độc Lập - quê Bến Tre, vốn thực mang họ Đinh, một đảng viên của ta hoạt động từ lâu trong không quân ngụy.
Ngày 14/4/1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận được điện số 37 TK với nội dung: Bộ Chính trị đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Thiếu tá Mai Hoa Thám là một trong những người đã mã dịch bức điện ngày 14/4 trên chiến trường. Ông xúc động kể lại: “Lúc chúng tôi mã dịch bức điện đó, rồi báo tin xuống các đơn vị, các đơn vị mừng lắm. Chiến dịch mang tên Bác, chúng tôi hiểu chiến thắng đã gần kề, thắng lợi đã đến gần. Lúc này không ai còn nghĩ đến sự hi sinh, người này ngã xuống người khác tiến lên, chỉ với quyết tâm và niềm tin chiến thắng”.
Ngày 15/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư cho Cục Cơ yếu Bộ Tổng Tham mưu, trong đó viết: Trong những ngày chiến dịch khẩn trương vừa qua, cán bộ và chiến sĩ nhân viên cơ yếu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cuộc chiến đấu hiện đang tiếp tục và càng gần đến toàn thắng, càng khẩn trương quyết liệt. Nhiệm vụ đảm bảo bí mật chính xác, kịp thời nội dung của các mệnh lệnh... có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện quyết tâm giải phóng miền Nam.
Ngày 18/4/1975, giải phóng thị xã Phan Thiết và toàn tỉnh Bình Thuận. Đại sứ Mỹ Martin mật báo tình hình tuyệt vọng về Washington: “Các đơn vị đối phương đang hội tụ về khu vực Sài Gòn từ mọi hướng với một lực lượng hậu bị to lớn hơn lực lượng chính phủ (ngụy quyền Sài Gòn) rất nhiều...” Trước tình hình đó, chính quyền đế quốc Mỹ ra lệnh di tản người Mỹ ở Sài Gòn với một lực lượng lớn hải quân và không quân gồm 35 tàu chiến, có 4 tàu sân bay và 100 máy bay bắt đầu rút từ ngày 21/4/1975.
Trong khi rút chạy, đế quốc Mỹ còn có kế hoạch đưa hàng ngàn trẻ em Việt Nam về Mỹ với mục đích gây xúc động dư luận, về lâu dài làm cho số trẻ em này quên Tổ quốc, chống lại Tổ quốc sau này. Chúng còn kích động hàng chục ngàn người Việt Nam tỵ nạn theo chúng.
Đêm 24/4/1975, Bộ chỉ huy chiến dịch hành quân đến Căm Xe, ở tây-bắc Bến Cát, xây dựng Sở chỉ huy tiền phương của chiến dịch. Đến ngày 26/4 đơn vị cuối cùng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh đã vào đến vị trí tập kết, sẵn sàng chờ lệnh tiến công vào Sài Gòn.
Tối 28/4 Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn họp đánh giá tình hình trên toàn mặt trận, bàn cách đánh sao cho thật nhanh, chắc thắng, đập tan ngay hệ thống tổ chức ngụy quân, ngụy quyền đồng thời phải bảo đảm thành phố ít bị tàn phá, nhân dân thành phố ít bị thiệt hại về người và của. Cuối cuộc họp Đại tướng- Tư lệnh chiến dịch Văn Tiến Dũng ra lệnh “Tổng công kích trên toàn mặt trận vào 5h sáng ngày 29/4/1975”.
Đúng giờ, pháo ta ào ạt dội lửa xuống các căn cứ quân sự ngụy trong thành phố. Ta đang đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, Trảng Bàng, địch phản kích quyết liệt. Lui xuống tây-nam, Sư đoàn 9 đã vượt sông Vàm Cỏ Đông từ đêm 28 rạng sáng 29/4, vào lúc 5h30 ngày 29/4 đã chiếm được ngã ba Vĩnh Lộc, Bà Lác trên đường tiến công. Đúng 5 giờ, pháo ta ở Nhơn Trạch cũng đã bắt đầu nhả đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Suốt đêm 29/4, tin chiến sự từ khắp các mặt trận báo về. Tin tức được xác nhận, tập thể lãnh đạo phân tích, bàn bạc nhanh chóng. Rồi các chỉ thị, mệnh lệnh, các biện pháp cụ thể được truyền xuống các binh đoàn.
5h30 sáng ngày 30/4, quân ta từ 4 hướng đồng loạt tổng tiến công vào Sài Gòn. Cả thành phố rung chuyển. Tất cả các cầu và đầu mối giao thông quan trọng trong thành phố đã được các đơn vị đặc công đánh chiếm trước và khống chế. Địch chống cự phản kích yếu ớt, thậm chí có những căn cứ án binh bất động, như chờ quân Giải phóng tới tiếp quản. Các đơn vị xe tăng, thiết giáp và xe cơ giới quân ta ào ào tiến vào như vũ bão, đi tới đâu cờ đỏ sao vàng và cờ của Mặt trận giải phóng dân tộc tung bay tới đó.
Mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 nhanh chóng qua cầu Thị Nghè, tiến thẳng vào dinh Độc Lập. Xe tăng ta húc đổ cổng sắt dinh Độc Lập. Trung úy Bùi Quang Thận cùng một số chiến sĩ nhanh chóng lao lên ban công tầng thượng của tòa nhà giật bỏ lá cờ ngụy và kéo lá cờ giải phóng lên cột cờ cao nhất của dinh Độc Lập vào lúc 11h30’ ngày 30/4/1975. 13h30 cùng ngày, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện chấm dứt chế độ Việt Nam Cộng hòa. Đây cũng là giờ phút báo hiệu khoảnh khắc cuối cùng về cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ kéo dài 21 năm ở Việt Nam./.
Theo VOV