Kỷ niệm Quốc tế phụ nữ 8.3
Còn lại “ba cô”

03:03, 07/03/2010
.
TRẦN ĐĂNG

(QNĐT)- Thời gian của 35 năm sau chiến tranh đủ để xóa đi nhiều thứ, song cái tên “Trạm 9 cô” cùng những con người gắn cả tuổi thanh xuân đời mình với binh trạm ấy thì mãi mãi vẫn tươi nguyên trong ký ức của những người lính Trường Sơn thuở nào. Nhân Ngày Quốc tế phụ nữ mùng 8 tháng 3, chúng tôi giới thiệu bài viết của nhà báo Trần Đăng về những người phụ nữ hết sức đặc biệt này.
 
“Trạm 9 cô” hiện còn sống 20 người, nhưng chỉ 3 chị may mắn trở thành công dân TP.Quảng Ngãi. Tôi gõ cửa nhà chị Nguyễn Thị Cẩn, nguyên Trạm phó “9 cô”, trong một hẻm nhỏ thuộc phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi.
 
 
Chị Ngà (trái) và chị Cẩn tại nhà riêng. T.Đ
 
Một người đàn bà nhỏ thó, dáng lụi hụi, mang cặp kính dày cộp ra mở cửa: “Cháu hỏi ai?”. “Phải nhà chị Cẩn đây không ạ?”. “Ừ đúng rồi. Mời cháu vô nhà”. Tôi thì xưng “chị”, còn chị thì cứ gọi tôi bằng “cháu”, dù trời còn sáng rõ. Chị Cẩn gỡ gặp kính ra, bật công tắc đèn trong nhà lên, nhìn kỹ mặt tôi, rồi than: “Khổ! Mắt mũi chị kèm nhèm hung rồi em. Thấy em mặc áo trắng, chị tưởng thằng nhỏ nào!”. 
 
Tôi nhờ chị Cẩn đưa sang nhà chị Lê Thị Bích Ngà, nguyên Trạm trưởng “9 cô”. Chị Ngà ra ngõ đón khách, chân đi xẹo xọ, miệng rên khe khẽ: “Dạo này cứ trở trời là cái chân nó hành tao Cẩn ơi”. Chị Cẩn đáp: “Ừ, tao thì trời hành con mắt”. Họ “mày-tao” như cái thuở 40 năm trước ở Trường Sơn, dù cả hai bây giờ cũng sắp bước vào ngưỡng “cổ lai hy”.
 
Riêng chị Nguyễn Thị Diệp-đứa em út của “Trạm 9 cô” thì không rên vì đau nhức vết thương như hai bà chị mà rên chuyện khác. Tôi đành phải đánh trống lảng, lái sang chuyện “Trạm 9 cô” của các chị. Cả ba bà chị gạt ngay tiếng rên vì đau nhức, vì tủi cực sang một bên, từng người một  thắp lên ngọn lửa Trường Sơn thuở nào. Cả một ký ức gian lao và hào hùng bỗng ùa về trong các chị như thác lũ.
 
Chị Ngà nhớ lại: Năm 1967, ta chuẩn bị đánh Mậu Thân nên công việc đưa quân, tải đạn rất khẩn trương. Đường Trường Sơn buộc phải hình thành nhiều nhánh đường xương cá, rẽ xuống các tỉnh. Một nhánh của Trường Sơn Đông đã qua đây để xuống đồng bằng và vào phía bắc Bình Định. Chỗ Sơn Tây này như cái cổ chai, ai muốn về Nam hay ra Bắc gì thì cũng phải qua đây. Thế là hình thành Trạm giao bưu số 10 này, thuộc tiểu đoàn 8, trung đoàn 420, Quân khu 5.
 
Lúc đầu chỉ có 7 chị em, hầu hết là thiếu nữ từ đồng bằng lên. Sau thấy công việc quá nhiều, trên bổ sung hai chị nữa, tất cả là 9. Mãi đến ngày giải phóng cũng thế, hễ trong binh trạm có ai bị thương hay ra Bắc chữa bệnh thì trên lại điều về cho đủ 9 người. 
 
Tháng 1 năm 1967, B52 nó “tặng” cho các chị một trận bom nhớ đời. Chị Diệp bị vùi trong đống cây đổ nát, ai cũng tưởng chị hy sinh. Cả binh trạm vác cuốc và chiếu đi tìm để chôn chị thì nghe tiếng rên khẽ. Cô thiếu nữ 18 tuổi, mặt không còn giọt máu vì mới chân ướt chân ráo từ đồng bằng lên đã gặp trận bom. 
 
Chị Diệp 35 năm trước       và hôm nay
Chị Diệp 35 năm trước                                    và hôm nay
Những năm tiếp theo, cứ vài ba bữa, binh trạm lại “đón” một trận. Sơn Tây thời chiến tranh gọi là “Khu Bảy”, hầu như các cơ quan đầu não của Khu Năm và của tỉnh Quảng Ngãi đều có thời gian đóng tại vùng này. Kẻ thù đã đánh hơi và biết điều đó nên nơi đây trở thành túi bom là điều dĩ nhiên. Mắt chị Cẩn giờ lèm nhèm, chân chị Ngà giờ xẹo xọ cũng là kết quả của những lần bom Mỹ “ghé thăm” trạm các chị .
 
Cả ba chị đều cho răng, ngại nhất không phải là đội bom mà là đưa đón khách binh trạm. Chị Diệp kể, có lần trạm đón chỉ ba thương binh, trên đường ra Bắc chữa trị. Hôm đó trạm còn mỗi một khúc củ mì nhưng các chị phải nấu… ba kiểu khác nhau vì anh này thì thích luộc, anh kia thì thích lùi, anh nữa lại thích ghế với cơm!
 
“Mà thương binh thích gì thì mình cũng phải chiều họ, trừ họ thích… mình!” – chị Diệp lại bông đùa. Chị Ngà nhớ lại: “Có hôm đón một ngàn quân. Toàn lính Bắc mới toe, vào bổ sung cho Sư 3. Các anh hầu hết vừa rời ghế nhà trường, mới đặt chân vào Trường Sơn nên nấu nướng rất “vô tư”. “Ban ngày sợ khói ban đêm sợ lửa” là thế. Đám mô-ranh chỉ cần nhìn thấy một đụn khói mỏng mà phả lên nóc rừng vào ban ngày hoặc một ánh lửa lập lòe vào ban đêm là y rằng cả binh trạm chuẩn bị đón một trận bom thừa chết thiếu sống”.
 
Nhiều đêm đón khách “hạng sang” này, các chị phải trắng mắt thức để nhắc nhở chuyện khói chuyện lửa. Rồi chuyện đón các “hạt giống Đỏ”, toàn đám trẻ con theo đường dây 559 để ra Bắc cũng là chuyện “chua xương” với các chị. Bình quân mỗi ngày các chị phải đi và về từ binh trạm này sang binh trạm khác để đưa-đón khách hết 40 cây số. Trong 8 năm gắn với “Trạm 9 cô” này, quãng đường mà các chị đã đi, chắc là đủ để làm một vòng quanh trái đất này! Bom đạn mà các chị phải đội, kể đến hàng nghìn tấn!
 
Trừ chị Ngà là “tóm” được một anh bộ đội từ trước ngày giải phóng nên tình duyên có vẻ hanh thông, tất cả những người còn lại, hầu như chị nào cũng gặp trắc trở. Giải phóng ra, các chị đã ngấp nghé 30 hoặc trên 30 cả rồi. Tám năm đội đạn, tuổi ba mươi đã gõ cửa tự bao giờ, các chị nào có hay! Các chị đã gửi cả tuổi thanh xuân của mình nơi cánh rừng có cả mùi khói bom lẫn mùi hương tóc, đến ngày cả dân tộc ùa về đường số một, các chị vẫn là những người xuống núi sau cùng. Nơi nào khó khăn, các chị phải đi trước, nơi nào sung sướng, các chị lại là những người về sau cùng.
 
Như chị Ngà đây, những tưởng lấy được tấm chồng từ thuở thanh niên đã là viên mãn, chẳng ngờ chị đẻ một lèo những 6 người con. Bệnh cũ tái phát, chồng chị giờ phải đi xe lăn. Chị đã đau, lại phải nuôi người ốm.
 
Chị Cẩn thì năm 39 tuổi mới đẻ đứa con đầu lòng. Đẻ xong thì nuôi ông chồng già khụ bị tai biến cả chục năm trời. Con trai giờ đã tốt nghiệp đại học bách khoa, mang bằng về khoe với mẹ nhưng mắt mũi mẹ thế, chỉ “sờ” tấm bằng đại học của con chứ chẳng thấy gì.
 
Chả bù với chị Diệp, 49 tuổi mới lấy tấm chồng. Không sinh nở nữa nhưng chị phải dựng vợ, gả chồng rồi nuôi cháu của con chồng, những 4 đứa, lại phải cơm bưng nước rót “hầu” cụ bà nhà chồng ngót nghét tuổi 90! Nhưng chị vẫn còn may hơn nhiều chị khác. Như chị Dung ở Mộ Đức, đau tim mấy năm, gõ cửa khắp nơi để xin tiền chạy chữa nhưng không có tiền, đành phải chết trong đói nghèo rơm rạ ở quê; như chị Nhạn cũng quê Mộ Đức, quá khó nghèo, giờ phải lên sống với đồng bào Banar ở Vân Canh tỉnh Bình Định.
 
Còn rất nhiều, rất nhiều hoàn cảnh thương tâm của các chị ở “Trạm 9 cô”. Các chị gần như bị chôn vùi trong quên lãng. Thật may mắn, dù muộn còn hơn không, mùa hè năm 2009, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân tỉnh tỉnh đã tổ chức gặp mặt các chị. Tủi tủi mừng mừng sau 34 năm mới gặp lại. Cả một ký ức bi hùng thời trận mạc lại có dịp ùa về cùng các chị.
 
Cuộc chiến tranh đã lùi xa nhưng những gì mà các chị cống hiến cho đất nước mãi mãi là tấm gương sáng cho tất cả những phụ nữ hôm nay noi theo./.

.