(Baoquangngai.vn)-
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc khóa XV, ngày 26/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các dự án Luật Cảnh sát cơ động và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Tại điểm cầu Quảng Ngãi, tham dự phiên họp có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy; các ĐBQH khóa XV của tỉnh và các đại biểu khách mời.
[links()]
Dự án Luật Cảnh sát cơ động(CSCĐ) gồm 5 chương, 31 điều. Ngoài điều khoản chung và thi hành, luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ; chế độ, chính sách, công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với CSCĐ.
Tại phiên thảo luận, ý kiến các đại biểu thống nhất với sự cần thiết việc xây dựng dự án Luật CSCĐ nhằm luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng đảm trật tự cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù của CSCĐ và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; thống nhất với các quy định của pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng CSCĐ; giải quyết một số vấn đề bất cập của Pháp lệnh CSCĐ.
Góp ý về dự án Luật CSCĐ, đại biểu Lương Văn Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi thống nhất cao với sự cần thiết phải ban hành Luật CSCĐ. Vì sau gần 8 năm thực hiện Pháp lệnh CSCĐ năm 2013, CSCĐ đã phát huy truyền thống, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; thể hiện vai trò đặc biệt trong đấu tranh trấn áp các tội phạm nguy hiểm, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, sự kiện chính trị quan trọng, góp phần phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và đối ngoại của đất nước.
Tuy nhiên, tình hình về an ninh, trật tự có hướng diễn biến phức tạp, bên cạnh đó, tính chất nhiệm vụ của lực lượng CSCĐ thường trực đối diện với những rủi ro cao, không ít trường hợp đã có mất mát về tính mạng của chiến sĩ CSCĐ. Do vậy, theo đại biểu Hùng, việc ban hành Luật CSCĐ cũng là nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước ở tầm pháp lý cao nhất, để làm sao xây dựng lực lượng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Đại biểu Lương Văn Hùng phát biểu thảo luận |
Về vị trí, chức năng của CSCĐ tại Điều 3, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị giữ quy định vị trí, chức năng của CSCĐ như trong Pháp lệnh CSCĐ là chặt chẽ và đầy đủ. Về quyền hạn của CSCĐ tại Điều 1, đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, Khoản 2, dự thảo quy định CSCĐ được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong trường hợp: Chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; sử dụng tàu bay riêng do cấp có thẩm quyền huy động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.
"Đề nghị rà soát quy định trên để bảo đảm không mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và trường hợp lên tàu bay dân sự là tàu bay nước ngoài thì có phù hợp với công ước quốc tế về lĩnh vực hàng không hay không". đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị.
Đối với hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động tại Điều 13, đại biểu Lương văn Hùng thống nhất phương án 1, theo hướng quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của CSCĐ, gồm: Bộ Tư lệnh CSCĐ và CSCĐ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết, tương tự như quy định về hệ thống tổ chức của lực lượng Cảnh vệ quy định trong Luật Cảnh vệ, để bảo đảm được sự linh hoạt tổ chức lực lượng theo yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn phù hợp với thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an mà không phải sửa đổi Luật CSCĐ nhiều lần.
“Về phối hợp giữa CSCĐ với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ tại Điều 19, tôi đề nghị bổ sung vào dự thảo một khoản quy định cơ chế phối hợp với các lực lượng khác cũng có nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý. Cụ thể như: phối hợp với lực lượng biên phòng duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của Luật Biên phòng Việt Nam; phối hợp với các lực lượng thuộc Quân đội trong trạng thái khẩn cấp về quốc phòng ...”, đại biểu Lương Văn Hùng đề xuất.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật CSCĐ |
Trong phiên làm việc chiều ngày 26/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam hiện nay.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ hai điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm Chính sách.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong quá trình thảo luận.\
Tin, ảnh:
N.ĐỨC