Họp cho ý kiến đối với việc nuôi trồng thủy sản trong lòng các hồ chứa nước

12:06, 24/06/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 24/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp để nghe và cho ý kiến chỉ đạo đối với việc nuôi trồng thủy sản trong lòng các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các sở, ngành và địa phương liên quan. 
[links()]
 
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 124 hồ chứa thủy lợi, được phân bố trên địa bàn 11/13 huyện, thị xã. Trong đó, có 25 hồ chứa nước lớn, 36 hồ chứa nước vừa và 63 hồ chứa nước nhỏ. Đa số hồ chứa nước có độ sâu trên 10m và diện tích lưu vực khá lớn thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ chứa. 
 
Trong thời gian qua, Sở NN&PTNT đã đề xuất, tham mưu UBND tỉnh cấp phép hoạt động và cho chủ trương thực hiện nuôi cá trong lòng hồ đối với 29 hồ chứa nước. Hiện tại, đa số các hồ chứa trên địa bàn tỉnh nuôi thủy sản theo hình thức quảng canh, thả nuôi tự nhiên, một số hồ nuôi cá lồng. 
 
Qua tổng hợp của Sở NN&PTNT, hàng năm có khoảng 940ha nuôi thủy sản nước ngọt, trong đó, khoảng 800ha nuôi thủy sản ở hồ chứa, còn lại là nuôi ao hồ nhỏ. Theo thống kê chưa đầy đủ, sản lượng thủy sản nuôi từ các hồ chứa khoảng 1.700 tấn/năm. 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp.
 
Theo đánh giá, phân tích của các đại biểu tại cuộc họp, các hồ chứa ngoài mục đích sử dụng cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, thì việc sử dụng mặt nước hồ chứa nước để nuôi trồng thủy sản nước ngọt là phù hợp để phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập nói riêng và góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà. 
 
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là thủy sản nuôi ở hồ chứa nước ngọt đa phần có giá trị kinh tế thấp; hầu hết hồ chứa nằm ở địa bàn xa xôi, việc cung ứng thức ăn, thuốc hoá chất phục vụ nuôi trồng thủy sản cũng như kết nối tiêu thụ thủy sản nuôi gặp khó, tốn kém chi phí vận chuyển. Người dân địa phương đa phần kinh tế khó khăn, khả năng đầu tư thấp; trình độ chuyên môn hạn chế. Nuôi thủy sản trên các hồ chứa vẫn đang nhỏ lẻ, chưa có sự đầu tư đồng bộ, đa số các hồ chứa nước hiện nay vẫn chưa được sử dụng để phát huy lợi thế, tận dụng hiệu quả nuôi trồng thủy sản. Đầu ra sản phẩm chưa ổn định, chỉ mới cung ứng manh mún ở địa phương, giá trị kinh tế chưa cao… 
 
Để phát triển nuôi cá nước ngọt trong lòng hồ chứa cần có sự hỗ trợ của nhà nước về mặt kỹ thuật, vốn đầu tư; hỗ trợ con giống, đầu ra cho sản phẩm và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ…
 
Tận dụng nguồn mặt nước lòng hồ thủy điện đễ phát triển kinh tế là hướng đi cần được phát huy.
Tận dụng nguồn mặt nước lòng hồ thủy điện đễ phát triển kinh tế là hướng đi cần được phát huy.
 
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, hiệu quả mang kinh tế lại từ việc phát triển nuôi cá nước ngọt ở các lòng hồ chứa là rất lớn nếu chúng ta tận dụng được lợi thế nguồn mặt nước dồi dào từ các hồ chứa. Mô hình này, không chỉ tạo công ăn, việc làm cho người dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, xã hội mà còn đảm bảo được sự phát triển bền vững môi trường sinh thái ở các hồ chứa. 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan để triển khai thực hiện nuôi cá nước ngọt ở các lòng hồ thủy điện đạt hiệu quả trong thời gian tới. Trong đó, lưu ý phải tiếp cận các trung tâm nghiên cứu, các địa phương, doanh nghiệp đã thành công trong lĩnh vực này để chúng ta có cách làm ngắn nhất, hiệu quả nhất; đồng thời, tuyên truyền vận động nhiều hộ dân cùng tham gia, kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư cùng liên kết sản xuất… nhằm phát triển bền vững. 
 
Đề nghị chính quyền các địa phương, phối hợp với Sở NN&PTNT và các sở, ngành liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với nuôi trồng, khai thác đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn theo các quy định của pháp luật; triển khai thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền các tổ chức, cá nhân đăng ký, đầu tư nuôi thủy sản trên các hồ chứa thủy điện, thủy lợi ở địa phương; chủ động xây dựng các mô hình sản xuất, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để triển khai nuôi trồng thủy sản; phối hợp với các ngành chức năng, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường hồ chứa. Đối với những địa phương có điều kiện thuận lợi thì phát triển theo hướng nuôi trồng kết hợp với các hoạt động dịch vụ, du lịch. 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cũng đề nghị các Sở: NN&PTNT, TN&MT, Công thương, Tài chính… căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh để có hướng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện việc nuôi trồng thủy sản trong các lòng hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả cao nhất.
 
Tin, ảnh: H.P

.