Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị

03:06, 27/06/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 27/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. 
[links()]
 
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Tổng kết Nghị quyết số 39 Trần Tuấn Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chủ trì hội nghị. 
 
 
Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo của Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các đồng chí trong Tổ Biên tập xây dựng Đề án Tổng kết Nghị quyết số 39; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy; Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thị Hồng Minh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh…
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, nhận thức được lợi thế, tiềm năng của tỉnh và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Nghị quyết số 39, Kết luận số 25 đối với sự phát triển của tỉnh và kinh tế vùng, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 39, Kết luận 25, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 10, Chương trình hành động 33-CTr/TU để cụ thể hóa thực hiện; đồng thời, Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đều xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và ban hành các nghị quyết, kết luận chuyên đề để tập trung huy động và bố trí nguồn lực thực hiện; các cấp ủy đảng, chính quyền ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa, thể chế hóa thực hiện phù hợp với từng địa phương, đơn vị.
 
Các đồng chí chủ trì hội nghị
Các đồng chí chủ trì hội nghị.
 
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh, từ năm 2004 trở về trước, Quảng Ngãi là một tỉnh có quy mô kinh tế nhỏ; công nghiệp chưa phát triển; dịch vụ phát triển chậm; nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu; ngân sách phụ thuộc sự hỗ trợ của Trung ương. Đời sống nhân dân rất khó khăn. Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 39 và 10 năm thực hiện Kết luận số 25, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Điều này cho thấy Nghị quyết 39 đã đi vào cuộc sống, thể hiện sự năng động, sáng tạo và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ở địa phương.
 
Về liên kết vùng, trong những năm qua, cùng với các địa phương trong vùng, Quảng Ngãi đã tích cực tham gia thúc đẩy phát triển liên kết vùng. Đã tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng xây dựng các kế hoạch, chương trình nhằm phát triển vùng trên nhiều lĩnh vực; trong đó có tập trung phát triển một số cơ sở hạ tầng giao thông thúc đẩy liên kết vùng.
 
“Kết quả hội nghị tổng kết Nghị quyết 39, Kết luận 25 sẽ góp phần cung cấp thông tin để Ban Chỉ đạo và Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành chủ trương mới về phát triển vùng nhằm cụ thể hóa các quan điểm, định hướng của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 – 2030)", Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh. 
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu tại hội nghị.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu tại hội nghị.
 
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 39 và Kết luận 25 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị khóa IX. Qua báo cáo cho thấy, giai đoạn 2005 - 2021, kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã có những thành tựu đáng kể. Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, kinh tế xuất phát điểm thấp, ngân sách phụ thuộc sự hỗ trợ của Trung ương, cơ cấu kinh tế, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn; quy mô và cơ cấu kinh tế có sự thay đổi lớn sau khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động năm 2009. 
 
Đến nay, kinh tế của tỉnh phát triển khá, GRDP năm 2021 đạt mức 52, 925 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005 - 2021 là 10,92%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 3.360 USD (khoảng 78,28 triệu đồng/người); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp. Công nghiệp, thương mại đều có mức tăng trưởng khá và công nghiệp tiếp tục giữ vai trò động lực chủ yếu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Công nghiệp ngoài lọc dầu tăng trưởng khá và ngành công nghiệp tỉnh đã giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động của Nhà máy lọc dầu Dung Quất so với giai đoạn trước. 
 
Cùng với Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các dự án kinh tế lớn trên địa bàn KKT Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh đã làm tăng đáng kể giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. KKT Dung Quất trở thành một trong những khu kinh tế thành công nhất trong cả nước, giữ vai trò là hạt nhân tăng trưởng và động lực phát triển của tỉnh. Văn hóa xã hội tiếp tục phát triển. Chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Công tác xây dựng Đảng đạt một số kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
 
Tuy nhiên, phát triển của Quảng Ngãi vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước còn phụ thuộc nhiều vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với trung bình của cả nước. Công nghiệp chế biến, chế tạo phần lớn hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị. Nông nghiệp phát triển chưa bền vững. Dịch vụ có giá trị gia tăng cao chưa nhiều. Quy mô kinh tế biển nhỏ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế. Hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế chưa cao. Chất lượng khám, chữa bệnh chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Đời sống người dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn… 
 
Tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là tỉnh phát triển khá của cả nước; công nghiệp tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng, trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Dịch vụ, du lịch phát triển đa dạng. Nông, lâm, ngư nghiệp phát triển bền vững. Hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao phát triển mạnh. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện. Mở rộng hợp tác, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc. 
 
Phối hợp, đẩy nhanh công tác lập quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương. Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng dùng chung mang tính kết nối vùng và liên vùng...
 
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
 
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở: Công thương, Tài chính, NN&PTNT, TN&MT và Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã phát biểu tham luận về giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiếp tục tạo động lực chính cho tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030; xây dựng và phát triển KKT Dung Quất thành KKT chuyên biệt, xanh thông minh, phát triển bền vững;… Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương đã phân tích những tồn tại, hạn chế; đồng thời đề xuất các giải pháp để tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 39 và Kết luận 25 trong thời gian tới.  
 
Kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao Báo cáo tổng kết và những kết quả mà tỉnh Quảng Ngãi đạt được trong gần 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 39 và Kết luận số 25 của Bộ Chính trị. 
 
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong gần 20 năm qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 39 và Kết luận số 25; vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; cụ thể hóa nội dung Nghị quyết thành các kế hoạch, chương trình, đề án và đã hoàn thành được phần lớn các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra trên địa bàn tỉnh. Những thành tựu đạt được cho thấy Nghị quyết 39 đã đi vào cuộc sống và sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết, diện mạo của Quảng Ngãi thay đổi rõ nét, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân ngày càng được nâng cao; điều này thể hiện sự năng động, sáng tạo và sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.
 
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương,  Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Tổng kết Nghị quyết số 39 Trần Tuấn Anh phát biểu kết luận hội nghị.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Tổng kết Nghị quyết số 39 Trần Tuấn Anh phát biểu kết luận hội nghị.
 
Trong thời gian tới, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cần sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, là công cụ quản lý và cơ sở cho việc thu hút đầu tư và quản lý phát triển tỉnh. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh theo hướng phát triển mạnh công nghiệp để tỉnh Quảng Ngãi sẽ trở thành trung tâm công nghiệp nặng, quy mô lớn của vùng với hạt nhân là Khu Kinh tế Dung Quất và lợi thế cảng nước sâu Dung Quất. Nâng cao hiệu quả của các ngành công nghiệp lọc - hóa dầu, cơ khí chế tạo luyện kim, công nghiệp phục vụ kinh tế biển…
 
Đồng thời, cần quan tâm đề ra các giải pháp đột phá cho phát triển đô thị để quá trình đô thị hóa cùng với công nghiệp hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ thực sự trở thành động lực tăng trưởng và thúc đẩy tỉnh Quảng Ngãi phát triển bền vững, góp phần mang lại diện mạo mới và đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân ngày càng được nâng cao. 
 
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh thực sự cởi mở, thân thiện, kiến tạo, minh bạch để thu hút được các tập đoàn, nhà đầu tư lớn, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đến tỉnh đầu tư. 
 
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi chú trọng hơn nữa về liên kết vùng, phát huy vị thế, tiềm năng của tỉnh Quảng Ngãi trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vai trò cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên và khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam; hành lang kinh tế đông tây và các liên kết khu vực của nam Quảng Ngãi, bắc Bình Định cũng như của Quảng Ngãi với Tây Nguyên. Tập trung liên kết đầu tư cơ sở hạ tầng vùng biển, ven biển, hạ tầng kết nối vùng và liên vùng, liên kết phát triển logistic vùng, liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực, du lịch,…
 
Đồng chí Trần Tuấn Anh cũng đề nghị tỉnh cần bám sát kế hoạch, đề cương của Ban Chỉ đạo và ý kiến tham gia, thảo luận tại hội nghị để hoàn thiện báo cáo tổng kết Nghị quyết 39 trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.
N.ĐỨC

.