Không thể chậm hơn

06:08, 19/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tính đến hết ngày 31/7, Quảng Ngãi giải ngân vốn đầu tư công chỉ mới đạt hơn 30% kế hoạch. Như vậy, so với mục tiêu đặt ra của tỉnh là phải giải ngân đạt 40% vốn đầu tư công (trong tổng kế hoạch vốn là 6.367 tỷ đồng), khi kết thúc quý II/ 2022 đã không đạt được như kỳ vọng.
 
[links(right)]
 
Trong các cuộc họp với các sở, ngành và địa phương liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh từng nhiều lần phê bình các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp, các chủ đầu tư chưa hoàn tất các thủ tục triển khai các dự án để phân khai vốn. 
 
Đồng thời, yêu cầu phải tập trung nâng cao hiệu quả trong giải ngân vốn đầu tư công, không để chậm trễ. Vậy nhưng, việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn không đạt kế hoạch.
 
Đâu là nguyên nhân? Có nhiều lý do khiến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, trong đó có những nguyên nhân không mới, nhưng vẫn chưa được các sở, ngành, địa phương khắc phục. Đó là, công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các thủ tục đầu tư và giao chi tiết kế hoạch vốn chậm; khâu giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc; việc lựa chọn nhà thầu cũng như tổ chức thi công còn rề rà. Thậm chí, một số sở, ngành, địa phương (nhất là chủ đầu tư các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công) chưa chủ động, thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành để đạt các mốc tiến độ làm cơ sở để giải ngân vốn kịp thời.
 
Vốn đầu tư công là nguồn vốn quan trọng đối với sự phát triển của đất nước và từng địa phương. Tất cả những dự án sử dụng vốn đầu tư công đều là các công trình hạ tầng và dự án chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích của cộng đồng... Do vậy, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của các dự án đầu tư công.
 
Với con số kế hoạch vốn đầu tư công trong năm 2022 của tỉnh là 6.367 tỷ đồng, nhưng hiện chỉ mới giải ngân hơn 30%, thì giải pháp tháo gỡ vướng mắc cần được các sở, ngành, địa phương, nhất là các chủ đầu tư dự án xem xét để tìm hướng tháo gỡ kịp thời, nhằm tăng tiến độ thực hiện và giải ngân vốn. Tiền đã bố trí mà không “tiêu được” sẽ kéo theo nhiều vấn đề phát sinh như gây lãng phí, vì công trình chậm, nhà thầu, chủ đầu tư chịu thiệt hại do đội vốn, trong khi Nhà nước phải trả lãi vay (đối với những dự án có vay vốn). Hơn nữa, sự chậm trễ này còn kéo lùi nhiều dòng vốn khác, gây ảnh hưởng tới việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công cho năm kế tiếp.
 
Giải ngân vốn đầu tư công không thể chậm hơn là vì thế!
 
MINH HUY
 

.