(Báo Quảng Ngãi)- Không để lái xe chở hàng quá khổ, quá tải. Lái xe tuyệt đối không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện. Không tự ý cơi nới thành, thùng xe. Không đậu, đỗ xe trái quy định. Chấp hành nghiêm quy định về tốc độ... Không khó để tìm ra những lời cam kết như thế từ phía các doanh nghiệp vận tải với lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông.
Có doanh nghiệp còn cam kết luôn cả việc sẽ thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức, đạo dức nghề nghiệp cho đội ngũ lái xe, thực hiện văn hóa giao thông, ứng xử văn minh trên đường. Nhưng có một thực tế đáng buồn là, không ít doanh nghiệp vận tải ngay khi vừa đặt bút ký vào bản cam kết, thì liền sau đó là để xảy ra những sai phạm từ chính các đoàn xe tải, xe khách của mình.
Trên địa bàn KKT Dung Quất, từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông đã phát hiện và xử lý hàng loạt xe tải vi phạm về tải trọng. Trong số đó, nhiều xe là của các doanh nghiệp vận tải đã ký cam kết không chở quá tải. Bức xúc trước tình trạng này, người dân đã nhiều lần chặn xe phản đối, nhưng đâu lại vào đấy. Còn nữa, một số trường hợp xe của doanh nghiệp vận tải không chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ đã gây ra các vụ tai nạn giao thông làm chết người thương tâm.
Có một thực tế là, các doanh nghiệp vận tải khi được cơ quan chức năng mời lên làm việc và yêu cầu ký cam kết thì họ ký vào bản cam kết theo kiểu chiếu lệ, đối phó, chứ không “thật tâm” hành động vì sự bình yên trên đường. Vì thế mới có chuyện, ký cam kết xong vẫn cứ vi phạm. Đương nhiên, ngoài sự thiếu quan tâm, kiểm soát hành vi của tài xế, thì chuyện doanh nghiệp vận tải không thực hiện theo cam kết còn vì mục đích lợi nhuận. Để có lợi nhuận, họ sẵn sàng cho tài xế chở quá tải, chạy quá tốc độ, tăng phiên, tăng chuyến. Từ đây, những rủi ro gây ra tai nạn là điều khó tránh khỏi.
Việc thực hiện không đúng cam kết của doanh nghiệp vận tải cũng buộc các cơ quan quản lý nhà nước phải suy ngẫm. đã đến lúc cần có chế tài đủ mạnh đối với các doanh nghiệp vận tải “hứa suông, ký suông”.
Doanh nghiệp vận tải không thể tiếp tục nói không đi đôi với làm. Lời cam kết phải cụ thể hóa bằng hành động trên tinh thần thượng tôn pháp luật của từng doanh nghiệp. Sự thờ ơ, phá vỡ lời cam kết của doanh nghiệp vận tải về đảm bảo trật tự an toàn giao thông sẽ tạo ra nhiều nguy hiểm. Bởi, không chỉ gây tai nạn, ảnh hưởng đến tính mạng của người tham gia giao thông, mà còn khiến hạ tầng giao thông xuống cấp nhanh chóng.
Doanh nghiệp vận tải phải có trách nhiệm sau khi đặt bút ký cam kết, phải thực hiện đúng cam kết, thì từ đó mới góp phần giảm đi những đau thương, mất mát trên từng kí lô mét đường.
UYÊN ANH