Liên kết chặt chẽ trong sản xuất và chế biến gỗ rừng trồng để phát triển bền vững

02:10, 28/10/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 28/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp đang đầu tư, kinh doanh, sản xuất, chế biến dăm, gỗ trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các sở, ngành và địa phương liên quan. 
[links()]
 
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 63 dự án đầu tư sản xuất, chế biến gỗ, dăm gỗ đã được cấp phép với tổng vốn đầu tư 2.939 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất là 157 ha, suất đầu tư bình quân 18,7 tỷ đồng/1 ha. Trong đó, Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh có 28 dự án, tổng vốn đầu tư 1.854 tỷ đồng. Cụm Công nghiệp các huyện có 35 dự án, tổng vốn đầu tư 1.085 tỷ đồng. Hiện tại, có 45 dự án đang hoạt động, 2 dự án tạm dừng, 22/63 dự án có hợp phần chế biến dăm gỗ. 
 
Theo thống kê, tính đến tháng 9/2021, sản phẩm dăm gỗ nguyên liệu giấy xấp xỉ 917 nghìn tấn, đạt 131% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2020. Sản phẩm dăm gỗ nguyên liệu giấy góp phần tăng chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến của tỉnh. Các nhà máy chế biến dăm gỗ tạo việc làm cho lao động nông thôn. 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp
 
Bên cạnh những mặt tích cực, việc sản xuất, chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh còn một số bất cập. Tỷ trọng chế biến sâu về gỗ, dăm gỗ còn thấp. Đến tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ gần 133 triệu đô la Mỹ, trong khi gỗ xuất khẩu là 4,2 triệu đô la Mỹ. Các doanh nghiệp chỉ chú trọng khai thác, chế biến cây non, chưa sử dụng máy móc, công nghệ để chế biến sâu, chỉ xuất khẩu thô, quay vòng vốn. 
 
Các điểm thu mua gỗ keo chưa đảm bảo quy định về đăng ký kinh doanh, sử dụng đất không đúng mục đích, chưa được kết nối giao thông. Tình trạng tranh mua gỗ ảnh hưởng đến quyền lợi của người trồng keo và các nhà máy chế biến. Một số doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp, còn lại là bán quan trung gian.
 
Trao đổi tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, sản xuất, chế biến dăm, gỗ trên địa bàn tỉnh đề xuất, tỉnh cần tăng cường thực hiện các giải pháp để khép kín chuỗi trồng, chế biến và tiêu thụ gỗ rừng trồng; có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, gắn vùng trồng nguyên liệu với sản xuất, chế biến, tiếp cận, mở rộng thị trường; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trồng rừng sản xuất; kiểm tra và xử lý các trạm cân tự phát… Đồng thời, chỉ đạo các địa phương phối hợp với doanh nghiệp liên kết, tạo sinh kế lâu dài cho người trồng keo, hạn chế tình trạng bán keo non, làm “đứt gãy” chuỗi sản xuất và kế hoạch trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh.
 
Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương cũng đã trao đổi về những giải pháp đang được các cấp, ngành thực hiện nhằm nâng cao công tác quy hoạch, phát triển rừng trồng gỗ.
 
Các doanh nghiệp trao đổi tại cuộc họp
Các doanh nghiệp trao đổi tại cuộc họp

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đề nghị, các sở, ngành, địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc làm cầu nối để xây dựng mới liên kết giữa người trồng rừng với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến dăm, gỗ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm gỗ và tăng thu nhập cho người trồng rừng; tạo nên tính bền vững, lâu dài của các bên tham gia trong chuỗi liên kết. 

Giao Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan xây dựng đề án phát triển liên kết trồng rừng trên địa bàn tỉnh (giữa người trồng rừng, doanh nghiệp, ngân hàng, bảo hiểm) theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững đạt chứng chỉ FSC. Trong đó, yêu cầu việc xây dựng đề án phải bám sát tình hình thực tế của các địa phương, huy động được sự tham gia, hưởng ứng của các doanh nghiệp, người dân để có tính khả thi cao nhất. Đồng thời, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động tập hợp các chủ rừng cùng tham gia đề án để tạo thành vùng nguyên liệu lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong liên kết sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ. 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, chế biến dăm, gỗ tăng cường sự hợp tác, liên kết, chia sẻ để cùng nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững.  Trong chế biến, cần tiếp tục nỗ lực để tiến tới chế biến tinh sâu; xây dựng sản xuất theo chuỗi khép kín để nâng cao giá trị sản phẩm gỗ trên địa bàn tỉnh….
 
Tin, ảnh: H.P

.