Quý I năm 2022, doanh thu kinh tế số đạt khoảng 53 tỷ USD

02:04, 27/04/2022
.
(Baoquangngai.vn) - Sáng 27/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì phiên họp thứ hai về chuyển đổi số kết nối trực tuyến với các địa phương trong cả nước.  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì tại điểm cầu Quảng Ngãi. 
[links()]
 
Theo báo cáo, ước tính tổng doanh thu kinh tế số trong quý I/2022 của cả nước đạt khoảng 53 tỷ USD, đóng góp 10,2% GDP. Công tác chuyển đổi số có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức số từng bước được nâng cao. Thể chế số được thiết lập. Tất cả 22 bộ, ngành và 63 địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số. 
 
Hạ tầng số từng bước được hoàn thiện. Tốc độ truy cập mạng băng rộng được cải thiện so với cùng kỳ năm 2021. Tỉ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh chiếm gần 71%. Hơn 85% hộ gia đình có điện thoại thông minh. 
 
Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu Quảng Ngãi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì phiên họp tại điểm cầu Quảng Ngãi.
Nhân lực số từng bước được nâng cao. Cả nước có gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật ngành công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, an toàn thông tin. Cả nước đã thành lập gần 4.900 Tổ công nghệ số cộng đồng, với gần 22 nghìn thành viên tham gia. 
 
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ TT&TT) đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý gần 3.700 cuộc tấn công mạng, gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin Việt Nam. Có 97,3% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức độ 4. Hiện có 42 địa phương khai trương Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC).
 
Kinh tế số từng bước phát triển. Có hơn 65 nghìn doanh nghiệp số thành lập mới. Người dân đã tích cực sử dụng nền tảng số trong cuộc sống hằng ngày để liên lạc, gọi xe, giao hàng, xem tin tức, chăm sóc sức khỏe điện tử.
 
Phiên họp được kết nối trực tuyến đến các địa phương trong cả nước.
Phiên họp được kết nối trực tuyến với các địa phương trong cả nước.

“Trong bối cảnh thời gian, nguồn lực đều có hạn, việc đầu tư cho chuyển đổi số phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; không dàn trải, chia cắt, manh mún. Cần lựa chọn những việc có tác động lan tỏa, hiệu quả ngay để triển khai. Yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với những quyết tâm, nỗ lực cao nhất trong thời gian đến”. 

Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH 

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã khẳng định, chuyển đổi số góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, tạo “đòn bẩy” hồi phục, phát triển sau đại dịch, tác động trực tiếp đến toàn dân. Đây là phiên họp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về chuyển đổi số, với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. 

 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với những kết quả tích cực trong thời gian qua, ngày càng tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.  
 
Tuy vậy, theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ, nhận thức về tầm quan trọng, lợi ích của chuyển đổi số vẫn chưa đồng đều ở một số địa phương, còn mang tính hình thức. Thể chế, chính sách về chuyển đổi số hoàn thiện chậm. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao, hiệu quả sử dụng hạn chế; tỷ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến còn thấp. Hệ sinh thái công dân số chưa được hình thành, người dân chưa được thụ hưởng nhiều.
 
Việc khai thác dữ liệu để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia chưa đảm bảo tiến độ đề ra; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình cập nhật dữ liệu chưa nhịp nhàng. Công tác đào tạo công nghệ thông tin chưa được chú trọng ở một số nơi. An ninh, an toàn mạng còn nhiều sơ hở. 
 
Trong thời gian đến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong sự phát triển chung của đất nước, cũng như thực hiện các mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. 
 
Các bộ, ngành, đơn vị, địa phương cần tích cực cụ thể hóa các thể chế, chính sách; đồng thời, rà soát những vướng mắc để kịp thời điều chỉnh. Trong quá trình thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia phải chú trọng đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực con người, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong huy động mọi nguồn lực. Phát triển chuyển đổi số phải mang tính đột phá, gắn liền với ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và phải phù hợp với điều kiện kinh tế, năng lực, trình độ con người; hài hòa với lợi ích của doanh nghiệp và người dân. 
 
 
Tin, ảnh: GIA NGHI 
 
 
 

.