Linh hoạt trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế

03:11, 17/11/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
[links()]
 
Sáng 17/11, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tổ chức Kỳ họp thứ 5. Đây là kỳ họp chuyên đề để xem xét, quyết định các vấn đề phát triển KT-XH, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. 
 
Dự và phát biểu tại kỳ họp, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Quảng Ngãi trong triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển KT-XH thời gian qua.

“Với 5 kỳ họp được tổ chức ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ, cho thấy Quảng Ngãi là một trong những tỉnh tổ chức nhiều kỳ họp chuyên đề nhất, thể hiện trách nhiệm trong việc thực hiện vai trò quyết định đối với những vấn đề quan trọng, cấp bách ở địa phương. Các quyết sách do HĐND tỉnh ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, qua đó khẳng định vị thế, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương ngày càng sát với dân, sát cơ sở, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử trị và nhân dân”, 

Thượng tướng TRẦN QUANG PHƯƠNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội

Dưới sự lãnh đạo, điều hành, giám sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng với sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, Quảng Ngãi đã có những nỗ lực, đoàn kết, đồng hành vượt qua khó khăn, thách thức. Giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình, phòng chống dịch bệnh hiệu quả để tập trung phát triển KT-XH. Kết quả đạt được trong năm 2021 là tiền đề quan trọng để tỉnh thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển KT-XH nhiệm kỳ 2021 - 2026 của tỉnh. 

 
Trong thành tích chung của tỉnh có sự đóng góp quan trọng của HĐND nói chung và của từng đại biểu HĐND nói riêng. Hoạt động của HĐND tỉnh tiếp tục được đổi mới về phương thức hoạt động, tăng cường dân chủ, bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp ủy để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định. 
Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại kỳ họp
Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại kỳ họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận định, Quảng Ngãi là tỉnh có nhiều thế mạnh để phát triển KT-XH; là địa phương giàu truyền thống cách mạng, văn hóa, lịch sử, có tiềm năng lớn về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Những năm qua, tỉnh đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nhân dân. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của các ngành, địa phương; dự báo các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 có khả năng không đạt, chỉ tiêu tăng trưởng ở một số ngành bị chậm lại; giáo dục, y tế, đời sống người dân, nhất là đối tượng hộ nghèo, thất nghiệp, người về từ vùng dịch gặp nhiều khó khăn; ngân sách tỉnh eo hẹp... 

“Là ĐBQH ứng cử tại tỉnh Quảng Ngãi và nơi chính quê hương của mình, tôi rất đồng cảm và chia sẻ những khó khăn, thách thức mà tỉnh đang đối diện. Hy vọng với sự quyết tâm, đoàn kết của tập thể lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, tỉnh Quảng Ngãi sẽ vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả tích cực trong thời gian tới”.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG. 

Năm 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2026 và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021 - 2025), đất nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen, tình hình thế giới, khu vực sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; diễn biến về dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp, khó lường, kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. 

Trước tình hình này, tỉnh Quảng Ngãi cần phải quyết tâm cao, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, có các giải pháp linh hoạt, hiệu quả với mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển KT-XH để hoàn thành các nhiệm vụ KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh đã đề ra. 
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân tặng hoa chúc mừng Thượng tướng Trần Quang Phương được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân tặng hoa chúc mừng Thượng tướng Trần Quang Phương được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội
Qua theo dõi và nghiên cứu các tài liệu kỳ họp lần này, Phó Chủ tịch Quốc hội hoàn toàn đồng tình với nhiều chủ trương, giải pháp đã đề ra trong các báo cáo, tờ trình và các quyết định của HĐND tỉnh Quảng Ngãi; đồng thời đề nghị HĐND tỉnh cần bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 32 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, cụ thể hoá các chỉ tiêu vào nghị quyết của HĐND tỉnh, nhằm mục đích hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về KT-XH năm 2022.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, Quảng Ngãi có nhiều lợi thế về địa chiến lược, cũng như các tiềm năng phát triển về kinh tế biển, công nghiệp chế biến, công nghiệp số; tiềm năng về con người… Song, để phát huy tốt các tiềm năng này, Quảng Ngãi cần có chính sách thu hút đầu tư có hiệu quả (cả trong nước và ngoài nước); chính sách đầu tư phải phù hợp với khả năng, lợi thế của tỉnh; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; phát triển hạ tầng cơ sở tạo điều kiện tốt nhất cho thu hút đầu tư. Có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; nhất là thu hút nguồn nhân lực là con em của tỉnh (cả trong nước và ở nước ngoài) hướng về quê hương, xây dựng quê hương giàu mạnh;... Phát triển KT-XH gắn với bảo vệ môi trường sống, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
 
Tạo động lực phát triển kinh tế theo hướng chú trọng bảo tồn, phát triển văn hóa và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc ở vùng khó khăn. Thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, đặc biệt tập trung hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành các dự án có quy mô lớn; phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành lọc hóa dầu, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ.. ; phát triển du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, con người, bản sắc văn hóa các dân tộc. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới, sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại. 
 
Cần nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Chủ động ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị; đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Làm tốt công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ từ sớm, từ xa; xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
 
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là chất lượng kỳ họp HĐND và hoạt động giám sát. Đổi mới nội dung, phương thức giám sát và tiếp xúc cử trị; gần dân, sát dân hơn, có nhiều hình thức gặp gỡ, lắng nghe ý kiến cử tri để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ, các đoàn thể, cơ quan báo chí, cùng nhân dân trong việc xem xét, giải quyết các kiến nghị chính đáng của cử tri và các kết luận sau giám sát. Đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, đưa hoạt động chất vấn thành một trong những hoạt động thường xuyên, coi đó là hình thức giám sát trực tiếp và hiệu quả đối với bộ máy chính quyền các cấp. 
 
Chủ động phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh trong giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội tại địa phương đảm bảo nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp thực hiện có hiệu quả trong giám sát các chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thực hiện có hiệu quả việc “giám sát, phản biện xã hội” đối với những quyết sách lớn về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND, nhất là các đại biểu trúng cử lần đầu; tạo không khí dân chủ trong các hoạt động của HĐND để đại biểu phát huy khả năng, trí tuệ, tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử; đổi mới và tăng cường công tác thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu.
 
Tạo mọi điều kiện hoạt động để các vị đại biểu HĐND chủ động nâng cao trách nhiệm trước cử tri, trước sự phát triển của tỉnh nhà, để mỗi đại biểu thường xuyên tự nghiên cứu, nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng và hiểu biết đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, năng động, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn.
H.P
 

.