(Baoquangngai.vn)- Sáng 20/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về phát triển thị trường lao động (TTLĐ) linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập.
Tại điểm cầu Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chủ trì, cùng sự tham dự của lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, lao động (LĐ) - việc làm là một trong những nội dung rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Trong những năm qua, TTLĐ ở Việt Nam đã có những bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với TTLĐ khu vực và thế giới. Tuy nhiên, TTLĐ Việt Nam vẫn còn manh mún, chưa chuyên nghiệp, thiếu tính linh hoạt, chưa thật bền vững. Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề tới TTLĐ trong nước và thị trường xuất khẩu LĐ.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi. |
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong thời gian qua, các chính sách, chương trình và giải pháp tạo việc làm đã được triển khai đồng bộ, tích cực, hiệu quả. Hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp phát triển được chuẩn hóa, hiện đại hóa. Cùng với đà tăng trưởng và phục hồi KT-XH sau đại dịch, LĐ từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II/2022 là 50,5 triệu người, tăng 504,6 nghìn người (1,01%) so với quý trước và tăng 701,8 nghìn người (1,41%) so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ rõ, TTLĐ nước ta còn chưa phát triển kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển KT-XH, tính thích ứng, chủ động, linh hoạt kém, nhất là trước những “cú sốc” như đại dịch Covid-19 đã bộc lộ những bất cập. Tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý về vai trò phát triển TTLĐ và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH nhanh, bền vững; đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách về TTLĐ; chia sẻ những kinh nghiệm trong nước, quốc tế và các giải pháp phát triển TTLĐ linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phủ nhấn mạnh, cần nâng cao nhận thức về TTLĐ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để TTLĐ phát triển theo hướng linh hoạt, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hội nhập quốc tế; tập trung xây dựng hệ thống quản trị TTLĐ hiện đại, minh bạch; chú trọng đầu tư cả về cơ chế chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo TTLĐ; đẩy mạnh xây dựng chính sách việc làm trên nguyên tắc có tính dự báo, tầm nhìn chiến lược, chủ động, phù hợp với cơ chế thị trường, đa dạng hoá các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, việc làm sáng tạo, chất lượng cao, việc làm bền vững, việc làm xanh, việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải quan tâm tới việc dịch chuyển LĐ và đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học và rà soát, đánh giá sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó Thủ tướng yêu cầu, tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; xây dựng chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhận trình độ kỹ năng cho người LĐ. Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp để thu hút hiệu quả LĐ tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy LĐ phục vụ phục hồi kinh tế nhanh và bền vững.
Tin, ảnh:
X.HIẾU