Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022

03:12, 21/12/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 21/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022. Hội nghị được triển khai bằng hình thức trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn dự và chủ trì tại điểm cầu Quảng Ngãi.
[links()]
 
Báo cáo của Bộ Tư pháp nêu rõ, năm 2021, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng toàn ngành Tư pháp đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, chất lượng các nhiệm vụ được giao.
 
Công tác chỉ đạo điều hành được thực hiện quyết liệt, linh hoạt, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bối cảnh tình hình KTXH của đất nước và của từng địa phương. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được chú trọng đầu tư nguồn lực, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
 
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi
 
Công tác xử lý văn bản trái pháp luật được thực hiện quyết liệt, góp phần đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật. Năm 2021, các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 7 luật, nghị quyết và cho ý kiến với 5 dự án luật khác, đang gấp rút chuẩn bị 4 nội dung trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp bất thường; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 784 văn bản quy phạm pháp luật. Các địa phương đã ban hành 5.510 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện. Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật được triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp ứng phó với dịch Covid-19 được thực hiện kịp thời, trách nhiệm.
 
Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật được thực hiện hiệu quả hơn, đặc biệt trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở đã có nhiều đổi mới trong tư duy, cách làm. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật đối với một số lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục được nâng cao.
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý nhiều ý kiến sâu sắc, nhất là các đề xuất, kiến nghị nhằm đảm bảo công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chặt chẽ, góp phần nâng cao chất lượng công tác tư pháp.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chi đạo hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chi đạo hội nghị
 
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Đảng, Nhà nước, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm của toàn ngành Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành, cơ quan tư pháp địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và phân tích nguyên nhân của những thành tựu.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Năm 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đại hội Đảng các cấp, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi môi trường pháp lý cần phải được nâng cao, cải thiện tốt hơn đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp để họ thực hiện quyền công dân, sống và làm việc theo pháp luật.
 
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cần tập trung nguồn lực thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Trong đó, nhấn mạnh nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và thực thi pháp luật; bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, tình hình thực tiễn để nhanh chóng thể chế hóa, cụ thể hóa pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nút thắt về thể chế, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng viên trong hệ thống tư pháp. 
 
Tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu quả gắn với việc cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao năng lực phục vụ cho người dân, tăng cường phân cấp phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, coi đây là đầu tư cho sự phát triển, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, chế độ chính sách tương xứng, hài hòa hợp lý với các ngành khác. Chủ động phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm ngay từ khi xây dựng thể chế.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp, tranh thủ trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia, xuất phát từ thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và thực thi pháp luật, tất cả vì lợi ích của nhân dân, của đất nước…
Tin, ảnh: H.P 

.