(Baoquangngai.vn)- Sáng 5/8, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Dự hội nghị ở điểm cầu Quảng Ngãi có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
[links()]
Khung cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 -2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Phấn đấu cả nước có khoảng từ 17 – 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM…
Chương trình được triển khai, thực hiện trên địa bàn nông thôn cả nước với 8.227 xã, 644 đơn vị cấp huyện có xã thuộc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo các quy định của bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021 -2025. Tổng nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí cho chương trình giai đoạn 2021 – 2025 là 39.639 tỷ đồng.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến ở điểm cầu Quảng Ngãi. |
Hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình đến nay đã đầy đủ, là căn cứ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành trung ương và địa phương triển khai thực hiện. Đến tháng 7/2022, đã có 59 văn bản pháp lý và văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình được ban hành. Cả nước có 5.813/8.227 xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, có 803 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 94 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 254 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Có 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 tỉnh đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Đến nay, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ giao 27 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 3.000 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp. Ngoài ra, đã có 40/51 địa phương trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương được giao. Trong đó, có 28 địa phương hoàn thiện các thủ tục phê duyệt dự toán chi tiết, phê duyệt dự án đầu tư để tổ chức thực hiện.
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị, giải pháp để thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền khẳng định vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Trung ương cần tạo các điều kiện, cơ chế, chính sách để địa phương tận dụng lợi thế riêng để góp sức xây dựng NTM. Giảm bớt thủ tục, nâng cao chất lượng trong việc thẩm định cấp xã đạt chuẩn NTM. Tập trung lồng ghép chương trình để tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu tại hội nghị. |
Bộ NN&PTNT đề nghị các bộ, ngành trung ương tập trung nghiên cứu, rà soát và kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chương trình theo thẩm quyền. Hoàn thiện phương án phân bổ kế hoạch vốn ngân sách trung ương còn lại và phương án phân bổ kế hoạch kinh phí sự nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV trước ngày 1/9/2022.
Các địa phương khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, ban hành các văn bản quản lý, điều hành tổ chức thực hiện chương trình ở cơ sở. Kiện toàn hệ thống bộ máy tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp thống nhất, đồng bộ theo quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tế. Xây dựng lộ trình triển khai kế hoạch vón ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được giao thực hiện chương trình năm 2022…
Tin, ảnh:
T.PHƯƠNG